Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 26/09/2014

Họp về đập chợ, 'nóng' hơn chảo lửa

Họp về đập chợ, 'nóng' hơn chảo lửa
Cuộc họp nóng từ bên ngoài - Ảnh: Đình Sơn

Buổi đối thoại “nóng” từ trong hội trường đến bãi giữ xe của Trung tâm văn hóa Q.Bình Tân. Bên trong 300 tiểu thương ngồi đối thoại với lãnh đạo UBND Q.Tân Bình thì ở phía ngoài hàng trăm tiểu thương cũng tổ chức tuần hành quanh các tuyến đường từ trung tâm văn hóa về chợ Tân Bình để phản đối việc xây chợ mới. Cách đây 2 ngày, nhiều tiểu thương chợ này cũng tập trung phản đối việc xây chợ. 

Vào họp phải trình CMND

Buổi đối thoại càng nóng hơn khi UBND quận bố trí dày đặc các lực lượng bảo vệ. Thậm chí một xe cứu thương cũng được điều đến. Các tiểu thương có giấy mời muốn vào được trong hội trường cũng phải trình CMND.

 
 

Sau 3.000 tiểu thương là 10.000 nhân công đang làm việc cho chúng tôi. Tôi biết chợ xây cao tầng chỉ để cho đẹp chứ không hiệu quả. Trước đây như chợ Văn Thánh, An Đông xây lên rồi bỏ hoang, chỉ kinh doanh hiệu quả ở tầng trệt và tầng 1

 

Bà Nguyễn Thị Thanh, kinh doanh khu A1, B18, chợ Tân Bình

 

Mở đầu buổi đối thoại, đại diện UBND Q.Tân Bình trình bày đề án xây dựng chợ. Theo đó, khu đất gần 22.000 m2 của chợ Tân Bình hiện nay sẽ được xây dựng mới thành hai phần với tổng vốn đầu tư 4.800 tỉ đồng, riêng chợ Tân Bình là 2.000 tỉ đồng. Khoảng 7.000 m² đất giáp mặt tiền đường Lý Thường Kiệt xây Trung tâm thương mại dịch vụ đa năng 17 tầng, gần 15.000 m² đất còn lại xây mới chợ Tân Bình mới gồm 6 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng gần 55.000 m2 (không bao gồm hầm). Dự kiến chợ Tân Bình mới sẽ khởi công vào tháng 5.2016 và tháng 11.2018 đưa vào sử dụng, chủ đầu tư là Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tân Quang.

Trong thời gian làm chợ mới, khoảng 3.336 sạp chợ với gần 3.000 tiểu thương sẽ được bố trí bán hàng tại hai chợ tạm được xây dựng trên địa bàn quận. Sau khi chợ mới hoàn thành các tiểu thương sẽ được bố trí sạp trở lại theo nguyên tắc đổi ngang, sạp cũ diện tích, vị trí như thế nào thì sạp mới sẽ y như vậy. Giá thuê sạp ở chợ mới cao nhất là 400.000 đồng/m²/tháng (tầng 1), thấp nhất là 150.000 đồng/m²/tháng (tầng lửng hầm). Số tiền này thu để lấy kinh phí xây dựng chợ và hoàn lại cho chủ đầu tư. 

“Buôn bán không được thì xây làm gì”

 
 

Đợi 9 cuộc họp nữa rồi quyết

Về phản ánh giá thuê sạp cao, ông Lê Sơn giải thích đó là giá tạm tính. Nếu xây chợ mới giá sẽ được kiểm toán và công bố lại. Cũng theo ông Sơn, đây chỉ là 1 trong 10 buổi gặp gỡ với tiểu thương để trình bày phương án và đóng góp ý kiến cho phương án xây dựng chợ. Đa số ý kiến là không xây mà chỉ cải tạo chợ. Sau khi gặp gỡ hết 3.000 tiểu thương, ông Sơn sẽ tổng hợp ý kiến, báo cáo Chủ tịch UBND quận để xem xét lại.

 

Ngay khi được phát biểu, bà Nguyễn Thị Thanh, kinh doanh khu A1, B18, nói thẳng chỉ đồng ý nâng cấp để chợ văn minh, an toàn. “Sau 3.000 tiểu thương là 10.000 nhân công đang làm việc cho chúng tôi. Tôi biết chợ xây cao tầng chỉ để cho đẹp chứ không hiệu quả. Trước đây như chợ Văn Thánh, An Đông xây lên rồi bỏ hoang, chỉ kinh doanh hiệu quả ở tầng trệt và tầng 1. Tại Hà Nội, Sở Công thương cũng đã kiến nghị dừng mô hình xây chợ truyền thống kết hợp với trung tâm thương mại vì khi xây dựng lên không ai vào mua sắm”. “Nếu chợ xây cao tầng mà buôn bán được thì cắt đầu tôi cũng chịu. Bởi ngay chợ Tân Bình hiện nay tầng 1 ở khu A cũng bỏ hoang phế, vậy còn muốn xây cao làm gì”, bà Thanh nói thêm.

Bà Đỗ Thị Thu Lê, kinh doanh sạp KB2/3, cho rằng tiểu thương mấy chục năm xây dựng thương hiệu chợ Tân Bình, bằng chứng là ai muốn vào phải trả 1 - 3 tỉ đồng. Mỗi sạp có giá từ 2 - 10 tỉ đồng, nhưng nay quận nói nếu ai không muốn bố trí lại sạp thì chỉ được hỗ trợ 30 triệu đồng/tiểu thương. “Chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền sửa sang chợ truyền thống của chúng tôi, không cần nhà đầu tư nào bỏ vào xây chợ. Chợ đẹp nhưng buôn bán không được thì xây làm gì”, bà Lê bức xúc.

Một tiểu thương tính toán, đơn giá xây dựng là 1 m2 chợ là 8 triệu đồng, khi hoàn thiện cùng lắm là 25 triệu đồng. Nhưng quận cho thuê 400.000 đồng/m2/tháng, như vậy 1 năm là 14,4 triệu đồng cho mỗi sạp 3 m2. “Tính trên 30 năm, mỗi sạp hơn 400 triệu đồng nhân 5.000 sạp vị chi là 2.000 tỉ đồng, bằng với số tiền xây chợ mới. Như vậy tiền là tiền của tiểu thương đóng góp, nhà đầu tư chỉ thay mặt đứng ra làm chợ, nhưng lại đứng ra cho chúng tôi thuê lại 30 năm, liệu có phải là nghịch lý? Tôi đã bỏ 120 cây vàng để sang sạp nay làm chợ mới lại bắt chúng tôi đóng tiền thuê quầy trong khi chưa biết sạp của mình nằm ở đâu. Lãnh đạo quận có dám hứa sau khi xây chợ mới, tiểu thương buôn bán được như bây giờ, giá trị sang sạp có được như bây giờ không? Nếu được, chúng tôi sẵn sàng góp tiền xây chợ mới”, tiểu thương này nói.

Biết xây chợ mới, vẫn ký quyết định sang sạp cũ

Bà Đỗ Thị Thu Hà cho biết ngày 9.9 bà mới mua lại sạp với giá 5 tỉ đồng. Đến ngày 24.9 mới khai trương sạp, vừa được 1 ngày thì nghe tin đập chợ. Để có tiền sang sạp bà đã phải bán căn nhà 4 tầng ở quê và cầm ngân hàng 2 căn nhà ở TP. "Tại sao ban quản lý chợ biết dự án xây chợ được phê duyệt mà vẫn còn ký quyết định sang sạp và cấp giấy phép kinh doanh cho tôi? Làm như vậy là giết gia đình tôi rồi" - bà này kêu trời.

Chị Tuyết Mai, bán vải ở lô KT18/1, cho biết: Tôi có đứa em ruột vừa vay 2,5 tỉ đồng mua sạp được 5 ngày thì hay tin xây chợ mới. Mấy hôm nay nó cứ nói nếu nhảy lầu được nó đã nhảy lầu rồi. Bản thân tôi cũng vậy, cắn răng đi vay ngân hàng để mua sạp, đến giờ nợ chưa trả hết. Nghe tin này mấy đêm rồi không ngủ được. Chúng tôi không được cung cấp thông tin, chúng tôi cảm thấy như mình bị qua mặt.

Đình sơn - Chí Nhân

Theo thanhnien

 

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready