Học văn mà khô như ngói!
|
Nặng lý thuyết, thiếu tính ứng dụng
Ông Trần Ngọc Tuấn, giáo viên môn văn Trường THPT Lý Tự Trọng (TP.HCM), cho rằng cần phải xác định lại mục đích của môn văn. Theo ông Tuấn, ở bậc THPT môn học này có 2 mục đích chính: Bồi dưỡng tâm hồn người học, đem đến cho họ một vốn sống xã hội, một thế giới cảm xúc, làm giàu chất nhân văn, nhân bản hơn. Rèn luyện cho người học những kỹ năng, đem đến những công cụ hỗ trợ hữu ích để họ vận dụng vào thực tế cuộc sống.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng có điểm bất hợp lý ở chương trình - sách giáo khoa THPT là những bài học về ý thức sử dụng tiếng Việt, cách viết văn bản hành chính... lẽ ra phải dạy từ lớp 10. Nhưng theo chương trình, đến lớp 12 học sinh mới được học. Cụ thể, từ đầu năm lớp 12 mới học bài giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và đến cuối lớp 12 mới học tạo lập văn bản hành chính. Vì thế trong suốt những năm THPT, học sinh chưa thật sự có một kỹ năng để viết đơn xin phép...
Nhiều giáo viên khác còn khẳng định phần tiếng Việt trong chương trình thường nặng tính lý thuyết, ít tính ứng dụng nên học sinh yếu các kỹ năng về vận dụng ngôn ngữ.
Đọc xong, không đọng lại gì
Riêng đối với phần văn, cũng theo ông Tuấn, rất khó tìm ra văn bản theo nghĩa thuần túy chữ "văn" trong chương trình học. Văn bản văn học của ta phải chấp nhận khái niệm kép: văn dĩ ngôn chí, văn dĩ tải đạo, văn sử bất phân, văn triết bất phân, văn học là vũ khí chiến đấu... “Nếu không khéo lựa chọn văn bản đưa vào sách giáo khoa thì học văn chẳng khác nào học sử (khô khan), hoặc học chính trị (nặng nề)”, ông Tuấn nhận định.
|
Cùng với cách nhìn nhận trên, nhà văn Di Li cho rằng những tác phẩm đưa vào sách giáo khoa chưa phải là những tác phẩm hay nhất, tinh hoa nhất của văn học nước nhà và của nhân loại. Nhiều tác phẩm khô khan, thiếu tính văn chương, nặng tính tư tưởng nên không phù hợp với lứa tuổi non nớt học trò.
Nhà văn Di Li cho biết: “Không ít tác phẩm đọc xong không đọng lại gì vì thiếu cảm xúc nhưng vẫn được đưa vào khiến những bạn yêu thích môn văn cảm thấy thất vọng và nghĩ đây mà là những tác phẩm hay nhất ư? Đó là chưa kể cách thi cử, đánh giá cực kỳ rập khuôn. Khi tôi hỏi sinh viên: Các em thấy mặt trăng hạ tuần trông giống hình gì, 99% trả lời là giống cái lưỡi liềm. Vì từ lúc nhỏ cô đã dạy như thế, nếu nói giống cái khác thì không được điểm. Trong khi có rất nhiều hình ảnh khác thật đẹp, như con thuyền, chiếc lá lúa uốn cong...”.
Khi hỏi về việc học môn văn trong trường phổ thông, hầu hết học sinh THPT đều cho rằng kiến thức trong sách giáo khoa nhiều, nặng, thiếu hơi thở của cuộc sống đương đại. Những câu hỏi khai thác nặng về lý luận theo chủ kiến hàn lâm, ít có bài tập hay gắn với thực tế, chủ yếu là bài tập lặp lại lý thuyết do vậy học sinh cảm thấy xa lạ, không hứng thú.
Thiếu kỹ năng đọc - hiểu
Đề thi tốt nghiệp THPT môn văn năm 2014 có một thay đổi, thêm phần đọc hiểu văn bản. Theo đánh giá của các giáo viên chấm thi, kết quả môn văn năm nay cho thấy học sinh yếu về kỹ năng đọc - hiểu văn bản.
Vừa sai chính tả lại kém kỹ năng đọc - hiểu, nhiều người cho rằng một trong những nguyên nhân chính là chương trình học ở trường phổ thông hiện nay không khuyến khích và tạo điều kiện để học sinh đọc sách.
Theo nhà văn Di Li, để giỏi chính tả, ngữ pháp phải đọc sách. Đọc sách càng nhiều thì những câu, chữ đó cứ từ từ ngấm vào đầu, khiến cho lớn lên chúng ta không thể nhầm lẫn, không viết sai. Đọc sách nhiều không chỉ khiến chúng ta giỏi văn, viết đúng chính tả, chuẩn ngữ pháp, mà còn giúp chúng ta trở nên văn minh, nhân hậu, nhân văn và ứng xử có tình người.
Nếu ở các nước, trong chương trình học, ngay từ nhỏ học sinh được khuyến khích đọc sách rồi kể lại, làm tóm tắt... thì ở VN hầu như không đặt ra điều này. Chính vì thế đã dẫn đến tình trạng với phần lớn học sinh VN, đọc sách chính là đọc sách giáo khoa!
Ý kiến Cần bỏ đi những điều quá lạc hậu Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương sẽ có hội thảo về chuyện này trong năm tới. Theo tôi, có những điều đã quá lạc hậu trong việc học môn văn và cần phải bỏ đi. Tuy nhiên, muốn bỏ đi phải định hướng chúng ta sẽ làm cái gì. Tôi sợ việc chỉnh sửa nội dung sẽ bị “thao túng” bởi quan điểm của một nhóm nào đó. PGS-TS Đoàn Lê Giang Dành thời gian cho học sinh đọc sách Chính người dạy cần phải thay đổi phương pháp. Tiết dạy không nên bó hẹp trong lớp mà có thể tổ chức trong thư viện, trên sân trường, bảo tàng... Đặc biệt nên dành thời gian cho các em đọc sách báo thực tế, thấy cuộc sống bên ngoài sách vở. Như vậy cái đẹp, cái hay của tác phẩm mới đi vào tâm hồn và học sinh cảm nhận cuộc sống một cách tự nhiên nhất bởi văn chương thực sự bắt nguồn từ cuộc sống. Đào Nguyên Bình Thầy cô phải truyền được cảm xúc Quan trọng nhất là các thầy cô truyền được cảm xúc cho học trò, khơi dậy tình yêu văn học cho học trò qua sự uyên thâm về kiến thức, phong phú về tâm hồn. Giáo viên có thể cho học sinh làm nhiều bài tập mang tính sáng tạo như viết thêm đoạn kết cho truyện ngắn, hoặc làm thơ, sáng tác truyện... Đó là một cách dạy mà có lẽ ngày nay ít thầy cô nào làm được. Nhà văn Cấn Vân Khánh Không bắt học sinh theo khuôn mẫu Giáo viên cần mạnh dạn bỏ lối dạy theo kiểu đọc chép, thầy cô là trung tâm mà để học sinh làm quen với hình thức thuyết trình. Không nên bắt học sinh theo khuôn mẫu, nếu các em cảm nhận chưa sâu sắc, chưa hay thì hướng dẫn chứ đừng chê bai dẫn đến e ngại”. Đinh Thị Ngọc Nhung |
Theo thanhnien