Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 03/10/2017

Hướng dẫn sinh hoạt Chi đoàn tháng 10/2017

1. Tìm hiểu về: “Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam – Chặng đường vẻ vang 61 năm cống hiến và trưởng thành”

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, các thế hệ thanh niên Việt Nam luôn nêu cao truyền thống yêu nước, hăng hái tiên phong trong mọi lĩnh vực, chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đặc biệt từ khi Đảng ra đời, dưới ngọn cờ của Đảng và Tổ quốc, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm, mưu trí, năng động, sáng tạo, xung kích trên mọi mặt trận, liên tiếp lập nên những chiến công hiển hách, góp phần viết tiếp những trang sử hào hùng của Đảng quang vinh, dân tộc anh hùng và vun đắp nên những truyền thống vẻ vang của Đoàn, của Hội.

Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng, phấn đấu trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì hạnh phúc và sự tiến bộ của thanh niên.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương phải hình thành một mặt trận thanh niên rộng rãi và thống nhất do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh chuẩn bị hình thành mặt trận đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên lấy tên là Đoàn thanh niên Việt Nam. Tháng 6/1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam - một tổ chức rộng rãi của mọi thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Cuối năm 1946, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.

Tháng 02/1950, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ I tại  xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đại hội là sự thể hiện khối đoàn kết của toàn thể thanh niên Việt Nam trong mặt trận thanh niên vì mục tiêu kháng chiến thắng lợi. Đại hội đã thông qua Nghị quyết và Điều lệ của Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam (đồng chí Nguyễn Chí Thanh sau này là Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam).

Từ ngày 08 đến ngày 15/10/1956, Trung ương Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và Ban vận động Mặt trận Thanh niên toàn quốc triệu tập Đại hội tại Nhà hát lớn, Hà Nội để thống nhất các tổ chức thanh niên Việt Nam và lấy tên là Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Kể từ đó đến nay, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đã trải qua 7 kỳ Đại hội với những phong trào, chương trình hành động và các cuộc vận động cụ thể đáp ứng cho từng thời kỳ cách mạng của nước nhà. Các hoạt động của Hội đã phát huy được tính sáng tạo, thái độ chủ động, khơi dậy tinh thần xung kích tình nguyện, tính tích cực của tuổi trẻ; hoạt động của Hội các cấp thiết thực, gần gũi với các tầng lớp thanh niên hơn, đã đồng hành với hội viên, thanh niên; góp phần tạo nên diện mạo mới của phong trào thanh niên trong thời kỳ hội nhập, đưa phong trào thanh niên trở thành hành động cách mạng sôi nổi và hiệu quả, thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Các chương trình, cuộc vận động của Hội với những mô hình thiết thực đã đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cả về mặt phong trào và ý nghĩa hoạt động xã hội, tạo nên sức lan toả của phong trào đối với hội viên, thanh niên.

Kỷ niệm 61 năm ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam, năm thứ ba triển khai Nghị quyết Đại hội toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VII, năm thứ hai triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mỗi thanh niên Việt Nam có quyền tự hào: Trong mỗi chặng đường của lịch sử dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã có những đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Với những cống hiến xuất sắc của các thế hệ cán bộ, hội viên và các tầng lớp thanh niên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1999 và Huân chương Hồ Chí Minh năm 2005 vì “Đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, vận động thanh niên tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, thanh niên luôn là người đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo lý tưởng của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Phát huy những giá trị truyền thống vẻ vang của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, các thế hệ hội viên, thanh niên Việt Nam nguyện một lòng đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; cống hiến tất cả tài năng, sức lực và trí tuệ của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

2. Phong trào hành động

 a. Nội dung sinh hoạt:

- Các cấp bộ Đoàn tiếp tục tổ chức hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp, triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 6 bài học lý luận chính trị tới cán bộ, các cơ sở đoàn và đoàn viên thanh niên.

- Tổ chức các hoạt động tìm hiểu về cuộc đời của đồng chí Lý Tự Trọng, về truyền thống Hội LHTN Việt Nam. Trong dịp này, các chi đoàn có thể phối hợp tổ chức kết nạp đoàn viên mới lớp đoàn viên Lý Tự Trọng, các hoạt động du khảo về nguồn, kể chuyện truyền thống, hội thi tìm hiểu lịch sử Đoàn, Hội…

- Tiến hành tổ chức đánh giá phân xếp loại đoàn viên năm 2017 theo Hướng dẫn số 09 HD/TĐTN, ngày 28/5/2013 và nhận xét đánh giá kết quả chất lượng đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú theo hướng dẫn số 67 HD/TĐTN-TCKT, ngày 02/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn.

c. Công tác chuẩn bị

- Bí thư chi đoàn xây dựng dự thảo nội dung kế hoạch tổ chức hoạt động, chuẩn bị các nội dung cần thiết để tập thể BCH hội ý thảo luận, thống nhất về nội dung kế hoạch, hình thức, địa điểm, thời gian, kinh phí…và phân công từng thành viên BCH phụ trách các công việc cụ thể để đảm bảo cho các hoạt động.

- Họp chi đoàn phân công đoàn viên đảm nhận và chuẩn bị một số nội dung công việc liên quan.

- BCH Chi đoàn báo cáo với cấp ủy xin ý kiến chỉ đạo.

- Tổ chức mời cấp ủy, đoàn viên, thanh niên, đoàn viên tham gia sinh hoạt nơi cư trú, chi đoàn kết nghĩa đến sinh hoạt theo thời gian, địa điểm đã chọn.

3. Sổ tay nghiệp vụ: Chi đoàn với công tác tập hợp thanh niên

3.1 Mục đích, yêu cầu

- Nắm được số lượng, đối tượng, tình hình chung của thanh niên trên địa bàn, đánh giá được các xu hướng của thanh niên để đề ra kế hoạch tập hợp, nội dung hoạt động phù hợp.

- Thông qua việc nắm rõ số lượng, cơ cấu thanh niên trên địa bàn, kịp thời đổi mới phương thức tập hợp thanh niên nhằm nâng cao tỷ lệ tập hợp thanh niên.

- Yêu cầu của công tác này là phải được tiến hành một cách chính xác, toàn diện, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng liên quan để đối chiếu, hoàn chỉnh số liệu phục vụ công tác tập hợp thanh niên.

3.2 Về đối tượng

Tất cả thanh niên trên địa bàn tuổi từ 14 đến 35

3.3 Nội dung của việc nắm thanh niên

- Nắm được số lượng thanh niên hiện có trên địa bàn, phân tích được số đã có việc làm ổn định, số đang cần việc làm, cần học nghề; số thanh niên thường trú, đã tạm trú từ 6 tháng trở lên; đánh giá xu hướng chọn nghề của thanh niên…

- Qua kết quả khảo sát, đánh giá nhu cầu của thanh niên trên địa bàn, xác định nhóm đối tượng ưu tiên để đầu tư cho công tác mở rộng diện tập hợp thanh niên.

+ Đối tượng tập hợp (thanh niên trên địa bàn dân cư, thanh niên lao động tự do, thanh niên tôn giáo, dân tộc, thanh niên lao động ngoài quốc doanh, trí thức…).

+ Tỷ lệ tập hợp thanh niên trong các đối tượng.

+ Những khó khăn, thuận lợi trong công tác tập hợp thanh niên đối với từng đối tượng.

3.4 phương thức tổ chức thực hiện

Công tác nắm thanh niên trên địa bàn được thực hiện thông qua khảo sát. Trên thực tế, chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố có thể tham khảo kết quả khảo sát chung của cơ quan chức năng, của chi bộ hoặc ban điều hành khu phố, tổ nhân dân. Tuy nhiên, chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố cần chủ động đề ra kế hoạch, phân công đoàn viên tiến hành khảo sát nắm thanh niên trên địa bàn. Việc tổ chức thực hiện tốt nội dung này sẽ là cơ sở quan trọng cho cả quá trình tập hợp thanh niên, xây dựng chi đoàn, chi hội về sau.

Căn cứ các nội dung nêu trên, chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố cần thực hiện một số vấn đề sau:

- Ban chấp hành chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố xây dựng kế hoạch, liên hệ Đoàn phường, xã, thị trấn lấy mẫu phiếu khảo sát, phân công đoàn viên tiến hành khảo sát.

- Căn cứ kế hoạch khảo sát, chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố thành lập tổ khảo sát (đối với địa bàn phức tạp hoặc có đông thanh niên thì có thể thành lập nhiều tổ khảo sát).

- Trong phạm vi địa bàn của mình, chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố có trách nhiệm tổng hợp kết quả, liên hệ với Ban điều hành khu phố - ấp đối chiếu, hoàn chỉnh số liệu thống kê, báo cáo kết quả khảo sát với chi đoàn, chi bộ và Đoàn cấp trên.

Công tác khảo sát nắm thanh niên là một nội dung hết sức quan trọng đối với công tác tập hợp thanh niên xây dựng Đoàn của chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố. Việc nắm rõ số lượng, thành phần, đặc điểm, tính chất của thanh niên trên địa bàn là cơ sở quan trọng nhằm đề ra các nội dung hoạt động, thực hiện tốt công tác tập hợp thanh niên, xây dựng chi đoàn, nâng cao chất lượng hoạt động của chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố. Trên thực tế, các chi đoàn mạnh là chi đoàn nắm rõ thanh niên, biết thanh niên muốn gì, làm được gì, từ đó thiết kế các nội dung hoạt động đáp ứng nhu cầu của thanh niên và qua đó, tạo môi trường cho thanh niên tham gia, cống hiến. Sự gắn bó, thông hiểu giữa chi đoàn với đoàn viên, thanh niên tại địa bàn tạo nên sức sống cho chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố.

* Phương thức 1+1 trong công tác tập hợp thanh niên

- Thế nào là “phương thức 1+1”: Phương thức 1 + 1 là việc một thành viên hoặc tế bào cơ sở của Đoàn, Hội tổ chức vận động, mời gọi một người hoặc nhiều người tham gia tổ chức mình, trở thành thành viên chính thức, thành lập thêm tế bào cơ sở mới trong một thời gian nhất định. Trên bình diện công tác tập hợp thanh niên, xây dựng Đoàn, Hội, phương thức 1 + 1 được hiểu ở nhiều cấp độ khác nhau, có thể biểu thị thành các công thức sau:

+ 1 hội viên + 1 hoặc n thanh niên vào Hội.

+ 1 đoàn viên + 1 hoặc n hội viên (hoặc thanh niên) vào Đoàn.

+ 1 chi đoàn + 1 hoặc n đội hình thanh niên được thành lập

Ở đây, chủ thể hành động nhằm tạo ra phương thức 1+1 là đoàn viên, hội viên chính thức, sinh hoạt thường xuyên, ổn định trong tổ chức Đoàn, Hội (lực lượng nòng cốt chính trị); là chi đoàn xếp loại từ trung bình trở lên. Cụm từ “1 hoặc n” được hiểu tương đương với cụm từ “ít nhất là 1”. Đối với từng cấp độ, vai trò của các chủ thể có sự khác nhau theo thứ tự tăng dần như sau:

+ Cấp độ cá nhân, là hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam.

+ Cấp độ cá nhân, là đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đối với đoàn viên là đảng viên hoặc cán bộ Đoàn, vai trò lại càng cao.

+ Cấp độ tổ chức, là việc chi đoàn tổ chức thành lập đội hình thanh niên mới. Cấp độ này chỉ được tiến hành có hiệu quả khi được tổ chức, thực hiện hiệu quả và phát huy tốt vai trò của mình.

- Nội dung của phương thức 1+1:

+ Quán triệt trong toàn thể đoàn viên, hội viên và chi đoàn, chi hội nhiệm vụ công tác vận động quần chúng nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ tập hợp thanh niên, xây dựng Đoàn, Hội ngày càng vững mạnh.

+ Việc mời gọi, tập hợp thanh niên phải được đặt thành nhiệm vụ thường xuyên và là nhiệm vụ của từng đoàn viên, hội viên. Trong một thời gian nhất định (3 tháng, 6 tháng), mỗi đoàn viên, hội viên phải vận động, giới thiệu được ít nhất một thanh niên cho Đoàn, Hội tổ chức kết nạp.

+ Mỗi chi đoàn, chi hội cần xây dựng kế hoạch tập hợp thanh niên, đề ra mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể, đa dạng hóa phương thức tập hợp, trong đó lấy phương thức 1 + 1 làm phương thức chủ đạo.

- Quy trình thực hiện phương thức 1+1:

+ Bước 1: khảo sát

Trên cơ sở chỉ đạo của Đoàn, Hội cấp trên hoặc tự mình chủ động đề ra, chi đoàn, chi hội tổ chức khảo sát nắm lại toàn bộ tình hình thanh niên, đội nhóm trên địa bàn. Có thể sử dụng kết quả của các đợt khảo sát khác (như khảo sát phục vụ việc xây dựng đội hình thanh niên chẳng hạn) nhưng phải đảm tính chính xác, cập nhật của số liệu khảo sát.

+ Bước 2: Xây dựng kế hoạch

Trên cơ sở kết quả khảo sát và mục tiêu, chỉ tiêu công tác tập hợp thanh niên theo chương trình công tác năm (hoặc chỉ tiêu cấp trên giao), chi đoàn, chi hội, cụ thể là Bí thư, Phó bí thư chi đoàn, Chi hội trưởng, Chi hội phó chủ động dự thảo kế hoạch, đề ra chỉ tiêu, tiến độ, biện pháp thực hiện, phân công cụ thể cho từng đoàn viên, hội viên trong chi đoàn, chi hội các phần việc, chỉ tiêu. Sau đó, chi đoàn, chi hội họp góp ý kiến, thống nhất phân công, trình xin ý kiến và tranh thủ sự hỗ trợ, chỉ đạo của cấp ủy trước khi triển khai thực hiện.

Cần lưu ý rằng kế hoạch phải được phân công cụ thể, có đề ra tiến độ thực hiện và thời gian kiểm tra theo định kỳ để đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra. Tuy nhiên trong tổ chức thực hiện, cần thiết kế gắn với các nội dung hoạt động cụ thể như: đêm hội văn hóa, chương trình sinh hoạt chi đoàn, chi hội, chuyến du khảo v.v… Việc triển khai kế hoạch không gắn với các nội dung hoạt động cụ thể thường khó thuyết phục, mời gọi thanh niên tham gia hoạt động.

Bước 3: Xây dựng danh sách dự kiến, tổ chức bồi dưỡng, chuẩn bị kết nạp đoàn viên, hội viên mới

Trên cơ sở kết quả thực hiện theo phân công ở bước 2, cứ mỗi 6 tháng, chi đoàn, chi hội lập danh sách dự kiến kết nạp đoàn viên, hội viên mới.

Thông qua các hoạt động của chi đoàn, chi hội, các hoạt động của Đoàn, Hội cấp trên hoặc các hoạt động của địa phương, đơn vị mà chi đoàn, chi hội tham gia thực hiện, những thanh niên được mời gọi đã có bước tiếp cận, tìm hiểu về tổ chức Đoàn, Hội. Tuy nhiên, chi đoàn, chi hội cần chủ động tổ chức một số hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết về Đoàn, Hội cho thanh niên trước khi tổ chức kết nạp.

Bước 4: Tổ chức kết nạp đoàn viên, hội viên mới

Thực hiện theo Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn, Điều lệ Hội.

* Những điểm cần lưu ý:

Trong quá trình thực hiện, cần quán triệt trong toàn chi đoàn, chi hội về vai trò nòng cốt của đoàn viên, hội viên đối với nhiệm vụ mời gọi, phát triển đoàn viên, hội viên mới, vai trò nòng cốt của chi đoàn trong xây dựng đội hình thanh niên mới.

Nắm vững một phương thức là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là vận dụng phương thức ấy một cách hiệu quả. Để phương thức 1+1 đạt hiệu quả cao, chi đoàn, chi hội cần chú ý sự đặc thù về đối tượng vận động tại địa phương, đơn vị mình để tổ chức các nội dung hoạt động phù hợp. Chẳng hạn đặc điểm đối tượng tại khu phố A có nhiều thanh niên nhập cư thì cần tổ chức các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở, nhu cầu vui chơi giải trí trong điều kiện thời gian eo hẹp… Ở khu phố B chủ yếu là lao động tự do thì nội dung hoạt động cần hướng vào việc giải quyết việc làm, thành lập các đội hình dịch vụ thanh niên…

4. Kỹ năng nghiệp vụ

Trò chơi “Câu hát – đứt đuôi”

Quản trò bắt một bài hát phổ biến hoặc một bài hát mới nhưng ngắn và hướng dẫn cho mọi người thuộc. Thông báo cách chơi: Bài hát có bao nhiêu câu sẽ thực hiện bấy nhiêu lần, sau mỗi lần hát hết bài sẽ tăng mức độ lên cao hơn nữa. Ở mỗi mức độ sẽ bỏ từng chữ một ở cuối câu hát.

Ví dụ: Bài hát “Cả nhà thương nhau”

Lần 1: Ba thương con thì con giống mẹ, mẹ thương con thì con giống ba, cả nhà ta cùng thương yêu nhau, xa là nhớ gặp nhau là cười.

Lần 2: Ba thương con thì con giống…, mẹ thương con thì con giống…, cả nhà ta cùng thương yêu…, xa là nhớ gặp nhau là….

Lần 3: bỏ 2 chữ cuối mỗi câu, cứ như vậy đội nào hát lâu hơn sẽ thắng …

Trò chơi “Tiếng hát từ trái tim”

Quản trò bắt một bài hát mà tất cả mọi người thuộc nhất. Giới thiệu luật chơi: khi quản trò xòe bàn tay có nghĩa là mọi người hát rõ và to, nhưng khi quản trò nắm bàn tay lại thì mọi người vẫn hát nhưng không được phát ra tiếng (kể cả uh, à, ì .. cũng không được), không được nhấp môi … nói chung là hát bằng con tim thôi. Khi quản trò mở tay ở lúc nào thì người chơi phải hát tiếp tục bái hát ở lúc đó

Ví dụ: (Xòe tay) Anh em ta về (nắm tay) cùng nhau ta (xòe tay) sum họp này … 12345 => không được phát ra âm thanh lúc đến khúc hát “cùng nhau ta”

Có thể nâng cấp bằng cách chỉ tay về nhóm nào nhóm đó thực hiện, hoặc chơi bằng 2 tay với mỗi tay mỗi bên.

 

BAN BIÊN TẬP

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready