Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 05/12/2018

Hướng dẫn sinh hoạt Chi đoàn tháng 12/2018

1. Tìm hiểu lịch sử Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Ngày 22/12/1944, theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại một khu rừng nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Hồ Chủ tịch ủy nhiệm lãnh đạo, đội biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng và đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Việc thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử quân đội ta. Chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Hồ Chủ tịch tuy ngắn nhưng rất súc tích, bao gồm các vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng ta: vấn đề kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng võ trang cách mạng, phương châm xây dựng 3 thứ quân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng võ trang, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng võ trang… Từ ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân luôn phát triển và trưởng thành đã đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc ta. Một quân đội của dân, do dân, vì dân; luôn gắn bó máu thịt với dân, luôn luôn được dân tin yêu, đùm bọc. Chính vì ý nghĩa đó, ngày 22/12/1944 được chọn làm ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 04/1945, theo quyết định của Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân đã thống nhất lại vào ngày 15/05/1945 và mang tên Việt Nam Giải phóng quân. Lễ thống nhất được tổ chức tại Chợ Chu (Thái Nguyên) với 13 Đại đội.

Ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quân đội ta mang tên Vệ quốc đoàn, đánh dấu thời kỳ hình thành của quân đội Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp, quân đội ta mang tên quen thuộc nhất cho đến ngày nay là Quân đội Nhân dân Việt Nam. Có thể nói, Quân đội Nhân dân Việt Nam là con đẻ của phong trào cách mạng và nhân dân.

“... Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục” (Hồ Chủ Tịch)

Hàng năm cứ đến ngày 22/12, cả nước lại tổ chức rất nhiều hoạt động để kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôn vinh những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Lịch sử xây dựng và trưởng thành của quân đội ta gắn liền với lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc. Một đội quân được Đảng và Bác Hồ rèn luyện, đã từng là những Đội tự vệ đỏ trong cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Cứu quốc quân đến Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Một đội quân lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã nối tiếp nhau bao thế hệ cầm súng chiến đấu, cùng toàn dân đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược hung bạo, giành lại độc lập thống nhất và bảo vệ vững chắc bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang đối với cách mạng hai nước Lào và Cam-pu-chia anh em.

Năm 1989, theo chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22/12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam mà còn là ngày hội Quốc phòng toàn dân. Từ đó, mỗi năm cứ đến ngày này, toàn dân Việt Nam lại tiến hành các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu Chủ nghĩa xã hội, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động như mít tinh, hội thảo, Hội nghị đoàn kết quân dân, giáo dục truyền thống, biểu diễn văn nghệ, Đại hội Thanh niên, thi đấu thể thao, Hội thao quân sự... được diễn ra ở khắp làng, xã, cơ quan đoàn thể, cơ sở đơn vị...

Những hoạt động của ngày hội như vậy nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ không ngừng nâng cao cảnh giác, ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị và trình độ quân sự, không ngại gian khổ, vượt qua khó khăn trong mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Phát huy thành tích to lớn đã đạt được trong 74 năm qua, Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tham gia xây dựng kinh tế đất nước và thực hiện tốt hơn chức năng làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới, xứng đáng với tên gọi: Quân đội Nhân dân Việt Nam.

2. Phong trào hành động

a. Nội dung sinh hoạt

- Tập trung tuyên truyền và tổ chức các hoạt động có ý nghĩa Kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12/2018); Kỷ niệm 26 năm ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12/1992 – 3/12/2018); Kỷ niệm 29 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6/12/1989 – 6/12/2018); Kỷ niệm 72 năm Ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (19/12/1946 – 19/12/2018); Kỷ niệm 58 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960 – 20/12/2018); Kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2018) và 29 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2018).

- Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ vì cuộc sống cộng đồng, vì an sinh xã hội; tổ chức các hoạt động “Tình nguyện mùa Đông 2018” và “Xuân tình nguyện 2019”.

- Nắm bắt diễn biến tình hình, tư tưởng trong đoàn viên thanh niên và dư luận xã hội trong đoàn viên thanh niên; tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền và phối hợp với đoàn thể địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, định hướng dư luận xã hội, xử lý các vấn đề bức xúc trong đoàn viên thanh niên, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

b. Hình thức tổ chức

- Vận động đoàn viên thanh niên tích cực tham gia vào các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống thông qua những việc làm thiết thực mang lại hiệu quả cao tạo được sức lan tỏa trong thanh niên.

- Ngoài ra, các Chi đoàn căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị lồng ghép lựa chọn những nội dung, hình thức sinh hoạt phù hợp như: Tuyên truyền trong sinh hoạt Chi đoàn, xem phim tư liệu, tổ chức hội thi, giao lưu với gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác…

3. Sổ tay nghiệp vụ: Phương pháp tổ chức Câu lạc bộ Thanh niên

Câu lạc bộ Thanh niên là nơi tập hợp những thanh niên có cùng sở thích, nhu cầu, nguyện vọng, cùng nhau hoạt động để đạt được một mục đích nào đó.

3.1. Mục đích

Câu lạc bộ Thanh niên là một loại hình câu lạc bộ theo lứa tuổi do Đoàn - Hội tổ chức và quản lý. Câu lạc bộ Thanh niên không những đem lại quyền hưởng thụ văn hóa văn nghệ, quyền nghỉ ngơi, vui chơi giải trí tích cực cho thanh niên mà còn giáo dục, động viên, tổ chức thanh niên tham gia tự giác vào quá trình quản lý, sáng tạo và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; giúp thanh niên nâng cao kiến thức về mọi mặt trong chuyên môn, trong học tập, lao động công tác và trong giao tiếp hàng ngày.

3.2. Chức năng

Câu lạc bộ có 3 chức năng chủ yếu:

- Chức năng giáo dục, nâng cao kiến thức.

- Chức năng giao tiếp.

- Chức năng vui chơi giải trí.

Có thể thành lập câu lạc bộ theo 4 loại hình sau:

- Câu lạc bộ theo sở thích

- Câu lạc bộ theo đối tượng

- Câu lạc bộ theo nghề nghiệp

- Câu lạc bộ theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị, văn hóa xã hội.

3.3. Phương thức tổ chức thực hiện

Muốn thành lập một câu lạc bộ trước hết phải căn cứ vào nhu cầu nguyện vọng của thanh niên trong phạm vi tổ chức Đoàn, Hội quản lý. Thứ hai, dựa vào khả năng, năng lực đội ngũ cán bộ Đoàn - Hội trong việc thành lập duy trì câu lạc bộ hoạt động. Thứ ba, là khả năng đáp ứng cơ sở vật chất, kinh phí cho câu lạc bộ.

Tiến hành thành lập một câu lạc bộ gồm có 3 bước cơ bản sau đây:

- Bước chuẩn bị: khảo sát nắm bắt nhu cầu nguyện vọng đoàn viên, thanh niên; thống nhất loại hình câu lạc bộ; thành lập ban chủ nhiệm câu lạc bộ; tuyên truyền vận động thanh niên tham gia câu lạc bộ và lập danh sách các thành viên câu lạc bộ; chuẩn bị cơ sở vật chất, kinh phí tối thiểu ban đầu cho câu lạc bộ ra mắt; chuẩn bị các loại văn bản cần thiết cho buổi ra mắt câu lạc bộ; thông báo địa điểm thời gian ra mắt câu lạc bộ cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên.

- Bước ra mắt câu lạc bộ: khai mạc, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đọc quyết định thành lập, quyết định ra mắt ban chủ nhiệm, nội quy, quy chế câu lạc bộ; công bố nội dung chương trình hoạt động của câu lạc bộ trong thời gian tới; sinh hoạt văn hóa văn nghệ chào mừng ra mắt của câu lạc bộ.

- Bước duy trì câu lạc bộ hoạt động: Ban chủ nhiệm câu lạc bộ thành lập các tiểu ban của câu lạc bộ, từ đó xác định mục tiêu nhiệm vụ cho từng tiểu ban; lập kế hoạch hoạt động trong từng quý cho câu lạc bộ; thường xuyên đôn đốc kiểm tra các tiểu ban để câu lạc bộ đi vào nề nếp.

Việc xác định nội dung hoạt động của câu lạc bộ là khâu quan trọng nhất quyết định đến chất lượng hiệu quả tham gia của mọi thành viên. Nội dung hoạt động phải thực sự xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của mọi thành viên, phải thường xuyên thay đổi cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế.

Khi đã xác định được nội dung thì vấn đề tìm hình thức thể hiện cũng không kém phần quan trọng. Một nội dung có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức và sử dụng nhiều biện pháp khác nhau sao cho phong phú hấp dẫn, sinh động lôi cuốn thanh niên. Không nên sử dụng một vài hình thức quá quen thuộc, dễ gây nhàm chán bởi thanh niên luôn ưa cái mới lạ, cái sáng tạo trong mọi nội dung hoạt động.

Khả năng điều hành của ban chủ nhiệm rất quan trọng trong quá trình duy trì hoạt động của câu lạc bộ. Mọi thành viên trong câu lạc bộ phải được phát huy hết sở trường năng khiếu và lòng nhiệt tình của mình trong câu lạc bộ, đó là nghệ thuật phân công, tổ chức quản lý, hướng dẫn của ban chủ nhiệm. Ban chủ nhiệm biết sử dụng lực lượng cộng tác viên, những chuyên gia, cố vấn cho mọi nội dung hoạt động của câu lạc bộ.

Cuối cùng chính là khả năng tạo nguồn kinh phí, cơ sở vật chất và sự ủng hộ của các ban, ngành, các đoàn thể khác.

4. Kỹ năng nghiệp vụ

Trò chơi “Đứng, ngồi, nằm, ngủ

- Mục đích: Rèn luyện phản xạ nhanh.

- Số lượng: Không hạn chế số người.

- Địa điểm: Trong phòng, ngoài sân.

- Thời gian: Từ 3 – 5 phút.

- Cách chơi: khi quản trò hô “Đứng – người chơi nắm bàn tay, giơ thẳng lên đầu”, hô “Ngồi – người chơi nắm bàn tay, hai cánh tay vuông góc, bàn tay giơ ngang mặt”, hô “Nằm – người chơi duỗi tay thẳng phía trước”, “Ngủ - hai tay nắm áp vào má”. Người chơi phải làm theo các động tác của quản trò nếu làm sai sẽ bị phạt, quản trò chú ý phải làm nhanh dần dần (có thể nâng lên bằng cách nói và làm khác nhau).

Trò chơi “Này bạn vui

- Mục đích: Tạo không khí vui tươi.

- Số lượng: Không hạn chế số người.

- Địa điểm: Trong phòng.

- Thời gian: Từ 3 - 5 phút.

- Cách chơi: Quản trò bắt bài hát “Này bạn vui mà muốn tỏ ra thì vỗ đôi tay (1, 2). Này bạn vui mà muốn tỏ ra thì vỗ đôi tay (1, 2). Này bạn vui mà muốn tỏ ra mà lòng bạn nôn nao cho quanh đây biết lòng bạn vui mà muốn tỏ ra thì vỗ đôi tay (1, 2)” – Người chơi vỗ tay theo nhịp đếm 1, 2 của quản trò. Quản trò có thể thay đổi “vỗ tay” thành “dậm chân” hoặc “gật đầu”.

Ban Biên tập

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready