Gieo chữ ở Noh Prông
Thôn Noh Prông nằm cách trung tâm xã Hòa Phong hơn 10 km. Thôn hiện có 409 hộ, 2.436 khẩu, gần 100% dân số là người đồng bào dân tộc Mông các tỉnh phía Bắc di cư ngoài kế hoạch vào từ những năm 1990. Để đến được với thôn Noh Prông, từ trung tâm xã Hòa Phong, chúng tôi mất tới hơn 30 phút băng qua những đoạn đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, chằng chịt ổ gà, ổ voi bụi mù mịt. Chúng tôi càng thót tim khi đi qua cây cầu bắc qua sông Krông Ana được ghép tạm bợ bằng gỗ, tre, nứa do người dân nơi đây tự làm. Mỗi lần có xe chạy qua, những tấm gỗ rung lên bần bật như muốn hất phăng người xuống sông. Vừa đi, cô Phan Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Phong vừa động viên: “May mắn cho các anh vì mấy hôm nay trời nắng nên đường sá đi lại thuận lợi thế đấy. Chứ vào mùa mưa lũ thì chỉ có cách gửi xe ở ngoài đường (Tỉnh lộ 12) rồi lội bộ vào thôi”.
Giáo viên tận tụy hướng dẫn HS lớp 1 tập viết tại điểm trường Noh Prông. |
Điểm trường tại thôn Noh Prông được thành lập từ năm 2001 gồm 3 cấp học: mẫu giáo, tiểu học và THCS cùng nằm tại một địa điểm. Hằng năm, các trường sẽ cắt cử luân phiên giáo viên vào thôn phụ trách việc dạy học. Điểm trường tại thôn Noh Prông hiện có 4 phòng học kiên cố dành cho học sinh (HS) khối THCS và 9 phòng học tạm bằng gỗ dành cho HS khối Mầm non và Tiểu học. Số lượng HS theo học tại điểm trường này tổng cộng có 726 em, chiếm gần 1/3 dân số của toàn thôn. Dẫn chúng tôi tham quan các lớp học, cô Phan Thị Hoa tâm sự: “Điều kiện cơ sở vật chất ở đây còn khó khăn lắm. Phòng học thì dựng bằng gỗ chật hẹp, bàn ghế cũ kỹ. Mùa hè thì gió lùa vào khiến lớp bụi từ nền đất bay mù mịt. Vào mùa đông, rét buốt luồn qua những khe vách khiến cả thầy và trò đều lạnh thấu xương”. Tuy khó khăn, gian nan vậy nhưng các thầy, cô giáo nơi đây vẫn không nản chí mà càng thêm quyết tâm, cố gắng. Cái khó đối với những người “gieo chữ” ở Noh Prông là việc vận động học sinh tới trường. Trong số 726 em của 12 lớp tại điểm trường Noh Prông thì gần như tất cả là người dân tộc Mông. Vì nơi đây còn nghèo, người dân chưa thực sự coi trọng cái chữ nên HS bỏ học thường xuyên. Bởi vậy, giáo viên phải đến tận nhà nói chuyện, tìm hiểu nguyên nhân rồi khuyến khích các em đến lớp bằng nhiều cách.
Cô Nguyễn Thị Sáu, giáo viên Trường Mẫu giáo Hòa Phong chia sẻ: “Người ta vẫn bảo chúng tôi làm nghề cõng chữ lên non, mang cái chữ đến gần hơn với người dân vùng sâu, ươm mầm ước mơ cho thế hệ trẻ chẳng sai. Không có cái chữ, đời sống văn hóa, tinh thần của họ kém phát triển dẫn đến nhiều hệ lụy, thế rồi cứ nghèo nàn, lạc hậu mãi”. Được biết, cô Sáu đã có hơn 25 năm công tác, trong đó gắn bó với Noh Prông cũng đã được 13 năm. Chính bản thân cô cũng không nghĩ đã vượt qua bao nhiêu khó khăn để gắn bó với con chữ nơi này. Cô Sáu kể: Do đường sá đi lại khó khăn, thôn ở xa trung tâm xã nên từ sáng sớm các thầy cô đều chuẩn bị cơm trưa mang theo để buổi chiều còn dạy tiếp. Hầu như những thầy cô được phân công dạy ở Noh Prông, sau khi quay trở ra ai cũng đều có vài vết sẹo làm “kỷ niệm” do đường trơn té ngã. Thầy Y Thông, giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Phong nhớ lại: “Một ngày đầu năm học 2013-2014, trời mưa rất to, tôi và một số giáo viên vẫn tới lớp. Đến đoạn di chuyển qua cây cầu tạm bắc qua sông Krông Ana ai nấy đều rất run sợ vì cầu này vào mùa mưa thường bị nước cuốn trôi. Tôi chạy xe máy đến giữa cầu thì bị rơi cả người và xe xuống sông. Rất may, lúc đó tôi được người dân phát hiện kịp thời và cứu vớt”. Tuy khó khăn, gian nan là thế nhưng chưa một lần nào thầy Y Thông có ý định rời xa điểm trường thôn Noh Prông. Suốt 13 năm qua, thầy vẫn miệt mài gieo chữ, đem tình yêu thương và kiến thức truyền dạy cho bao thế hệ học trò nơi đây…
Còn cô giáo trẻ Trần Thị Thanh Thuyên (SN 1988), giáo viên Trường Mẫu giáo Hòa Phong thì tâm sự: “Thời gian đầu khi mới vào đây, chúng tôi sợ và buồn lắm. Con đường mòn thì hun hút, nhìn đâu cũng chỉ thấy đồi núi, khi ấy tôi chỉ muốn bỏ việc để về nhà. Nhưng rồi, nhìn ánh mắt thơ ngây của các em, ngày ngày đi học bằng chân đất, áo quần lấm lem nhưng vẫn chăm chỉ đến trường thì những khó khăn vất vả của chúng tôi hầu như tan biến thay vào đó là sự thương cảm. Tôi đã quyết định gắn bó với Noh Prông”.
Theo thầy Nguyễn Hữu Thế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Phong thì các thầy, cô giáo ở Noh Prông vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học thiếu thốn, trình độ nhận thức của các em HS hạn chế ... Nhưng cái khó khăn nhất đối với các thầy cô giáo nơi đây chính là chuyện đi lại. Nguyện vọng chính đáng và cấp bách không chỉ đối với các các thầy, cô giáo mà là của bà con trong thôn Noh Prông là chính quyền địa phương sớm hoàn thiện đường liên thôn vào thôn và xây dựng cầu treo Noh Prông để cho người dân qua sông an toàn, thầy và trò không phải lo lắng mỗi khi nước lũ về…
Theo baodaklak