Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 01/04/2016

Hướng dẫn sinh hoạt Chi đoàn (tháng 4 năm 2016)

1. Nội dung tìm hiểu: Chặng đường lịch sử, chiến công oanh liệt của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”

Trên thế giới, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ có tiềm lực rất mạnh, nổi lên cầm đầu phe đế quốc, hiếu chiến và âm mưu bá chủ thế giới, từng bước khẳng định sự có mặt ở Đông Dương. Sau thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Lúc này trên thế giới đã phân chia thành hai hệ thống đối đầu gay gắt bằng cuộc “chiến tranh lạnh” và chạy đua vũ trang quyết liệt. Hệ thống chủ nghĩa xã hội, phong trào công nhân ở các nước tư bản, phong trào giải phóng dân tộc ở khắp nơi trên thế giới dâng cao.

Trong nước, sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân tộc ta.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trải qua gần 21 năm, là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thách thức, ác liệt. Đảng và nhân dân ta phải đấu trí và đấu sức chống tên đế quốc giàu mạnh và hung bạo nhất trong phe đế quốc. Cuộc kháng chiến này đã trải qua nhiều giai đoạn, phải đối phó lần lượt với các kế hoạch, chiến lược của đế quốc Mỹ.

a. Giai đoạn từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960: Đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ.

Những chiến thắng oanh liệt trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã buộc thực dân Pháp và can thiệp Mỹ phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Campuchia và Lào. Chính quyền Mỹ - Diệm tập trung thực hiện biện pháp “tố cộng”, “diệt cộng”  đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam, ban hành Luật 10/59 “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, biến cả miền Nam thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, trại tập trung. Cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu.

Đứng trước tình thế mới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Một là cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ vững mạnh của cách mạng cả nước. Hai là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà. Thực hiện nhiệm vụ trên, miền Bắc tích cực triển khai những công việc bộn bề sau chiến tranh, nhanh chóng tổ chức cuộc sống mới. Ở miền Nam, cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng đại bộ phận nhân dân vẫn một lòng theo Đảng, bất khuất chống áp bức, khủng bố, bảo vệ lực lượng cách mạng.

b. Giai đoạn từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965: Giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Từ cuối năm 1960, đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược, chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đối phó với cách mạng miền Nam. Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song cả đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đánh địch bằng cả ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai. Trên miền Bắc, các mặt trận kinh tế, văn hoá, an ninh quốc phòng đều có bước phát triển mới. Quân và dân miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho miền Nam.

c. Giai đoạn từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968: Đảng phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đánh thắng cuộc phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc.

Trước nguy cơ phá sản của “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, sử dụng quân đội Mỹ là lực lượng cơ động chủ yếu tiêu diệt bộ đội chủ lực ta; dùng ngụy quân, ngụy quyền để bình định, kìm kẹp nhân dân, âm mưu đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 đến 30 tháng (từ giữa 1965 đến hết 1967), đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân.

Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào. Quân dân miền Bắc tiếp tục đánh trả cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân, giành những thắng lợi lớn trên nhiều mặt, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện sức người, sức của ngày càng lớn cho miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn mới.

d. Giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1973: Phát huy sức mạnh liên minh chiến đấu Việt Nam với Lào, Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán.

Đế quốc Mỹ thi hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, từng bước mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào. Quân và dân ta phối hợp với quân, dân hai nước Lào, Campuchia đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Nhờ chuẩn bị tốt lực lượng, nhằm đúng thời cơ, quân và dân ta đã liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ở miền Bắc, nổi bật là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ, làm thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh. Trong đàm phán, chúng ta cũng khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu ra khỏi miền Nam.

e. Giai đoạn từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975: Tạo thế và lực, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi ký Hiệp định Pari, mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Đến tháng 5/1973, xu thế chống phá Hiệp định Pari của địch ngày càng tăng. Chúng điên cuồng đánh phá hòng xoá bỏ vùng giải phóng của ta, đẩy lùi lực lượng cách mạng.

Nửa cuối năm 1974, cuộc chiến tranh của quân và dân ta ở miền Nam chống lại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” đã giành được thắng lợi. Nước Mỹ lâm vào khủng hoảng nội bộ. Thắng lợi toàn miền, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng Phước Long cuối năm 1974 - đầu năm 1975 càng cho thấy thực tế suy yếu của quân ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó quay lại Việt Nam. Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến.

 Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 04/3 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Theo Tuyengiao.vn

2. Phong trào hành động

- Các cơ sở Đoàn, Chi đoàn tổng kết đánh giá lại những kết quả đã thực hiện được trong Tháng Thanh niên năm 2016, tập trung đánh giá về kết quả các hoạt động Tháng Thanh niên năm 2016, như: Hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; hoạt động tuyên truyền giáo dục về truyền thống của Đoàn qua 85 năm cống hiến và trưởng thành; công tác phát triển đoàn viên lớp đoàn viên 85 năm…

- Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội. Năm bắt tư tưởng đoàn viên thanh thiếu niên và dư luận xã hội tại địa phương, đơn vị.

- Tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp.

- Tổ chức, duy trì sinh hoạt chi đoàn gắn với việc thực hiện Kế hoạch số 09 KH/TĐTN, ngày 18/3/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Đắk Lắk “V/v cử cán bộ Đoàn chuyên trách đi cơ sở nắm bắt tình hình, tham gia củng cố, kiện toàn và hướng dẫn sinh hoạt Chi đoàn, Chi hội tại thôn, buôn, tổ dân phố”.

- Tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 41 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, thi tìm hiểu về lịch sử Ngày miền Nam hoàn toàn thống nhất đất nước, các thành tựu phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… của đất nước, địa phương đơn vị.

- Tổ chức cho đoàn viên thanh niên trong chi đoàn tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm, tặng quà các gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng hoặc thăm viếng, chăm sóc, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, khu di tích tại địa phương nhân dịp kỷ niệm 41 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2016).

 - Tổ chức cho đoàn viên thanh niên thực hiện các công trình, phần việc thanh niên phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.

3. Sổ tay nghiệp vụ

Tìm hiểu về “Đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú”

3.1. Đối tượng tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú

- Đoàn viên là học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường phổ thông (gồm: Trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên), trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng, đại học, học viện.

- Đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

- Đoàn viên là công nhân, lao động trẻ làm việc trong các doanh nghiệp.

- Đoàn viên trong lực lượng công an nhân dân.

- Riêng đối với đoàn viên trong quân đội nhân dân, trong các đơn vị chiến đấu của công an nhân dân thực hiện theo hướng dẫn riêng của ngành.

3.2. Quyền và nghĩa vụ của đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú

* Quyền của đoàn viên khi tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú

- Được tổ chức Đoàn nơi cư trú đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, được giúp đỡ và tạo điều kiện tham gia các hoạt động để phấn đấu trưởng thành.

- Được tham dự các buổi sinh hoạt, hoạt động của tổ chức Đoàn nơi cư trú và đóng góp ý kiến tại đại hội, hội nghị của chi đoàn; được khen thưởng, biểu dương khi có thành tích xuất sắc.

- Được lấy nhận xét, đánh giá về quá trình tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú.

- Được ứng cử (hoặc được giới thiệu ứng cử) vào cơ quan lãnh đạo của Đoàn ở cấp cơ sở và chi đoàn nơi cư trú khi đã chuyển hồ sơ đoàn viên về nơi đó trước khi bầu cử. Trường hợp ứng cử (hoặc được giới thiệu ứng cử) vào chức danh Bí thư, Phó Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn phải được sự đồng ý của cấp ủy xã, phường, thị trấn và Đoàn cấp trên trực tiếp; đồng thời có ý kiến đồng ý của chi bộ nơi học tập, lao động, công tác (nếu đoàn viên là đảng viên).

* Nghĩa vụ của đoàn viên khi tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú

- Chủ động tham gia các hoạt động do tổ chức Đoàn tại nơi cư trú tổ chức; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân tại nơi cư trú.

- Tuyên truyền vận động thanh thiếu nhi trên địa bàn cư trú tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, Đội.

- Tuyên truyền, vận động gia đình và thanh thiếu nhi trên địa bàn cư trú thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định khác tại nơi cư trú.

3.3. Thời điểm và mức độ tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú

* Thời điểm tham gia

Đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú trong các kỳ nghỉ hè, nghỉ lễ, nghỉ tết, các ngày thứ 7, chủ nhật hoặc thời điểm thuận lợi ngoài giờ học tập, lao động, công tác.

* Mức độ tham gia

Trong 01 năm, đoàn viên tham gia tối thiểu 02 đợt sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú theo các nội dung quy định tại Mục 4 của Hướng dẫn số 67-HD/TĐTN-TCKT, ngày 02/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Đắk Lắk về “Hướng dẫn đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú”.

3.4. Quy trình, thủ tục giới thiệu, tiếp nhận và tổ chức cho đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú.

* Quy trình, thủ tục giới thiệu đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú

Chi đoàn, Đoàn cơ sở nơi trực tiếp quản lý đoàn viên thực hiện việc giới thiệu đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú theo các bước sau:

- Bước 1: Chi đoàn thông báo tới đoàn viên về chủ trương tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú và cho đoàn viên đăng ký địa bàn, thời điểm tham gia.

- Bước 2: Cấp giấy giới thiệu cho đoàn viên (giấy giới thiệu của chi đoàn theo Mẫu số 01-SHĐ tại Hướng dẫn số 67-HD/TĐTN-TCKT, được in và đóng dấu treo của Đoàn cấp trên trực tiếp trước khi chi đoàn ghi thông tin và chuyển cho đoàn viên). Nếu là chi đoàn cơ sở thì trực tiếp thực hiện việc giới thiệu.

- Bước 3: Chi đoàn vào sổ theo dõi, quản lý đoàn viên đăng ký tham gia hoạt động nơi cư trú và báo cáo danh sách lên Đoàn cấp trên trực tiếp. Đánh giá tình hình đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú (ghi nhận xét trong sổ đoàn viên) kết hợp trong quá trình nhận xét, xếp loại đoàn viên hàng năm.

* Lưu ý:

+ Đối với đoàn viên là học sinh trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, sinh viên các trường đại học, cao đẳng có hộ khẩu thường trú tại địa phương (phạm vi trong một huyện) trong dịp nghỉ hè thì Đoàn trường chủ trì, phối hợp với Đoàn xã, phường, thị trấn thực hiện việc giới thiệu đoàn viên tham gia hoạt động hè tại địa phương thay cho việc sinh hoạt Đoàn nơi cư trú. Đoàn cấp trên trực tiếp (Huyện, Thị, Thành đoàn) có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thực hiện.

+ Đối với những đơn vị phải chuyển giao, tiếp nhận số lượng đoàn viên lớn (khoảng từ 1.000 đoàn viên trở lên) về tham gia sinh hoạt Đoàn nơi cư trú thì Tỉnh đoàn chủ trì việc chuyển giao, tiếp nhận danh sách đoàn viên giữa các Đoàn cấp huyện, Đoàn cấp trên cơ sở có liên quan (Mẫu số 02-SHĐ kèm theo Hướng dẫn số 67-HD/TĐTN-TCKT, ngày 02/12/2015).

3.5. Nhận xét, đánh giá đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú

* Thời điểm nhận xét đánh giá

- Hàng năm, chi đoàn nơi cư trú nhận xét, đánh giá đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú và gửi kết quả đánh giá về chi đoàn nơi trực tiếp quản lý đoàn viên. Việc nhận xét, đánh giá phải được hoàn thành trước tháng 4 hàng năm đối với đoàn viên khu vực trường học và trước ngày 30/10 hàng năm đối với đoàn viên thuộc các khu vực khác.

- Ngoài ra, chi đoàn và Đoàn cơ sở nơi cư trú có trách nhiệm nhận xét, đánh giá khi đoàn viên có đề nghị.

* Tiêu chí nhận xét, đánh giá và xếp loại

- Tiêu chí nhận xét, đánh giá:

+ Ý thức, thái độ tham gia hoạt động của Đoàn tại nơi cư trú.

+ Mức độ tham gia hoạt động của Đoàn tại nơi cư trú.

+ Kết quả tham gia hoạt động của Đoàn tại nơi cư trú.

- Căn cứ vào các tiêu chí trên và số lần tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú, sẽ xếp loại đoàn viên sinh hoạt nơi cư trú theo 02 mức: Đạt hoặc không đạt (theo Mẫu số 03-SHĐ kèm theo Hướng dẫn số 67-HD/TĐTN-TCKT, ngày 02/12/2015). Trường hợp đoàn viên không tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú thì không tiến hành đánh giá và ghi rõ không tham gia (nếu có đề nghị nhận xét).

- Bản nhận xét, đánh giá trước khi chuyển cho tổ chức Đoàn nơi trực tiếp quản lý đoàn viên hoặc các đơn vị có liên quan phải có xác nhận của Đoàn xã, phường, thị trấn nơi đoàn viên đăng ký sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú. Trường hợp phải chuyển nhận xét, đánh giá cho nhiều đoàn viên trong cùng một đơn vị có thể thực hiện bằng danh sách (theo mẫu số 04- SHĐ kèm theo Hướng dẫn số 67-HD/TĐTN-TCKT, ngày 02/12/2015).

4. Kỹ năng nghiệp vụ

Trò chơiAI LÀ NGƯỜI MAY MẮN

Không gian: Trong phòng hoặc ngoài trời

Mục tiêu: Vui chơi thoải mái

Số lượng thành viên: 6 người trở lên

Vật dụng cần thiết:

- 01 đĩa CD nhạc

- Máy nghe nhạc

- 1 hay nhiều món quà được gói thật nhiều lớp

Chuẩn bị: Chọn món quà bất kì (có thể là thanh sôcôla hoặc bịch kẹo để chia cho cả nhóm…) và gói nó bằng thật nhiều lớp giấy khác nhau.

Hoạt động:

- Cho nhóm ngồi thành vòng tròn và trao món quà cho 1 thành viên bất kì.

- Bắt đầu bật nhạc, thành viên đang giữ quà sẽ chuyền nó cho người ngồi bên phải mình.

- Món quà liên tục được chuyền theo 1 hướng cho đến khi nhạc ngừng.

- Thành viên đang giữ món quà được phép mở 1 lớp giấy gói.

- Tiếp tục bật nhạc và lặp lại quá trình như trên cho đến khi lớp giấy cuối cùng được mở và đó cũng là chủ nhân của món quà.

- Nếu nhóm đông, có thể sử dụng nhiều món quà chuyền đi cùng lúc.

BAN TỔ CHỨC – KIỂM TRA TỈNH ĐOÀN

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready