Hiểu về bản thân để chọn đúng nghề
Giáo viên Trung tâm Giáo dục Thường xuyên thị xã Buôn Hồ tư vấn học sinh lớp 12 đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào đại học
Thực tế giảng dạy bậc đại học cho thấy, có không ít sinh viên tỏ ra thất vọng với ngành nghề mình đang theo học mà nguyên nhân cơ bản là do sự thiếu hiểu biết về bản thân và ngành nghề mà họ đã lựa chọn. Và khi tốt nghiệp đại học, nhiều người lúng túng khi tìm kiếm việc làm, dễ chấp nhận những công việc hoàn toàn không phù hợp, thậm chí trái ngành nghề đã được đào tạo. Hơn thế nữa là hiện tượng "liên thông ngược", khi các cử nhân, kỹ sư thậm chí là thạc sĩ phải giấu bằng đi làm việc lao động phổ thông hoặc đến trường học nghề để tìm việc làm.
Vậy thì câu chuyện hướng nghiệp nên bắt đầu từ đâu và khi nào? Dường như việc gia đình và nhà trường chờ đến năm cuối bậc THPT rồi mới hướng nghiệp là đã muộn. Bởi lẽ, để học sinh xác định rõ mình có năng lực gì, hứng thú với công việc nào và ước mong trở thành mẫu người như thế nào trong tương lai là quá trình diễn ra trong thời gian dài; từ đó mới có thể xác định được nghề nghiệp mà mình hướng tới, con đường mà mình sẽ đi. Việc phụ huynh thường chọn trường cho con để đăng ký dự tuyển rồi mới chọn nghề có vẻ như đang đi ngược lại với quá trình hướng nghiệp thực sự.
Trong việc định hướng nghề nghiệp, cha mẹ, thầy cô lắng nghe nguyện vọng, sở thích của con và đưa ra những đánh giá, hiểu biết của cha mẹ, thầy cô về khả năng và thế mạnh của con, về cơ hội nghề nghiệp và sự hiểu biết về nhu cầu thị trường lao động là việc làm cần thiết. Nhưng trên hết là việc khuyến khích, hỗ trợ học sinh tự xác định năng lực bản thân và ước mơ của đời mình. Cá nhân cần hiểu đúng về bản thân mới có thể chọn đúng nghề, làm đúng việc. Đó là điều mà xã hội nào cũng cần.
Theo baodaklak