Hướng dẫn sinh hoạt Chi đoàn tháng 11/2018
1. Tìm hiểu lịch sử hình thành Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
Lịch sử ngày 20/11 được bắt nguồn từ một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ trên thế giới thành lập vào tháng 7/1946 tại thủ đô Paris (Pháp) lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (viết tắt là FISE). Ba năm sau, vào năm 1949, tại thủ đô Varszawa (Ba Lan), tổ chức FISE họp Hội nghị thông qua bản Hiến chương các nhà giáo gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản, phong kiến; xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học, trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.
Ngày 22/7/1951, Công đoàn giáo dục Việt Nam được thành lập. Vào thời điểm đó, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta đang diễn ra hết sức quyết liệt nhưng Công đoàn giáo dục Việt Nam đã tìm mọi cách đặt quan hệ với FISE để tranh thủ các diễn đàn quốc tế tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với Nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh, đồng thời giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của giáo giới trên toàn thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của Nhân dân ta.
Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại thủ đô Varszawa (Ba Lan), Hội nghị FISE được tổ chức có đại biểu của 57 nước tham dự, trong đó có đoàn đại biểu của Công đoàn giáo dục Việt Nam. Hội nghị đã quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo.
Ngày 20/11/1958, lần đầu tiên ngành giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa long trọng tổ chức trên toàn miền Bắc từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù chiến tranh phá hoại của Mỹ diễn ra rất ác liệt, ngày 20/11 vẫn là ngày hội được tổ chức rộng rãi trong nhân dân, nhất là trong các thầy, cô giáo, cán bộ ngành giáo dục và học sinh, sinh viên. Ngày 20/11 cũng được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam; hằng năm cơ quan Tiểu ban giáo dục trong vùng kháng chiến thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong vùng tạm chiếm, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ của anh chị em, giáo viên kháng chiến.
Sau ngày giải phóng miền Nam, nền giáo dục cả nước thống nhất và bước vào thời kỳ xây dựng nền giáo dục mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến đây, Quốc tế hiến chương các nhà giáo đã hoàn thành sứ mệnh với giáo giới Việt Nam. Nhưng với truyền thống tôn sư trọng đạo, ngày 20/11 đã đi vào trí nhớ, tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, trở thành hoạt động chủ động và tự giác được tổ chức đều đặn hằng năm. Nhân dân Việt Nam mà trước hết là giáo viên, học sinh, sinh viên và phụ huynh luôn mong muốn mỗi năm có một ngày để thể hiện tình cảm và tôn vinh nhà giáo. Theo đề nghị của Bộ Giáo dục, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định số 167/HĐBT về Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngay tại Điều 1, Quyết định ghi rõ “Từ nay hằng năm sẽ lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Như vậy, ngày 20/11/1982 là Ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên và cũng từ đó, ngày này trở thành ngày hội truyền thống Nhà giáo Việt Nam.
Ngày 14/6/2005 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Giáo dục 2005. Điều 76 luật này quy định: “Ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam”. Những quyết định và điều luật trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với vị trí, vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nắm vững lịch sử Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng nhắc nhở mỗi người khi kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 không nhầm lẫn với Quốc tế hiến chương các nhà giáo - một hoạt động đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử với giáo giới Việt Nam.
Ngày nay, truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn tiếp tục được gìn giữ và phát huy. Hằng năm, vào dịp 20/11, Nhân dân ta và các thế hệ học trò tổ chức thăm hỏi, quan tâm hoặc trao đổi với các nhà giáo về sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Đây cũng là dịp toàn xã hội động viên, cổ vũ các nhà giáo vượt mọi khó khăn, nêu cao ý thức trách nhiệm, làm tròn sứ mệnh “trồng người” vẻ vang của mình.
2. Phong trào hành động
a. Nội dung sinh hoạt
- Tập trung tuyên truyền và tổ chức các hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 101 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2018); Kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2018); Kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2018); Kỷ niệm 78 năm Ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940 – 23/11/2018); Kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 – 23/11/2018); Kỷ niệm 198 năm Ngày sinh Ph.Ăng-Ghen (28/11/1820 – 28/11/2018).
- Thông qua sinh hoạt chi đoàn giúp đoàn viên thanh niên hiểu được ý nghĩa các ngày lễ lớn, truyền thống đạo lý “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Đồng thời tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần tình nguyện, xung kích trong đoàn viên thanh niên góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở Đoàn.
- Tiến hành tổ chức đánh giá phân xếp loại đoàn viên năm 2018 theo Hướng dẫn số 09 HD/TĐTN, ngày 28/5/2013 và Hướng dẫn đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú giai đoạn 2018 - 2022 theo hướng dẫn số 91 HD/TĐTN-TCKT, ngày 28/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn.
- Củng cố khối đoàn kết trong thanh niên, tham gia phát triển kinh tế xã hội, giải quyết tốt hơn các vấn đề của xã hội, hướng về địa bàn nông thôn. Xây dựng hình ảnh người thanh niên trong thời kỳ mới có lối sống lành mạnh, có đạo đức, văn hóa.
b. Hình thức tổ chức
- Phối hợp cùng với các Đoàn trường học tổ chức hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 thông qua các hoạt động: Về nguồn, tọa đàm, tuyên dương, diễn đàn, các hoạt động biểu diễn, hội thi văn nghệ, các giải bóng đá, bóng chuyền, cầu lông giao hữu, thực hiện các công trình, phần việc thanh niên, phong trào kế hoạch nhỏ...
- Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề với nội dung tri ân các thầy cô giáo, đồng thời phối hợp tổ chức thăm hỏi gia đình các thầy cô giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và trong các phong trào hoạt động Đoàn, Hội, Đội.
- Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hướng tới kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2018).
- Triển khai các hoạt động chào mừng ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 – 23/11/2018) thông qua việc tổ chức các hoạt động giao lưu gặp gỡ các đồng chí lão thành cách mạng, cựu chiến binh nghe kể chuyện truyền thống; thăm viếng, tặng quà các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức các buổi diễn đàn thanh niên, tọa đàm, thi hái hoa dân chủ tìm hiểu về lịch sử truyền thống của của địa phương, đơn vị...
3. Sổ tay nghiệp vụ: Đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú giai đoạn 2018 – 2022
3.1. Nơi cư trú và hoạt động Đoàn nơi cư trú
3.1.1. Nơi cư trú: Là nơi đoàn viên đang thường trú, tạm trú.
* Trong trường hợp đặc biệt đoàn viên có thể chủ động đăng ký tham gia hoạt động tại địa bàn dân cư khác nơi cư trú thuận lợi hơn.
3.1.2. Hoạt động Đoàn nơi cư trú: Là hoạt động của đoàn viên tham gia với cấp bộ đoàn ở địa bàn dân cư (kể cả hoạt động ở cấp cơ sở và chi đoàn).
3.1.3. Quyền của đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú
Việc tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú nhằm tăng cường sự gắn bó giữa đoàn viên với nơi cư trú, giúp đoàn viên nắm được tình hình của địa phương cũng như có điều kiện tham gia đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của nơi đoàn viên cư trú. Đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú có các quyền cụ thể sau:
- Được quyền đề nghị tổ chức Đoàn nơi cư trú tạo điều kiện tham gia các hoạt động do Đoàn – Hội – Đội tổ chức để rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành.
- Được quyền lựa chọn địa bàn để tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú.
- Được tham dự và đóng góp ý kiến các buổi sinh hoạt định kỳ của chi đoàn (nếu được Ban Chấp hành chi đoàn mời dự) nhưng không được tham gia biểu quyết các vấn đề của chi đoàn.
- Được quyền đề nghị tổ chức Đoàn đăng ký hoạt động nhận xét, đánh giá, xác nhận về quá trình tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú; được khen thưởng, biểu dương khi có thành tích xuất sắc.
- Được xem xét, ưu tiên, ghi nhận vào đánh giá kết quả xếp loại, khen thưởng hàng năm nơi đoàn viên đang sinh hoạt.
3.2. Đối tượng tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú
- Đoàn viên là học sinh đang học tập tại các trường phổ thông (gồm: Trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên), trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề.
- Đoàn viên là sinh viên các trường cao đẳng, đại học, học viện.
- Đoàn viên là cán bộ công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
- Đoàn viên là công nhân, lao động trẻ làm việc trong các doanh nghiệp.
- Đoàn viên là lực lượng vũ trang nhân dân (trừ đoàn viên trong các đơn vị chiến đấu của công an nhân dân và quân đội nhân dân).
3.3. Hình thức tham gia hoạt động đoàn tại nơi cư trú
- Tùy vào nhu cầu thực tế, đoàn viên chủ động đăng ký tham gia hoạt động Đoàn tại địa bàn dân cư (thực hiện theo quy trình tại Mục 5, hướng dẫn này).
- Trong trường hợp sau khi có sự thống nhất của tập thể đoàn viên trong chi đoàn, cơ sở Đoàn. Chi đoàn, cơ sở Đoàn lựa chọn địa bàn dân cư thuận lợi hoặc chi đoàn kết nghĩa để thống nhất các nội dung cùng phối hợp tổ chức hoạt động Đoàn tại nơi cư trú cho tất cả đoàn viên đơn vị mình (theo định hướng tại Mục 4, hướng dẫn này).
3.4. Định hướng một số nội dung tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú
- Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.
- Hoạt động tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
- Hoạt động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
- Hoạt động bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của thanh thiếu nhi; các hoạt động chăm sóc giáo dục thiếu niên, nhi đồng.
- Hoạt động góp ý các chủ trương, chính sách của địa phương về thanh thiếu nhi; hoạt động xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.
- Sinh hoạt chi đoàn định kỳ.
3.5. Quy trình, thủ tục giới thiệu, tiếp nhận và tổ chức cho đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú.
3.5.1. Đối với đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú
Bước 1: Đoàn viên chủ động đăng ký địa bàn, thời điểm tham gia sinh hoạt đoàn nơi cư trú với chi đoàn, Đoàn cơ sở nơi trực tiếp quản lý.
Bước 2: Nhận giấy giới thiệu từ Đoàn cơ sở trực tiếp quản lý và nộp giấy giới thiệu cho Đoàn xã/phường/thị trấn nơi đăng ký tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú.
Bước 3: Thực hiện các nội dung đã đăng ký.
3.5.2. Đối với chi đoàn, Đoàn cơ sở nơi trực tiếp quản lý đoàn viên (thực hiện việc giới thiệu)
Bước 1: Chi đoàn tổng hợp thông tin đoàn viên đăng ký địa bàn, thời điểm tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú và báo cáo với Đoàn cơ sở để cấp giấy giới thiệu cho đoàn viên.
Bước 2: Đoàn cơ sở cấp giấy giới thiệu cho đoàn viên. Nếu là chi đoàn cơ sở thì trực tiếp thực hiện việc cấp giấy giới thiệu.
Bước 3: Đoàn cơ sở, chi đoàn lập danh sách đoàn viên hoạt động nơi cư trú để theo dõi, quản lý.
3.5.3. Đối với Đoàn xã, phường, thị trấn và chi đoàn nơi tiếp nhận đoàn viên tham gia hoạt động nơi cư trú.
Bước 1: Đoàn xã, phường, thị trấn tiếp nhận giấy giới thiệu về tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú do đoàn viên chuyển trực tiếp (hoặc danh sách được chuyển giao từ cấp bộ đoàn trực tiếp quản lý đoàn viên).
Bước 2: Bàn giao danh sách đoàn viên cho các chi đoàn trực thuộc và hướng dẫn cho đoàn viên tham gia các hoạt động của chi đoàn.
Bước 3: Chi đoàn tiếp nhận đoàn viên, tổ chức các hoạt động để đoàn viên tham gia; lập danh sách quản lý và theo dõi kết quả hoạt động của đoàn viên hoạt động nơi cư trú.
* Đối với trường hợp chi đoàn, cơ sở Đoàn tổ chức hoạt động Đoàn tại nơi cư trú chung cho tất cả đoàn viên thuộc đơn vị mình thì liên hệ với Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn để được giới thiệu về chi đoàn thuận lợi, sau đó thống nhất các nội dung hoạt động trong năm với chi đoàn được giới thiệu để triển khai thực hiện.
3.6. Nhận xét, đánh giá đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú:
Chi đoàn và Đoàn cơ sở nơi cư trú nhận xét, đánh giá kết quả tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú khi có yêu cầu của đoàn viên.
- Tiêu chí nhận xét, đánh giá:
+ Ý thức tham gia hoạt động của Đoàn tại nơi cư trú.
+ Mức độ tham gia hoạt động của Đoàn tại nơi cư trú.
+ Kết quả tham gia hoạt động của Đoàn tại nơi cư trú.
- Căn cứ vào các tiêu chí trên khi được yêu cầu, chi đoàn và Đoàn cơ sở đánh giá đoàn viên sinh hoạt nơi cư trú theo 3 mức: Tham gia hoạt động tốt, có tham gia hoạt động, có đăng ký nhưng không tham gia hoạt động. Kết quả tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú được bổ sung, ghi nhận vào kết quả đánh giá xếp loại đoàn viên hằng năm nơi đoàn viên đang sinh hoạt.
- Kết quả, thành tích của đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn nơi cư trú đóng góp cho tổ chức Đoàn tại nơi cư trú sẽ là cơ sở để ưu tiên trong xét các danh hiệu, các hình thức khen thưởng.
- Bản nhận xét, đánh giá trước khi chuyển cho đoàn viên phải có xác nhận của Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn nơi đoàn viên đăng ký hoạt động nơi cư trú.
4. Kỹ năng nghiệp vụ
Trò chơi “Đổ nước vào chai”
- Mục đích: Tạo sự nhanh nhẹn, khéo léo.
- Số lượng: 30 người trở lên, có thể chia nhiều nhóm.
- Địa điểm: Ngoài sân.
- Thời gian: có thể quy định.
- Cách chơi: Người chơi được chia thành nhiều đội, số người chơi các đội phải bằng nhau. Phía trước mỗi đội, cách 4 – 6m, đặt những cái chai không. Người chơi mỗi đội xếp thành hàng dọc và lần lượt từng người sẽ lấy muỗng múc nước nơi thau (để ở vạch xuất phát) đi đổ vào chai, sau đó về trao muỗng cho người khác tiếp tục. Đội nào đổ đầy chai nước trước sẽ thắng. Nếu số người trong đội đã đi hết 1 lần mà chai chưa đầy nước thì sẽ quay lại lượt của người đầu tiên.
Trò chơi “Ba - Má – Tôi”
- Mục đích: Rèn luyện phản xạ nhanh.
- Số lượng: Không hạn chế số người.
- Địa điểm: Trong phòng, ngoài sân.
- Thời gian: Từ 3 - 5 phút.
- Cách chơi: Người chơi đứng thành vòng tròn, quản trò chỉ tay lên đầu nói đây là “Ba” – chỉ tay lên má nói đây là “Má” – chỉ tay xuống cổ và nói đây là “Tôi”. Quản trò có thể nói “Ba má” thì người chơi phải dùng 2 tay (1 tay chỉ lên đầu, 1 tay chỉ lên má)… Người chơi phải làm theo các động tác của quản trò nếu làm sai sẽ bị phạt, quản trò chú ý phải làm nhanh dần dần (có thể nâng lên bằng cách nói và làm khác nhau).
Ban Biên tập