Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
Cập nhật lúc: 16/10/2018

Hướng dẫn sinh hoạt Chi đoàn tháng 10/2018

1. Kỷ niệm 62 năm ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956 - 15/10/2018)

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương phải hình thành một mặt trận thanh niên rộng rãi và thống nhất do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh chuẩn bị hình thành mặt trận đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên lấy tên là Đoàn thanh niên Việt Nam. Tháng 6/1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam - một tổ chức rộng rãi của mọi thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Từ ngày 08/10 đến ngày 15/10 năm 1956, Trung ương Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và Ban vận động Mặt trận Thanh niên toàn quốc triệu tập Đại hội tại Nhà hát lớn Hà Nội để thống nhất các tổ chức thanh niên Việt Nam và lấy tên là Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ III (năm 1994) đã quyết định lấy ngày 15/10/1956 là ngày truyền thống hàng năm của Hội LHTN Việt Nam.

Trong lịch sử của mình, trải qua các thời kỳ cách mạng, dù mang tên gọi khác nhau như: Tổng Đoàn thanh niên Việt Nam, Liên đoàn thanh niên Việt Nam, Hội LHTN Việt Nam nhưng tính chất, mục tiêu của Hội chỉ là một. Đó là đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào tự tôn dân tộc, để mỗi thanh niên dù xuất thân từ bất cứ giai tầng nào mang dòng máu Việt Nam đều có thể phát huy cao nhất khả năng của mình cống hiến cho Tổ quốc, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong những ngày cam go nhất khi vừa giành được chính quyền với thù trong giặc ngoài, Liên đoàn thanh niên Việt Nam đã tập hợp lực lượng đông đảo, vững vàng anh dũng đứng lên góp phần vào công cuộc kháng chiến kiến quốc. Hàng chục vạn hội viên, thanh niên hăng hái tham gia các đoàn quân “Nam tiến” sát cánh với tuổi trẻ và đồng bào Miền Nam diệt xâm lăng; hăng hái tham gia phong trào tòng quân giết giặc lập công; tình nguyện lập các đội thanh niên xung phong tăng gia sản xuất với khẩu hiệu “Tấc đất, tấc vàng”, sẵn sàng “Lấy cuốc cày làm vũ khí” tiêu diệt quân thù. Hàng vạn hội viên, thanh niên về nông thôn mở các lớp học xóa mù chữ cho thanh niên và nhân dân. Trong thời kỳ cả nước đứng lên chống đế quốc Mỹ xâm lược, Hội LHTN Việt Nam đã động viên hàng triệu thanh niên hưởng ứng phong trào “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”, hơn 5 triệu lượt hội viên, đoàn viên, thanh niên đã hăng hái tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong”, tự nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước với tinh thần “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã thúc giục thanh niên “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”...Ở miền Nam, tuổi trẻ cùng nhau xiết chặt hàng ngũ chung quanh Hội LHTN giải phóng miền Nam đấu tranh kiên cường trước họng súng và máy chém của kẻ thù; rầm rập xuống đường “Đốt lửa để nhìn cho rõ mặt kẻ thù”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Nói cho đồng bào tôi biết”, đòi “Đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam”. Sau đại thắng mùa xuân 1975, đất nước thống nhất, non sông liền một dải, hàng triệu hội viên, đoàn viên, thanh niên cả nước đã vượt qua khó khăn thử thách ra sức góp phần đắc lực hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, đi xây dựng khu kinh tế mới, thanh niên cả nước tích cực thực hiện các phong trào “Thanh niên đi đầu trong xã hội học tập”; “Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo”; “Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”; “Thanh niên vì cuộc sống bình yên, vì chủ quyền Tổ quốc”; “Thanh niên sống đẹp”; “Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội và bảo vệ môi trường”; “Khi Tổ quốc cần”... Đặc biệt, ngày nay phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” tiếp tục cổ vũ mạnh mẽ, thôi thúc và thu hút đông đảo các tầng lớp thanh niên tham gia.

Bên cạnh việc phát động và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, tổ chức Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cũng không ngừng lớn mạnh, mở rộng cả về quy mô và chất lượng: thành lập mới nhiều tổ chức Hội thành viên và hoạt động có hiệu quả như: Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật Việt Nam đã góp phần tập hợp, đoàn kết ngày càng rộng rãi các đối tượng, các tầng lớp thanh niên trên khắp mọi lĩnh vực, mọi địa bàn trên cả nước; vai trò, vị thế, uy tín của tổ chức Hội tiếp tục được nâng cao, phát huy tinh thần đoàn kết của các tầng lớp thanh niên, tạo sức mạnh to lớn thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Hệ thống Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam ở các cấp không ngừng lớn mạnh.

Với những cống hiến xuất sắc của các thế hệ cán bộ, hội viên và các tầng lớp thanh niên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1999 và Huân chương Hồ Chí Minh năm 2005 vì  “Đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, vận động thanh niên tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

2. Phong trào hành động

2.1. Nội dung sinh hoạt

- Vận động đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động tập trung theo chủ điểm gắn với phát động thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 28 năm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10/1991 – 01/10/2018); Kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ Đô (10/10/1954 – 10/10/2018); Kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Hội nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2018); Kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956 – 15/10/2018); Kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2018); Kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2018).

- Tiến hành tổ chức đánh giá phân xếp loại đoàn viên năm 2018 theo Hướng dẫn số 09 HD/TĐTN, ngày 28/5/2013 và Hướng dẫn đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú giai đoạn 2018 - 2022 theo hướng dẫn số 91 HD/TĐTN-TCKT, ngày 28/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn.

- Nắm bắt diễn biến tình hình, tư tưởng trong đoàn viên thanh niên và dư luận xã hội trong đoàn viên thanh niên; tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền và phối hợp với đoàn thể địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, định hướng dư luận xã hội, xử lý các vấn đề bức xúc trong đoàn viên thanh niên, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

2.2. Hình thức tổ chức

- Các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động như: gặp mặt, tọa đàm cùng các cựu chiến binh, nói chuyện truyền thống, giao lưu giữa các thế hệ; thăm quan di tích lịch sử, về vùng căn cứ cách mạng… nhân các ngày lễ lớn trong tháng và đặc biệt là hưởng ứng 62 năm ngày truyền thống của Hội LHTN Việt Nam.

- Vận động đoàn viên thanh niên tích cực tham gia vào các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng thông qua những việc làm thiết thực mang lại hiệu quả cao tạo được sự lan tỏa trong thanh niên.

- Ngoài ra, các chi đoàn căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị đề ra các nội dung, hình thức sinh hoạt chi đoàn cho phù hợp.

3. Sổ tay nghiệp vụ: Chi đoàn thực hiện chương trình vì đàn em

3.1. Trách nhiệm của Chi đoàn trong công tác thực hiện:

Điều lệ Đoàn xác định “Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh”. Đây là nhiệm vụ mà Đảng giao cho tổ chức Đoàn Thanh niên để đảm bảo quá trình phát triển liên tục từ lứa tuổi thiếu nhi cho đến khi trưởng thành theo mục đích lý tưởng của Đảng. Công tác chăm lo cho thiếu nhi cũng chính là công tác chuẩn bị nguồn phát triển của tổ chức Đoàn.

3.2. Nội dung công tác:

Để làm tốt công tác thiếu nhi, chi đoàn cần phải xác định rõ đối tượng thiếu nhi sẽ được tác động, nắm bắt được đặc điểm tâm lý lứa tuổi, những nhu cầu của các em để từ đó tổ chức các hoạt động cho phù hợp.

- Giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, lối sống cho thiếu nhi. Giúp các em rèn luyện những đức tính tốt, từng bước hoàn thiện nhân cách của mình.

- Xây dựng chi đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh của thôn, buôn, tổ dân phố vững mạnh.

- Tổ chức các hoạt động phong trào, vui chơi giải trí phù hợp với đặc điểm tâm lý của các em.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan, vận động các nguồn lực xã hội chăm lo cho thiếu nhi. Đặc biệt là các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em lang thang đường phố.

3.3. Nhiệm vụ cụ thể:

Chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố tập trung thực hiện các công việc sau:

- Khảo sát nắm tình hình thiếu nhi trên địa bàn thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó nắm kỹ số trẻ em nghèo, khuyết tật, số trẻ bỏ học, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để từ đó tổ chức các hoạt động chăm lo; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí phong phú, đa dạng phù hợp với nguyện vọng sở thích của các em thiếu nhi ngay tại địa bàn.

- Vận động đưa các em thiếu nhi nghèo đến lớp phổ cập, tổ chức các lớp học tình thương.

- Phối hợp cùng gia đình và các ban ngành đoàn thể giáo dục, cảm hóa các em thiếu nhi chưa ngoan. Phát hiện và mạnh dạn lên tiếng với xã hội nhằm bảo vệ trẻ em trước những hành vi vi phạm nhân phẩm của trẻ em.

- Phối hợp cùng với các ban ngành đoàn thể và các tổ chức xã hội quan tâm đến đối tượng là trẻ em nghèo, khuyết tật, lang thang, cơ nhỡ để chăm lo cho các em một cách thiết thực.

- Phân công đoàn viên phụ trách chi đội Thiếu niên Tiền phong tại thôn, buôn, tổ dân phố; phụ trách trẻ chưa ngoan. Vận động thanh thiếu niên trên địa bàn khu phố tham gia phụ trách thiếu nhi. Thành lập chi đội phụ trách.

4. Kỹ năng nghiệp vụ

Trò chơi “Chanh – chua, Cua – kẹp”

- Mục đích: Phản xạ.

- Số lượng: từ 30 người trở lên.

- Địa điểm: Ngoài sân.

- Thời gian: Từ 5 - 7 phút.

- Cách chơi: Người chơi xếp thành vòng tròn, đưa tay ra, tay phải ngửa, tay trái chụm lại để trên tay phải người kế bên nhưng không đụng. Khi quản trò hô to “Chanh” người chơi đáp “Chua”. Khi quản trò hô “Cua” thì người chơi đáp nhanh “Kẹp” và nhanh chóng nắm lại thật nhanh sao cho nắm được bàn tay trái của người bên cạnh và đồng thời cũng thụt tay trái của mình về không để bị kẹp. Người nào chậm bị kẹp sẽ bị mời ra và chịu hình phạt do người quản trò áp dụng.

Trò chơi “Cùng nhau giải toán”

- Mục đích: phán đoán nhanh

- Số lượng: Từ 30 người trở lên.

- Địa điểm: Ngoài sân.

- Thời gian: Từ 3 – 5 phút.

- Cách chơi: Người quản trò chia người chơi ra thành từng đội, mỗi đội cử 1 đại diện. Khi quản trò nói nhỏ với người đại diện ở mỗi đội 1 con số nào đó, thì người đại diện chạy về đội mình lấy số đó (VD: 18) cộng thêm 3 (là 21) dùng ngón tay viết kết quả lên lưng 1 người ngồi trước mình. Người thứ 2 nhận được số truyền từ dưới thì cũng phải cộng thêm 3 và viết lên 1 người kế tiếp. Đến người cuối cùng đầu hàng, cũng nhận được con số mới rồi cộng thêm 3 và lấy kết quả lên báo với người quản trò. Đội nào báo với quản trò đúng kết quả thì sẽ thắng, khi truyền số các bạn chỉ được viết lên lưng và không được nói.

Ban Biên tập

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready