Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 08/03/2018

Hướng dẫn sinh hoạt Chi đoàn tháng 3/2018

1. Tìm hiểu về Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931)

Mùa xuân năm 1931, từ ngày 20 đến ngày 26/3, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, Trung ương Đảng đã giành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên và đi đến những quyết định có ý nghĩa đặc biệt, như các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương phải cử ngay các ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn. Trước sự phát triển lớn mạnh của Đoàn trên cả 03 miền Bắc, Trung, Nam, ở nước ta xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở với khoảng 1.500 đoàn viên và một số địa phương đã hình thành tổ chức Đoàn từ xã, huyện đến cơ sở.

Sự phát triển lớn mạnh của Đoàn đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên nước ta. Đó là sự vận động khách quan phù hợp với cách mạng nước ta; đồng thời, phản ánh công lao trời biển của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng kính yêu - Người đã sáng lập và rèn luyện tổ chức Đoàn. Được Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ cho phép, theo đề nghị của Trung ương Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, Đại hội toàn quốc lần thứ 3 họp từ ngày 22 – 25/3/1961 đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 (một ngày trong thời gian cuối của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2, dành để bàn bạc và quyết định những vấn đề rất quan trọng đối với công tác thanh niên) làm ngày thành lập Đoàn hàng năm. Ngày 26/3 trở thành ngày vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quang vinh.

Từ ngày 26/3/1931 đến nay, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, Đoàn đã đổi tên nhiều lần:

•    Từ 1931 – 1936: Đoàn TNCS Việt Nam, Đoàn TNCS Đông Dương

•    Từ 1937 – 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương

•    Từ 11/1939 – 1941: Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương

•    Từ 5/1941 – 1956: Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam

•    Từ 25/10/1956 – 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam

•    Từ 2/1970 – 11/1976: Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh

•    Từ 12/1976 đến nay: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

Những thế hệ thanh niên kế tiếp nhau đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do của Tổ Quốc, vì chủ nghĩa xã hội đã liên tiếp lập nên những chiến công xuất sắc và trưởng thành vượt bậc.

2. Phong trào hành động

a. Nội dung sinh hoạt

- Tuyên truyền kỷ niệm 59 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 – 3/3/2018) và 29 năm Ngày biên phòng toàn dân (3/3/1989 – 3/3/2018); kỷ niệm 108 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 – 8/3/2018); 1978 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Tuyên truyền kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2018).

- Phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, tình nguyện của thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị trong Tháng Thanh niên; đặc biệt là các hoạt động xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh thiếu nhi tại địa phương, đơn vị.

- Giới thiệu và biểu dương các tấm gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác; giới thiệu các gương đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét bồi dưỡng, kết nạp.

- Triển khai chương trình rèn luyện đoàn viên.

b. Hình thức tổ chức

- Tổ chức các chương trình, hoạt động ý nghĩa để đoàn viên, thanh niên tìm hiểu thêm về truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh như: Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa sự ra đời của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; tổ chức tọa đàm, gặp mặt các thế hệ cán bộ Đoàn; tuyên dương đoàn viên, thanh niên tiêu biểu; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chăm lo cho cán bộ đoàn, đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức sinh hoạt Chi đoàn xem phim tư liệu “Bản hùng ca tuổi trẻ Việt Nam”...

- Vận động đoàn viên thanh niên tích cực tham gia vào các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng thông qua những việc làm thiết thực mang lại hiệu quả cao tạo được sự lan tỏa trong thanh niên.

- Ngoài ra, các chi đoàn căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị đề ra các nội dung, hình thức sinh hoạt chi đoàn cho phù hợp.

3. Sổ tay nghiệp vụ: Chi đoàn thực hiện chương trình rèn luyện đoàn viên

3.1. Khái niệm chương trình rèn luyện đoàn viên

Chương trình rèn luyện đoàn viên là biện pháp nâng cao chất lượng đoàn viên, góp phần xây dựng chi đoàn mạnh. Chương trình rèn luyện đoàn viên được tiến hành chủ yếu thông qua hoạt động chi đoàn. Thông qua chương trình rèn luyện đoàn viên chi đoàn thực hiện nhiệm vụ giáo dục bồi dưỡng lý tưởng trong đoàn viên, thanh niên, đồng thời tạo môi trường cho đoàn viên hành động. Công tác này được tiến hành thường xuyên liên tục, không có điểm dừng trong quá trình rèn luyện, khẳng định lý tưởng của người đoàn viên trong suốt thời gian cống hiến và trưởng thành trong Đoàn.

Chương trình rèn luyện đoàn viên được triển khai và tổ chức thực hiện trong toàn bộ hệ thống tổ chức cơ sở Đoàn, được thực hiện trên 2 mặt: rèn luyện về mặt nhận thức và rèn luyện về hành động thông qua hoạt động thực tiễn theo phương châm “nhận thức đúng để hành động, thông qua hành động để củng cố và nâng cao nhận thức”.

Chương trình rèn luyện đoàn viên được thực hiện chủ yếu thông qua các hoạt động của chi đoàn. Chi đoàn phải thực sự là môi trường cho đoàn viên rèn luyện.

3.2. Biện pháp thực hiện chương trình rèn luyện đoàn viên của Chi đoàn

3.2.1. Triển khai đăng ký nội dung rèn luyện của đoàn viên

Để đoàn viên thuận lợi trong việc rèn luyện và chi đoàn có cơ sở khách quan đánh giá sự rèn luyện của đoàn viên, Ban Chấp hành chi đoàn cần xây dựng phiếu đăng ký rèn luyện và hướng dẫn nội dung đăng ký cho đoàn viên.

Để triển khai thực hiện chương trình rèn luyện đoàn viên tại chi đoàn, vấn đề đầu tiên là chi đoàn cần trang bị cho đoàn viên Cẩm nang rèn luyện đoàn viên. Đây là tài liệu quan trọng giúp đoàn viên thực hiện quá trình rèn luyện, bao gồm những nội dung cơ bản về đất nước và lịch sử dân tộc Việt Nam, về chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, về Đảng Cộng sản Việt Nam, về sự hình thành và nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đoàn – Hội Liên hiệp Thanh niên – Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh,… đồng thời còn hướng dẫn một số nội dung và cách thức hoạt động chủ yếu của người đoàn viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình đối với tổ chức Đoàn.

Bên cạnh đó, chi đoàn cần tổ chức các loại hình sinh hoạt sử dụng cẩm nang trong sinh hoạt chi đoàn như: tổ chức hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chủ điểm, đưa nội dung rèn luyện về nhận thức gắn với nội dung sinh hoạt chi đoàn; các hoạt động hội thi: trắc nghiệm, làm bản tin.

Quá trình sử dụng cẩm nang phải gắn chặt với việc thiết kế các hoạt động trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong đoàn viên, gắn việc tạo môi trường rèn luyện cho đoàn viên theo nhóm công tác hoặc cá nhân, đảm bảo mục tiêu chương trình hành động. Tránh chung chung, tự nghiên cứu mà không có động lực kích thích.

3.2.2. Tổ chức các chương trình hành động cụ thể để đoàn viên tham gia rèn luyện

Cụ thể là:

- Ban Chấp hành chi đoàn tổ chức thực hiện công trình thanh niên của chi đoàn trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, của Đoàn tại thôn, buôn, tổ dân phố.

- Hướng dẫn và gợi ý những việc làm thiết thực cho đoàn viên thực hiện.

- Tổ chức ngày cùng hành động huy động đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia thực hiện một công việc cụ thể, thiết thực của chi đoàn.

- Tổ chức các hoạt động công tác xã hội ngay tại thôn, buôn, tổ dân phố để đoàn viên hiểu và chia sẻ với cộng đồng, với xã hội như chăm sóc người già neo đơn, quyên góp giúp đỡ gia đình nghèo, sửa chữa nhà hư, dột cho nhân dân, …

- Tổ chức các hoạt động xung kích bảo vệ an ninh trật tự xã hội của thôn, buôn, tổ dân phố như tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tham gia các chốt gác thanh niên…Cần lưu ý là trong quá trình tổ chức hoạt động, để đoàn viên thực hiện chương trình rèn luyện đoàn viên phải phân công giao việc cho từng đoàn viên, nhóm đoàn viên phù hợp với năng lực, sở trường nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đoàn viên rèn luyện, thể hiện khả năng, bản lĩnh.

3.2.3. Kiểm tra đánh giá, công nhận kết quả rèn luyện

- Khi đoàn viên hoàn thành xong 1 nội dung đã đăng ký thì có trách nhiệm báo cáo với chi đoàn để chi đoàn ghi nhận và có kiểm tra khi cần thiết.

- Từng đợt hoạt động có nhận xét đánh giá.

- Chi đoàn đánh giá kết quả rèn luyện hàng năm của đoàn viên và đây là một cơ sở phân loại định kỳ hàng năm đối với đoàn viên.

- Chương trình rèn luyện đoàn viên là phương thức tự chỉnh đốn Đoàn, là động lực nâng cao chất lượng đoàn viên, góp phần xây dựng chi đoàn mạnh. Vì vậy, việc thực hiện chương trình rèn luyện đoàn viên đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng cả từ hai phía: chi đoàn và đoàn viên. Trong đó, Ban chấp hành chi đoàn có trách nhiệm tổ chức các hoạt động để đoàn viên rèn luyện và hướng dẫn cho đoàn viên thực hiện tốt việc rèn luyện.

4. Kỹ năng nghiệp vụ

Trò chơi “Đố nghề”

- Mục đích: Rèn luyện trí nhớ, khéo léo.

- Số lượng: Từ 30 người trở lên, chia thành nhiều nhóm.

- Địa điểm: Trong phòng, ngoài sân.

- Thời gian: Từ 5 – 7 phút.

- Cách chơi: Quản trò chia người chơi ra thành 3 nhóm và mỗi nhóm cử 1 nhóm trưởng. Quản trò sẽ diễn tả hành động và nhóm trưởng có 2 phút để bàn với nhóm sau đó trả lời xem là nghề gì. Quản trò phải diễn tả 1 hành động ít nhất 3 lần, nhóm nào trả lời trước thì được thêm 1 điểm.

Trò chơi “Nếu thì”

- Mục đích: Tạo không khí vui tươi, thân mật.

- Số lượng: Không hạn chế, chia 2 đội nam và nữ.

- Địa điểm: Trong phòng học.

- Thời gian: Có thể quy định.

- Cách chơi: Nam, nữ ngồi riêng biệt, mỗi người trang bị 1 miếng giấy nhỏ. Quy định cho bên Nam ghi vào giấy bắt đầu bằng chữ “Nếu” – còn bên nữ bằt đầu bằng chữ “Thì”. Sau 3 phút lần lượt mời 1 bạn Nam lên đọc câu của mình sau đó mời bạn Nữ tiếp tục đọc câu của mình … Trò chơi tiếp tục, hướng dẫn làm sao tất cả lần lượt tự giác đứng lên đọc câu của mình (như 1 trò chơi hát đối đáp), câu nào có ý nghĩa thì vỗ tay tán thưởng hoặc tặng quà lưu niệm.

BAN BIÊN TẬP

 

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready