Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
Cập nhật lúc: 07/05/2018

Hướng dẫn sinh hoạt Chi đoàn tháng 5/2018

1. Tìm hiểu về sự ra đời của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

Đảng Cộng Sản Việt Nam thành lập vào ngày 03/02/1930, từ đó, phong trào đấu tranh chống đế quốc và phong kiến dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng phát triển. Trong đấu tranh giành độc lập tự do, Bác Hồ và Đảng luôn quan tâm đến thế hệ trẻ vì đó là một lực lượng quan trọng trong công cuộc cách mạng cứu quốc.

Chỉ một năm sau, Đảng ta thấy rõ tầm quan trọng của việc thành lập tổ chức Đoàn, vì thế ngày 26/3/1931, tại Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên, tiếp theo sau đó, tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng vào tháng 5/1941, Trung ương Đảng đã ra quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh đoàn kết đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.

Ngay sau đó, vào ngày 15/5/1941, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, tổ chức Hội Nhi đồng Cứu quốc (nay là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) đầu tiên được thành lập với 5 đội viên là Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) được bầu làm Đội trưởng, Nông Văn Thàn (tức Cao Sơn), Lý Văn Tịnh (tức Thanh Minh), Lý Thị Nì (tức Thủy Tiên), Lý Thị Xậu (tức Thanh Thủy).

Từ những ngày đầu thành lập đến nay, theo sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, Bác Hồ kính yêu và được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách, từng thời kỳ, Đội trải qua các giai đoạn cách mạng với các tên gọi khác nhau:

• Năm 1941: Hội Nhi đồng Cứu quốc (sau đó đổi là Đội Thiếu nhi Cứu quốc);

• Năm 1949: Đội Thiếu nhi Tháng Tám.

• Tháng 02/1950: Đội Thiếu nhi Tháng Tám tách thành Đội Nhi đồng Tháng Tám và Đội Thiếu niên Tiền phong.

• Tháng 03/1951: Đội Thiếu nhi Tháng Tám.

• Ngày 04/11/1956 : Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam.

• Thể theo nguyện vọng của đội viên thiếu nhi cả nước, ngày 30/01/1970 Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết nghị cho Đội Thiếu niên, Đội Nhi đồng được mang tên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh cho đến nay.

Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam sáng lập, được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách, từ những ngày đầu thành lập, là thành viên của Mặt trận Việt Minh. Điều đó cho thấy, Đội luôn là tổ chức nòng cốt trong các phong trào thiếu nhi, là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, là lực lượng dự bị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đội lấy 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng làm mục tiêu phấn đấu rèn luyện cho đội viên. Đứng dưới cờ Đội quang vinh, đội viên được phát triển mọi khả năng trong hoạt động, học tập, vui chơi, cống hiến sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảy mươi bảy năm ghi dấu một chặng đường phát triển và trưởng thành của tổ chức Đội với lớp lớp các thế hệ đội viên đã trở thành những nhà lãnh đạo, những công dân ưu tú của xã hội, những tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, những nhà khoa học, thầy cô giáo, những công nhân có bàn tay vàng…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dìu dắt của Đoàn và sự chăm lo của toàn xã hội, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đang có những thuận lợi, thời cơ mới để tiếp bước cha anh rèn đức, luyện tài, xây dựng tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ngày càng vững mạnh.

2. Phong trào hành động

2.1. Nội dung sinh hoạt

- Tuyên truyền kỷ niệm 132 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 – 01/5/2018); kỷ niệm 64 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2018); Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh C.Mác (5/5/1818 – 5/5/2018); kỷ niệm 73 năm Ngày chiến thắng chủ nghĩa Phát – xít.

- Tuyên truyền kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2018): Tiếp tục tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; tình cảm yêu mến, kính trọng của nhân dân Việt Nam và thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện chỉ thị 42 CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030”; tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022 nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong các cấp bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.

- Tuyên truyền lịch sử 77 năm vẻ vang của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và thiếu nhi Việt Nam (15/5/1941 – 15/5/2018), công tác Đội và phong trào thiếu nhi tỉnh Đắk Lắk. Qua đó, giúp thiếu nhi, đội viên hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, về những thành tích mà đội viên thiếu nhi cả nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng đạt được qua các phong trào công tác Đội, về những gương anh hùng nhỏ tuổi, những nội dung chủ yếu về quá trình hình thành, xây dựng tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

- Nắm bắt diễn biến tình hình, tư tưởng trong đoàn viên thanh niên và dư luận xã hội trong đoàn viên thanh niên; tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền và phối hợp với đoàn thể địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, định hướng dư luận xã hội, xử lý các vấn đề bức xúc trong đoàn viên thanh niên, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

2.2. Hình thức tổ chức

- Chuẩn bị mọi thủ tục để tiếp nhận đoàn viên, thanh niên ở các trường học về sinh hoạt hè tại địa phương, đồng thời tạo nhiều sân chơi bổ ích thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt (Văn hóa văn nghệ - Thể dục thể thao; cắm trại; về khu căn cứ cách mạng; thăm hỏi và giúp đỡ các gia đình chính sách, bà mẹ Việt Nam anh hùng…).

- Đẩy mạnh các hoạt động xã hội, tổ chức tham gia vận động tương trợ giữa địa phương và nhà trường. Đồng thời tạo mọi điều kiện giúp đỡ các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về mọi mặt.

- Tăng cường đội an ninh xung kích bảo vệ trật tự an toàn xã hội, hỗ trợ phòng tránh tai nạn thương tích xảy ra trong mùa mưa lũ. Đẩy mạnh hoạt động đội, nhóm vay vốn, đổi công,… hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình.

- Đa dạng hóa các loại hình hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn, chi hội.

- Ngoài các nội dung hướng dẫn trên, các chi đoàn căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị đề ra các nội dung, hình thức sinh hoạt chi đoàn cho phù hợp.

3. Sổ tay nghiệp vụ: Chi đoàn với việc xây dựng Chi đoàn mạnh

3.1. Khái niệm Chi đoàn mạnh

Chi đoàn là đơn vị tế bào của hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; tổ chức Đoàn vững mạnh khi tất cả các đơn vị tế bào của hệ thống tổ chức Đoàn vững mạnh.

Một Chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố được đánh giá là vững mạnh khi đạt được các yêu cầu sau đây:

- Đảm bảo chế độ và chất lượng sinh hoạt Đoàn, xây dựng được nội dung hoạt động của Chi đoàn bằng danh mục những việc làm thiết thực, nâng cao uy tín của tổ chức Đoàn, thực hiện nhiệm vụ chính trị tại thôn, buôn, tổ dân phố.

- Chủ động tổ chức các loại hình rèn luyện đoàn viên, tạo môi trường để đoàn viên rèn luyện và phát huy vai trò người đoàn viên trong hành động, phát huy hiệu quả các chương trình hành động của Đoàn bằng các công trình thanh niên tại Chi đoàn, đồng thời tham gia thực hiện 4 đề án và 2 công trình thanh niên.

- Xây dựng ít nhất 1 đội hình thanh niên, mở rộng, nâng chất đội hình đã có, làm tốt công tác phát triển đoàn viên mới và giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng.

- Tổ chức tốt các đợt sinh hoạt chủ điểm, sinh hoạt chính trị trong Đoàn, làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục trong các đội hình thanh niên.

- Đảm bảo công tác quản lý hồ sơ đoàn viên và Chi đoàn, thực hiện tốt nghĩa vụ Đoàn phí. Có tối thiểu 2/3 đoàn viên đạt loại khá trở lên và không có đoàn viên yếu.

- Có nhiều giải pháp thực hiện vai trò tổ chức Đoàn Thanh niên trong việc tham gia cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư.

3.2. Nội dung, biện pháp xây dựng Chi đoàn mạnh

Để xây dựng Chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố trở thành Chi đoàn vững mạnh, Ban Chấp hành Chi đoàn cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp sau:

- Xác định đúng vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Chi đoàn, từ đó chủ động đề ra công việc phù hợp với nhiệm vụ chính trị của thôn, buôn, tổ dân phố đồng thời đáp ứng nhu cầu chính đáng của đoàn viên, thanh niên.

- Xây dựng nội dung sinh hoạt Chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố đảm bảo các yêu cầu của một Chi đoàn mạnh nêu trên.

- Giữ vững kỷ luật của Đoàn, đưa sinh hoạt Đoàn vào nề nếp.

- Cải tiến nội dung sinh hoạt Đoàn theo hướng thiết thực, sinh động, tránh gò bó đơn điệu, xuất phát từ những vấn đề mà đoàn viên quan tâm nhiều nhất, từng bước nâng cao uy tín của tổ chức Đoàn, phấn đấu để chi đoàn thật sự là điểm tựa, là môi trường để đoàn viên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

- Thực hiện 3 nắm (nắm tình hình thôn, buôn, tổ dân phố, tình hình đoàn viên, thanh thiếu nhi), 3 biết (Nghị quyết Đảng, chương trình hoạt động Đoàn, nhu cầu thanh niên), 3 làm (chương trình rèn luyện đoàn viên, công trình thanh niên, vận động quần chúng).

Việc xây dựng Chi đoàn mạnh là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi một sự nỗ lực cố gắng, kiên trì của Ban Chấp hành Chi đoàn trong quá trình triển khai thực hiện. Một Chi đoàn mạnh sẽ là môi trường thật sự để đoàn viên rèn luyện cống hiến và trưởng thành.

4. Kỹ năng nghiệp vụ

Trò chơi Nói và làm ngược

- Mục đích: Rèn luyện trí nhớ, khéo léo.

- Số lượng: Từ 30 người trở lên, có thể chia nhiều nhóm.

- Địa điểm: Trong phòng, ngoài sân.

- Thời gian: Từ 5 - 7 phút.

- Cách chơi: Người chơi xếp thành vòng tròn.

+ Quản trò hô: “Các bạn hãy cười thật to” thì người chơi phải làm ngược lại là: “Khóc thật nhỏ”;

+ Quản trò hô: “Các bạn hãy nhảy lên” thì người chơi phải làm ngược lại: “Ngồi xuống đất”.

Quản trò sẽ chỉ người trong vòng tròn và nói một hành động nào đó thì người chơi phải làm ngược lại. Quản trò có thể thể hiện bằng hành động không cần nói, nếu người chơi không làm ngược lại thì sẽ bị phạt.

Trò chơi “Tôi bảo

- Mục đích: Tạo không khí vui tươi

- Số lượng: Không hạn chế số người.

- Địa điểm: Trong phòng, ngoài sân.

- Thời gian: Từ 2 - 3 phút.

- Ban tổ chức: 1 quản trò

- Cách chơi:

+ Quản trò hô: “Tôi bảo tôi bảo” thì người chơi hỏi: “Bảo gì? bảo gì?”;

+ Quản trò nói: “Tôi bảo các bạn vỗ tay 2 cái” thì người chơi thực hiện: vỗ tay 2 lần.

Khi quản trò hô “tôi bảo” thì người chơi phải làm theo. Nếu như quản trò không nói “tôi bảo” mà người chơi làm thì sẽ bị phạt.

BAN BIÊN TẬP

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready