Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 11/12/2015

Học sinh không đọc gì ngoài sách giáo khoa!

Học sinh nông thôn ở Thái Bình đã có thói quen đọc sách nhờ Tủ sách phụ huynh ở mỗi lớp học - Ảnh: N.Q.Thạch
Học sinh nông thôn ở Thái Bình đã có thói quen đọc sách nhờ Tủ sách phụ huynh ở mỗi lớp học - Ảnh: N.Q.Thạch
Ngày 9.12, hội thảo Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng, do Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ VH-TT-DL tổ chức lần đầu tiên, đã xới lên nhiều vấn đề xung quanh việc đọc sách của học sinh (HS) hiện nay. Trong đó, nổi lên đề nghị cần coi trọng và dành thời gian cho trẻ đọc sách như việc học để thi.
Thư viện trường học chỉ là hình thức
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết đa số bạn trẻ ngày nay thờ ơ với việc đọc sách, đặc biệt khi những hình thức nghe nhìn khác lôi cuốn nhiều hơn là đọc.
Trong nhiều năm qua, HS nông thôn hầu như không có sách gì để đọc ngoài sách giáo khoa. Một số nguyên nhân đưa ra: Thu nhập gia đình thấp và cha mẹ không có thói quen đọc sách; sức ép do phải học tập quá nhiều; không có các hiệu sách đến cấp xã; hệ thống thư viện nhà trường và điểm bưu điện văn hóa xã yếu kém, hầu hết HS không được mượn sách về nhà; chương trình giáo dục chưa kích thích HS tìm kiếm tri thức ngoài sách giáo khoa; xã hội chưa ý thức được tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho con trẻ từ 4 - 15 tuổi.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Phó vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ VH-TT-DL, cho rằng thư viện được coi là “trái tim” của trường học nhưng chỉ tồn tại rất hình thức ở nhiều trường học của VN hiện nay. “Có HS còn nói với tôi, trường em khi có đoàn kiểm tra thì đi mượn cả giá sách đến bày ở thư viện, đoàn kiểm tra đi thì lại mang trả”, bà Ngà kể.
Ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn, đã tiến hành hơn 20.000 phỏng vấn cá nhân và tập thể trên 30 tỉnh thành trong 10 năm nghiên cứu thiết kế ra các mô hình tủ sách. Kết quả, mỗi HS nông thôn chỉ đọc 1 - 2 đầu sách ngoài sách giáo khoa trong năm học. Qua phỏng vấn nhiều thành phần xã hội từ năm 1997 đến nay và khảo sát 544 mẫu tại 3 xã An Dục, An Vũ, Đồng Tiến (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), ông Thạch cho biết: “Việc đọc sách của người dân nông thôn ở tuổi 18 trở lên, ngoại trừ công chức và hưu trí, nằm ở mức... 0”.
Kết quả thống kê của ông Nguyễn Quang Thạch phỏng vấn trên 3.000 người chủ yếu là độ tuổi từ 10 - 40, có 90% người chưa từng mượn sách ở thư viện nhà trường về nhà đọc.
Cần đưa vào chương trình như một môn học
 
 
Bình quân mỗi người VN đọc 2,8 cuốn sách
Theo Cục Xuất bản, Bộ VH-TT-DL, bình quân mỗi người VN đọc được 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo một năm, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong một báo cáo khác của Vụ Thư viện, người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, người thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách tới 44%, đọc thường xuyên chỉ chiếm 30%. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8 - 10% dân số.
 
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, người sáng lập CLB Đọc sách cùng con ở Hà Nội, cũng cho rằng trẻ em hiện không có thời gian dành cho việc đọc. Theo bà Thụy Anh, dù hô hào cho văn hóa đọc nhưng còn hiếm nhà trường hay phụ huynh chấp nhận một khoảng thời gian trong ngày cho phép trẻ đọc sách.
Bà Thụy Anh đề nghị: “Việc đọc cũng phải được tôn trọng như việc học và việc thi. Cần phải đưa vào chương trình như một môn học, nhưng không phải một môn văn thứ hai mà là một hoạt động riêng được xây dựng phương pháp và quy trình riêng để hướng dẫn các em tự đọc, tự khám phá”. Bà Thụy Anh cho rằng đọc sách sẽ khiến đứa trẻ tham gia vào quá trình tự học, tự đào tạo một cách tự nhiên nhất. Trước hết là mở rộng vốn từ, sử dụng các cấu trúc ngữ pháp nhuần nhuyễn.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Hoàng Sơn, thành viên Hội đồng tư vấn giáo dục Stem của tổ chức EduSpec, cho rằng cần đưa việc đọc sách vào trường học như một giờ học bắt buộc và giao việc thúc đẩy việc đọc sách của HS cho từng giáo viên.
Mô hình tủ sách phụ huynh
Từ thực tế đó, ông Nguyễn Quang Thạch đã có sáng kiến lập Tủ sách phụ huynh đặt tại các lớp học. Tủ sách được nghiên cứu thiết kế từ 2002 - 2007, áp dụng thực địa vào tháng 5.2010 tại Trường THCS An Dục (Quỳnh Phụ, Thái Bình).
Khi chưa có Tủ sách phụ huynh đặt trong lớp học, năm học 2009 - 2010, HS trường này đọc bình quân 0,4 cuốn sách từ thư viện nhà trường. Sau 5 tháng hoạt động, trong đó có 2 tháng hè, HS lớp 7A3 đã đọc 5 đầu sách/HS, do đó phụ huynh 8 lớp còn lại đã cùng nhà trường xây dựng 8 tủ sách cho con của mình. Hiện Trường THCS An Dục có 9 tủ sách với hơn 2.000 đầu sách khác nhau. Sau 5 năm hoạt động, bình quân mỗi HS đọc 30 đầu sách/năm.
Từ hiệu quả Tủ sách phụ huynh ở Trường THCS An Dục, vào tháng 12.2011, Phòng GD-ĐT H.Quỳnh Phụ đã ra quyết định nhân rộng tủ sách phụ huynh đến tất cả các lớp học tiểu học và THCS trên toàn huyện. 12 tháng sau, cùng với sự hỗ trợ của chương trình Sách hóa nông thôn, phụ huynh và các nhà trường đã xây dựng được 905 tủ sách. Tháng 1.2014, Sở GD-ĐT Thái Bình có quyết định nhân rộng Tủ sách phụ huynh ra toàn tỉnh.
Theo thanhnien
In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready