Học sinh phổ thông ngày càng giảm
Nhiều năm nay, số học sinh phổ thông giảm mạnh, trong đó nhiều nhất ở bậc THCS - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Vùng càng khó khăn, càng ít học sinh
Theo thông tin của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2007 - 2008 đến năm học 2012 - 2013, số trường phổ thông tăng hơn 1.000 (từ 27.900 lên 28.916 trường), số giáo viên (GV) tăng gần 56.000 (từ 791.858 lên 847.752 người) nhưng số học sinh (HS) lại giảm 1.052.376 em (từ 15.800.302 xuống còn 14.747.926).
Như vậy, bình quân mỗi năm cả nước tăng hơn 200 trường phổ thông, 11.000 GV nhưng giảm hơn 200.000 HS. Trong đó HS bậc THCS giảm mạnh là điều đáng lo ngại.
Qua việc tăng mạnh trường lớp và đội ngũ GV cho thấy nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục ngày càng lớn, nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân có cơ hội tiếp cận giáo dục. Nhưng mặt khác, số trường tăng, HS giảm kéo theo quy mô trường (số lớp/trường) và số HS/lớp nhiều vùng giảm mạnh, dẫn đến khó khăn trong việc nâng cao chất lượng và xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Đi thực tế một số vùng khó khăn, chúng tôi nhận thấy có những trường tiểu học chỉ 5 - 6 lớp hay trường THCS dưới 6 lớp và mỗi lớp cũng chỉ xấp xỉ 20 HS. Ở những trường này thiếu GV và cơ cấu không đồng bộ, có môn học chỉ có một hoặc không có GV nào. Vì vậy, khi GV nghỉ ốm thì học trò có thể nghỉ học luôn. Mặt khác, bản thân GV cũng khó nâng cao năng lực do không có đồng nghiệp cùng chuyên môn để góp ý hay học hỏi lẫn nhau.
Quy hoạch trường lớp chưa hợp lý
|
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trước hết do giảm mạnh đà tăng dân số; tình trạng người lao động ở những tỉnh kinh tế khó khăn thường dồn về các thành phố và khu công nghiệp; tình trạng ly hôn, ly thân gia tăng theo xu hướng của xã hội hiện đại... Những nguyên nhân trên đã trực tiếp hay gián tiếp làm cho số HS phổ thông giảm sút.
Theo báo cáo của Cục Thống kê, dân số nước ta thời điểm 1.4.2014 đạt 90.493.352 người, tỷ lệ tăng dân số dưới 1,3%, thấp nhất trong hàng chục năm qua. Về di cư, giai đoạn 2009 - 2014 có 3 vùng có tỷ suất di cư thuần âm (xuất cư lớn hơn nhập cư), đó là trung du và miền núi phía bắc; bắc trung bộ và duyên hải miền Trung; đồng bằng sông Cửu Long (có tỷ suất âm lớn nhất là -2,97%).
Một nguyên nhân khác là việc quy hoạch mạng lưới trường lớp của một số địa phương chưa được chú trọng hoặc đã đề ra nhưng chưa hợp lý, chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội. Một số tỉnh, thành đặt ra chỉ tiêu 100% các xã, phường, thị trấn có trường THCS. Chính vì vậy, việc thành lập trường THCS mới bằng mọi cách để đạt chỉ tiêu, mà không tính đến số HS đi học. Quy hoạch mạng lưới chưa hợp lý đã dẫn đến nhiều nơi thiếu nhưng lại có nơi thừa phòng học. Chẳng hạn, năm 2012 khi rà soát quy mô trường, lớp cho việc xây dựng quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhận thấy cả tỉnh thiếu hàng trăm phòng học đảm bảo dạy 2 buổi/ngày nhưng cũng thừa hàng trăm phòng học khác, có trường thừa hơn 20 phòng.
Sáp nhập trường, giảm trường quy mô nhỏ
Theo Cục Thống kê, tỷ lệ tăng dân số giai đoạn 2009 - 2014 là 1,3%/năm và giai đoạn 2014 - 2019 là 1,2%/năm. Tỷ lệ sinh giai đoạn 2009 - 2014 là 1,67%/năm và giai đoạn 2014 - 2019 là 1,55%. Trong giai đoạn vừa qua, tỷ lệ sinh cao nhưng HS vẫn giảm, do đó giai đoạn tới HS khó tăng đột biến và những vùng có tỷ suất di dân thuần âm vẫn chưa cải thiện được, nên những vùng này vẫn sẽ có tình trạng giảm sút HS.
Sáp nhập trường nhằm mục đích phát huy cơ sở vật chất, sắp xếp lại đội ngũ hợp lý hơn, giảm số cán bộ quản lý, nhân viên và có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục là một chủ trương đúng. Đây cũng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Như ở Anh, người ta đã nhập một số trường tiểu học hay THCS trên địa bàn thành một trường lớn gọi là học viện, mỗi học viện chỉ có một giám đốc và nhiều phó giám đốc. Hay ở TP.HCM, các trường tư thục có xu hướng nhiều bậc học và nhiều điểm trường khác nhau nhưng chỉ một hiệu trưởng.
Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135 đã nâng cấp về giao thông nông thôn, đồng thời Bộ chủ trương tin học hóa công tác quản lý là những điều kiện thuận lợi cho sáp nhập trường.
Việc quy định số HS tối thiểu cho một lớp trên phạm vi toàn quốc là rất khó, vì vậy Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn để các địa phương ra văn bản quy định cho vấn đề này. Với quy định số HS tối thiểu, giai đoạn đầu chắc chắn gặp khó khăn vì thừa GV nhiều nhưng về lâu dài sẽ đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững và có chất lượng của đội ngũ này. Nhu cầu tuyển GV có trình độ đại học trở lên để giảng dạy ở tất cả các bậc học từ giáo dục mầm non cho đến THPT là xu hướng chung của nhiều tỉnh, thành. Do đó, các trường đào tạo GV cần nắm bắt xu hướng này.
Trong quy hoạch phát triển giáo dục, nhiều địa phương đã có lộ trình sáp nhập đối với những trường quy mô lớp nhỏ và dự báo phát triển đội ngũ GV một cách hợp lý. Chủ trương này đã thực hiện ở một số địa phương như Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ và H.Bù Đăng, tỉnh Bình Phước...
Theo thanhnien