Thứ sáu, ngày 03 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 18/09/2014

Gần 75% phụ huynh cho con học thêm - Có thể làm khác?

>> Gần 75% phụ huynh cho con học thêm

Vừa tiện cho mẹ vừa dễ cho con

Chiều nào cũng vậy, hơn 16 giờ, con tan học là chị H.Y chờ đón sẵn ở cổng Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) với đồ ăn lót dạ cho bé rồi chở luôn đến nhà cô giáo chủ nhiệm học thêm.

 

 

Trong một lần tâm sự, chị nói: “Cháu mới lớp 1, không muốn cho đi học thêm đâu nhưng giờ con tan học mà mẹ thì chưa thể tan làm. Cũng mấy lần đón cháu về cơ quan để chờ về chung nhưng thấy phiền đồng nghiệp quá. Nhưng điều làm mình đi đến quyết định này là buổi tối cháu không tập trung cho việc học. 19 giờ phải ngồi kèm và thúc giục cho đến lúc ngủ mới xong trong khi bây giờ học với cô giáo thì 18 giờ 30 là xong hết, về nhà chỉ việc ăn cơm rồi nghỉ ngơi. Vừa tiện việc làm của mẹ mà việc học cũng giải quyết ổn thỏa”.

Đây cũng là tình trạng của nhiều gia đình. Trong buổi họp phụ huynh mới đây ở Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM, cô giáo lớp 1 cho rằng với sức học của các bé trong lớp, cô nghĩ không cần phải học thêm. Hơn nữa, theo giáo viên, buổi tối trẻ thích học với cha mẹ hơn. Thế nhưng cô vừa dứt lời, một phụ huynh đã phát biểu rằng 17 giờ mới hết giờ làm trong khi 16 giờ 30 con đã xong giờ học. Con vật vờ đợi mẹ, về nhà cơm nước đến tối 19 giờ bắt đầu cho con học, loay hoay cũng đến 22 giờ. Cả mẹ và con đều mệt mỏi nên nhờ cô xin phép hiệu trưởng mở lớp dạy thêm sau giờ học để vừa gửi con vừa nhờ cô giúp con giải quyết bài về nhà.

Ông Từ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM, thừa nhận thực trạng này. Ông cho biết: “Công chức cũng phải hơn 17 giờ mới tan sở trong khi đó ở trường tiểu học, thường 16 giờ là học sinh ra về. Thời gian không có, nên phụ huynh đưa con vội đến nhà giáo viên học thêm rồi đi làm tiếp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm”.

Kiến thức quá nặng cho một học sinh tiểu học

Cũng cố gắng cầm cự không cho con đi học thêm trong 2 năm đầu bậc tiểu học nhưng đến khi con vào lớp 3, chị T.T (có con học Trường tiểu học Phan Văn Trị, Q.1) đành phải “xé rào”. Lý giải cho quyết định này, phụ huynh nói: “Một lần hướng dẫn cháu làm bài tập toán lớp 3 nhưng cháu không chịu và nói con chưa học kiểu này. Do vậy tôi chủ động đề nghị với giáo viên chủ nhiệm và cùng một số phụ huynh khác thành lập nhóm học thêm”. Đến bây giờ con của chị T.T đã lên lớp 4 và chị quả quyết: “Cũng may là cho cháu đi học từ lớp 3 để lấy đà chứ kiến thức lớp 4 tôi thấy quá nặng cho một học sinh tiểu học. Ví dụ, yêu cầu học sinh làm bài tập làm văn có độ dài 3 trang giấy tôi thấy không phù hợp”.

Qua nhiều lần tiếp xúc với phụ huynh học sinh các trường tiểu học: Chu Văn An (Q.1), Nguyễn Văn Trỗi (Q.4)..., chúng tôi nhận thấy việc phụ huynh cho con đi học thêm là rất phổ biến.

Trong quá trình khảo sát về tình hình dạy thêm, học thêm ở nhiều trường tiểu học tại TP.HCM, phóng viên Thanh Niên đã ghi nhận được rất nhiều ý kiến từ phía phụ huynh. Anh Nguyễn Văn Nam, phụ huynh có con học lớp 4 tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) cho biết: “Các chuyên gia nói chương trình giảm tải, không nặng. Nhưng đứng từ phía phụ huynh sẽ thấy có những bài toán lớp 4 mà người có trình độ trên lớp 12 như tôi cũng không thể nào dạy con được. Mặt khác, có những bài toán tôi dạy con ra kết quả đúng, nhưng theo phương pháp của nhà trường thì cách chỉ của tôi không được chấp nhận. Vậy thì thử hỏi, làm sao không cho con đi học thêm được”.

Vì thế, có thể nói dù Bộ GD-ĐT cấm nhưng rất nhiều phụ huynh vẫn cho con học thêm từ bậc tiểu học. Có người cho rằng để con học thêm sẽ yên tâm hơn vì kiến thức chương trình nặng quá. Cũng có người nói: “Mục đích cho con học thêm là để đạt thành tích cao, dễ xét tuyển cho con vào cấp 2 ở những trường tốt”…

Một giáo viên ở Q.Bình Tân (TP.HCM) cho biết: “Phụ huynh học sinh của tôi phần đông là cán bộ công nhân viên, họ ít ra cũng đều tốt nghiệp đại học. Họ năn nỉ tôi dạy là vì họ không thể chỉ con học bài hoặc làm bài được, nhất là ở môn toán”. Nói về vấn đề này, bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), nhận định: “Với phụ huynh, họ thường dạy con giải theo cách miễn ra đáp số là được. Trong khi đó, giáo viên yêu cầu học sinh phải giải theo phương pháp của sách giáo khoa. Nghĩa là đưa bài toán về dạng mà sách giáo khoa yêu cầu: dạng tổng - tỉ hoặc hiệu - tỉ chẳng hạn”.

Sợ giáo viên… đì

Bên cạnh đó, vẫn có những phụ huynh phản ánh, bằng nhiều cách, nhiều giáo viên luôn gợi ý để phụ huynh cho con em đi học thêm.

Năm học nào, phóng viên Thanh Niên cũng tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi của phụ huynh phản ánh con em họ bị giáo viên ép phải học thêm. Có phụ huynh khóc trong điện thoại khi phản ánh tình trạng một giáo viên đã cho bài kiểm tra và nói với học sinh: “Chỉ có ai đi học thêm mới làm được”.  Hoặc giáo viên gửi thư ngỏ về cho phụ huynh thông báo mở lớp dạy thêm ngay tại trường dù học sinh chỉ mới vào lớp 1.

Nguyên Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Bình (TP.HCM) cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến dạy thêm, học thêm ngay từ bậc tiểu học. Vị này nói: “Cha mẹ nào cũng muốn con học giỏi, sợ thua kém con người khác nên không còn cách nào khác là cho con đi học thêm. Bên cạnh đó, cũng có gia đình không muốn nhưng do tâm lý muốn lấy lòng giáo viên, sợ giáo viên “đì” nên bắt buộc cho con đi. Vì vậy dạy thêm, học thêm trở thành phong trào, hiện tượng xã hội”.

Còn nguyên hiệu trưởng một trường THPT chuyên thì cho rằng: “Gốc vẫn là chương trình và cách đánh giá. Dựa trên chương trình, giáo viên thường đặt yêu cầu quá cao cho một học sinh trong khi lẽ ra chỉ cần trong một chừng mực chính. Vì vậy dẫn đến học sinh, phụ huynh sợ sệt rồi một số giáo viên đưa ra hình thức trấn áp”.

Thanh tra chỉ để đối phó

Nhiều địa phương như TP.Đà Nẵng, TP.Vũng Tàu  có nhiều động thái quyết liệt trong việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm - học thêm tràn lan nhưng chính những người đi thanh tra cũng thừa nhận  cấm chỗ này thì mọc chỗ khác.

“Trên lục đục triển khai kiểm tra thì dưới đã biết”

Từ đầu năm 2013, UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành Quy định số 13/2013/QĐ-UBND về quản lý dạy thêm, học thêm.  Qua kiểm tra, đã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với 6 cơ sở; phạt tiền và đình chỉ hoạt động với 14 cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường… Việc xử lý mạnh tay các vi phạm đối với quy định dạy thêm của UBND TP.Đà Nẵng phần nào giảm thiểu được hiện tượng dạy thêm tràn lan. “Nhưng nói ở Đà Nẵng có còn dạy thêm trái quy định, nhất là hiện tượng học sinh tiểu học vẫn phải đi học thêm có hay không, tôi khẳng định là còn, không phải là tuyệt đối hết”, ông Nguyễn Xuân Anh, Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định với phóng viên Thanh Niên.

Nói về tình hình thanh kiểm tra hoạt động dạy thêm học thêm, bà Nguyễn Thị Thừa, Phó chủ tịch UBND Q.Hải Châu (nơi được xem dạy thêm, học thêm “nóng” nhất của TP) cho biết: “Tôi thấy việc kiểm tra hiện còn rất nặng tính đối phó. Những đợt thanh, kiểm tra dạy thêm, trên lục đục triển khai kiểm tra ra sao thì dưới đã biết và tạm yên ắng một thời gian, rồi sau lại tiếp tục. Việc dạy thêm trên địa bàn cũng diễn tiến muôn hình, muôn vẻ, không dễ để nắm bắt”.

Ông Nguyễn Xuân Anh khẳng định không hề cấm dạy thêm học thêm, nhưng phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định. “Dạy thêm là nhu cầu thực tế của phụ huynh, học sinh. Nhưng cũng như những ngành nghề khác, dạy thêm phải đảm bảo đúng những yêu cầu chặt chẽ ngành giáo dục đặt ra”,  ông Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh. Mục tiêu đặt ra của lãnh đạo TP là đến năm 2016, 100% học sinh tiểu học Đà Nẵng sẽ được học 2 buổi một ngày. “Tôi nghĩ, có vậy thì vấn đề dạy thêm, nhất là bậc tiểu học trên địa bàn TP sẽ giảm thiểu được rất nhiều”, ông Xuân Anh nói.

Đổi lịch học liên tục để tránh thanh tra

Ông Võ Văn Lương, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu, cho biết để tránh tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, phòng đã tham mưu cho UBND TP.Vũng Tàu ban hành nhiều công văn quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra công khai.

Ông Lương cho biết việc bắt quả tang dạy thêm, học thêm rất khó vì nếu đi bằng xe ô tô của thành phố hoặc xe gắn máy khi kiểm tra đều bị lộ. Các giáo viên tổ chức dạy thêm đều có “vệ tinh” báo từ xa, thấy động là giáo viên giải tán lớp ngay. Để kiểm tra các điểm dạy sai quy định, đoàn kiểm tra phải thuê xe taxi.

Tuy nhiên, các giáo viên cũng đủ chiêu để qua mặt lực lượng kiểm tra. Các giáo viên thuê nhiều địa điểm của nhà dân và không có lịch học ổn định. Lúc thì cho học sinh học chỗ này nhưng mai thì đổi nơi khác và giáo viên thông báo qua điện thoại lịch học cho phụ huynh biết... “Hầu hết các địa điểm này có phòng học rất ẩm thấp, tăm tối, không đủ điều kiện dạy và học. Giáo viên thuê người canh gác rất cẩn thận”, ông Lương nói.

Một cán bộ Phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu kể: “Có lần đoàn đến trước một địa điểm dạy thêm, thấy bên ngoài có khoảng 40 đôi dép của học sinh tiểu học nhưng khi gọi cửa thì không ai chịu mở. Đến lúc lực lượng công an can thiệp thì người bên trong mới chịu mở cửa. Đoàn thanh tra hỏi ai tổ chức dạy thì cô bảo mẫu đứng ra nói là mình mở lớp chỉ trông giữ trẻ chứ không dạy học để cho cô giáo tổ chức dạy thêm trốn bên trong nhà vệ sinh. Đoàn hỏi các em học sinh thì các em cũng nói tên cô bảo mẫu mà không khai ra tên cô giáo. Chỉ khi đoàn mời cô bảo mẫu ra ngoài thì các em mới nói thật tên cô giáo dạy các em đang trốn trong nhà vệ sinh...”. Nhiều cô giáo khác thì thuê hẳn giáo viên dạy các môn năng khiếu để đối phó với đoàn thanh tra (quy định chỉ cấm giáo viên dạy văn hóa chứ không cấm dạy các môn năng khiếu).

Quy định còn nhiều bất cập

Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, việc quản lý dạy thêm, học thêm còn nhiều điều bất cập. Trong khi Quyết định 13 của UBND TP về quản lý dạy thêm, học thêm thắt chặt hoạt động dạy thêm của giáo viên, cơ sở giáo dục trong ngành thì các trung tâm gia sư, dịch vụ môi giới lại không thuộc đối tượng áp dụng nên hoạt động thanh tra, kiểm tra có nhiều khó khăn. Cùng quan điểm, ông Võ Văn Lương, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu, cho rằng việc để Sở GD-ĐT cấp phép cho một số cơ sở bồi dưỡng văn hóa theo chương trình từ lớp 6 THCS trở lên đã tạo kẽ hở cho các cơ sở tổ chức cho giáo viên không đủ điều kiện tham gia dạy thêm, cho giáo viên dạy thêm mà không tuân thủ các quy định về nội dung, chương trình, kế hoạch dạy học. Điều này gây khó khăn trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra của Phòng GD-ĐT. Một bất cập khác là quy định giáo viên giỏi mới được dạy thêm là chưa phù hợp. Vì sinh viên mới ra trường chưa có việc làm, giáo viên nghỉ hưu không còn dạy học thì lấy đâu ra chứng chỉ giáo viên giỏi. Đối tượng này không đủ điều kiện được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường nên cũng gây bức xúc cho họ.

Bà Nguyễn Thị Thừa, Phó chủ tịch UBND Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) nhìn nhận: “Cũng cần phải xem xét thấu đáo việc dạy thêm học thêm, bởi chúng ta cấm giáo viên đủ chuẩn dạy thêm, trong khi các trung tâm thì lại thuê sinh viên mới ra trường, chưa đủ kinh nghiệm điều kiện để đứng lớp dạy cho học sinh, vậy thì sẽ bất lợi cho học sinh rất nhiều” .

Ngoài ra, theo ông Võ Văn Lương, nhu cầu học thêm ở bậc tiểu học là có thật. Ông Lương cho biết có nhiều phụ huynh đi làm ở trung tâm hành chính tỉnh cách Vũng Tàu hơn 20 km nên không có điều kiện về đưa đón con. Các phụ huynh cần có chỗ để gửi con cho an tâm, nên gửi vào nhà cô giáo để học thêm, vừa là để quản lý con nhưng theo quy định là không được. Lãnh đạo TP.Đà Nẵng cũng cho rằng thực tế không ít phụ huynh có nhu cầu cho con được học thêm, nhất là đối với những học sinh tiểu học nhưng không học bán trú.

Theo thanhnien.vn

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready