Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 12/07/2017

Dự báo điểm chuẩn ĐH, CĐ: tốp trên tăng, tốp giữa ít dao động

Dự báo điểm chuẩn ĐH, CĐ: tốp trên tăng, tốp giữa ít dao động

Thí sinh trao đổi bài thi sau khi thi xong môn toán kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại điểm thi trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Có hai điểm nổi bật trong những dự báo này là điểm chuẩn các trường tốp trên sẽ tăng và điểm các trường tốp giữa không dao động nhiều lắm.

Điểm chuẩn sẽ tăng

Ông Phạm Thái Sơn - phó giám đốc trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho rằng năm 2017 số lượng thí sinh điểm cao nhiều hơn năm 2016 trong từng khối.

“Tôi cho rằng năm nay ở các trường tốp trên, mức điểm các khối từ 25 điểm trở lên sẽ tăng nhưng không quá đột biến, khoảng dưới 2 điểm.

Các trường ở mức 17 - 21 điểm sẽ ổn định và các ngành ở mức 21 - 25 điểm sẽ không tăng nhiều quá 1,5 điểm. Nếu có tăng cao hơn thì chỉ xảy ra ở một số ngành cực nóng ở các trường” - ông Sơn giải thích.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Minh Hà - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM - cho rằng điểm chuẩn các trường tốp trên sẽ tăng, do số lượng điểm 9-10 năm nay tăng so với năm trước. Trong đó, tăng mạnh nhất có thể là các ngành khối y dược.

Trong khi đó, dự kiến điểm chuẩn các trường tốp giữa sẽ dao động trong khoảng 18 - 21 điểm và ít có khả năng tăng, nếu có cũng không nhiều.

“Tổng quan phổ điểm năm nay cho thấy tỉ lệ thí sinh dưới trung bình vẫn nhiều, điểm tập trung quanh mức 4 - 7 điểm. Do đó, nguồn tuyển của các trường tốp giữa vẫn tập trung vào phân khúc này” - ông Hà nhận định.

Còn ThS Trương Tiến Sĩ - Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - lại cho rằng điểm chuẩn nhiều trường sẽ tăng 1 - 4 điểm, thậm chí nhiều hơn. Lý giải về nhận định này, ông Sĩ cho biết so sánh phổ điểm theo các khối thi giữa năm 2016 và 2017 có thể thấy điểm thi năm 2017 tăng rất mạnh.

Tương tự, PGS.TS Lê Thị Thu Thủy - phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương - cho rằng điểm chuẩn trường tốp trên có thể tăng nhẹ. Bà Thủy phân tích: “Điểm thi năm nay được đánh giá cao, nhưng lưu ý rằng điểm chuẩn các trường tốp trên các năm trước cũng đã ở mức rất cao rồi, nên khó có biến động đặc biệt.

Với những ngành điểm chuẩn các năm trước đã cao, năm nay nếu điểm chuẩn tăng thì cũng tăng rất nhẹ, không thể tăng thêm 1,5 - 2 điểm như nhiều người dự đoán. Tuy nhiên, với những ngành, trường có mức điểm chuẩn hằng năm ở tốp giữa thì điểm chuẩn năm 2017 có thể có biên độ giãn rộng hơn”.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - dự báo điểm chuẩn các trường sẽ tăng 1 - 3 điểm tùy ngành...

Nhiều trường lên phương án dùng 
tiêu chí phụ

Trước lo ngại nhiều thí sinh đạt mức điểm bằng nhau, nhiều trường đã lên phương án dùng tiêu chí phụ để xét tuyển thí sinh vào trường.

TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - nói: “Năm nay thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, phần lớn đều đã đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành, trường yêu thích nhất.

Nếu không trúng tuyển nguyện vọng đầu, thí sinh sẽ được xét các nguyện vọng tiếp theo. Vì vậy, sẽ không có nhiều xáo trộn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lo ngại xảy ra tình trạng có quá nhiều thí sinh đạt mức điểm bằng nhau”.

Cũng theo ông Thông: “Nhà trường đã công bố tiêu chí phụ để xử lý tình huống trên, là ưu tiên thí sinh có điểm môn toán cao hơn. Sau khi áp dụng tiêu chí phụ mà vẫn còn thí sinh trùng điểm nhau ở mức điểm chuẩn thì trường sẽ tiếp nhận hết số thí sinh này và giảm chỉ tiêu ngành khác để đảm bảo không vượt tổng chỉ tiêu tất cả các ngành”.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - dự báo với tổng số điểm 10 năm nay tăng đột biến như vậy, chắc chắn tổng điểm ba môn thi của tổ hợp xét tuyển cũng sẽ cao. Và chắc chắn ở những ngành nóng, điểm chuẩn sẽ cao hơn năm ngoái.

Vì vậy, nhiều khả năng sẽ xảy ra tình huống có nhiều thí sinh đạt cùng mức điểm. “Trong đề án tuyển sinh, nhà trường đã tính đến phương án lựa chọn thí sinh, trường hợp có nhiều thí sinh đồng điểm nhau, để tuyển không vượt chỉ tiêu” - ông Khôi nói.

Theo ông Khôi, Trường ĐH Y dược TP.HCM áp dụng lần lượt theo thứ tự hai giải pháp để chọn thí sinh trúng tuyển, trong số các thí sinh cùng điểm ở mức điểm chuẩn: dựa vào điểm môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT.

Nếu số thí sinh được chọn ở bước này vẫn vượt quá chỉ tiêu dự kiến, các thí sinh đạt ở bước 1 này sẽ được xét tuyển tiếp theo bước 2. Đó là dựa vào kết quả thi THPT các môn sau để xét tuyển từ cao xuống thấp: môn hóa học cho ngành dược học, môn sinh học cho các ngành còn lại.

“Đừng thấy điểm cao vội điều chỉnh vào ngành không sở trường”

ThS Nguyễn Văn Đương, phó trưởng phòng phụ trách phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết trong đề án tuyển sinh, nhà trường đã công bố tiêu chí phụ để xử lý tình huống khi có nhiều thí sinh trùng điểm nhau, là ưu tiên thí sinh có điểm môn toán cao hơn.

Nếu sau khi xét tiêu chí phụ môn toán vẫn còn nhiều thí sinh trùng điểm, trường sẽ tiếp tục xét chọn thí sinh có điểm môn tiếng Anh cao hơn.

“Năm nay tổng chỉ tiêu của trường là 4.400. Nhà trường xác định điểm chuẩn chung cho tất cả các ngành, nên không đáng quan ngại tình huống thí sinh trùng điểm.

Tôi khuyên các em đã đăng ký nguyện vọng học ngành mình thực sự yêu thích thì nên theo đuổi ngành đó, không nên thấy điểm cao mà vội điều chỉnh nguyện vọng vào ngành không phải sở trường của mình”- ông Đương nói

“Kết quả điểm thi cao đều. Nhưng thí sinh đừng nghĩ mình đạt điểm cao liền vội vàng thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Trường hợp thí sinh có kết quả thi đạt được chênh lệch đột biến so với mức điểm dự kiến trước đó từ 4-5 điểm thì mới nên nghĩ đến chuyện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển

ThS Hứa Minh Tuấn(phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing)

 Theo tuoitre

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready