Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
Cập nhật lúc: 17/11/2017

Đổi mới giáo dục – Nhìn từ góc độ người thầy

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS,TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân cho biết, tọa đàm được tổ chức trong dịp cả nước đang hướng tới kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Trong cả chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, người thầy luôn luôn ở vị trí hết sức trang trọng. Và giá trị người thầy trong xã hội không chỉ là việc nâng cao tri thức mà còn là điểm tựa tinh thần, đạo đức của xã hội trong những giai đoạn có sự chuyển đổi, giao thoa.

Mặt khác, trong sự phát triển chung của đất nước đặt ra yêu cầu cao hơn đối với giáo dục như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sự giao thoa triết lý giáo dục… thì vai trò của người thầy càng trở nên quan trọng. Nhưng xác định một cách đầy đủ, tôn vinh, phát huy được giá trị của người thầy đang là thách thức trong chiến lược giáo dục cũng như nỗ lực của từng nhà trường, từng cơ sở giáo dục và cũng là nỗ lực của từng cá nhân người thầy trong môi trường cụ thể. Nhất là việc sử dụng, đãi ngộ đối với người thầy còn những bất cập; quyền lực của người đứng đầu nhà trường là rất lớn...

Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chia sẻ quan điểm về vai trò của người thầy trong đổi mới giáo dục. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, trong không khí của những ngày 20-11, người thầy được ví với nhiều hình ảnh đẹp, như người đưa đò, người nuôi dưỡng tâm hồn… Khi xã hội tôn vinh, dành những tình cảm tốt đẹp cho người thầy thì chính điều đó đã khẳng định vai trò của người thầy trong xã hội.

Chúng ta đang chuẩn bị cho cuộc đổi mới của ngành giáo dục. Đó là sự thay đổi rất lớn, căn bản, chuyển từ việc truyền thụ kiến thức sang việc đào tạo những con người có phẩm chất, năng lực, tiếp cận với yêu cầu hiện hữu là nguồn nhân lực có chất lượng không chỉ phục vụ trong đổi mới trong nước mà còn cạnh tranh với nguồn nhân lực chất lượng cao các nước khác. Rõ ràng vai trò, định hướng của người thầy không chỉ để học trò có kiến thức, kỹ năng mà còn có phẩm chất, năng lực. Do đó, vai trò của người thầy trong thời điểm này là rất quan trọng.

Bàn về vai trò người thầy trong đổi mới giáo dục, TS Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhìn nhận: Ở góc độ quản lý nhà nước, tiến trình đổi mới giáo dục không chỉ bắt đầu từ bây giờ mà đã có lộ trình từ Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ ra đường lối rất rõ. Chúng tôi nhìn nhận vai trò của người thầy, khái quát ở góc độ người quản lý có 3 vấn đề:

Thứ nhất, trong bối cảnh đổi mới hiện nay, người thầy tham gia trực tiếp trong quá trình thiết kế hệ thống chính sách, những quyết sách, tham gia ý kiến vào những vấn đề cụ thể như chương trình phổ thông mới, tham gia vào quá trình thẩm định chương trình chi tiết, tham gia vào quá trình viết SGK… Đây là sự đổi mới rất mạnh mẽ, bởi tôi cũng người trưởng thành từ giáo viên từ những năm 80, thì gần như không có những cơ hội như thế này, mà chỉ đón nhận để chuyển tải. Còn hiện nay, người thầy trực tiếp tham gia vào các lộ trình, các khâu chuỗi của quá trình đổi mới.

Thứ hai, người thầy trực tiếp thực thi và chuyển tải, với một cách sáng tạo của bản thân mình để rồi mới có được những học sinh phát triển phẩm chất năng lực theo nghĩa là tự sáng tạo bản thân thông qua hoạt động được thầy cô giáo gợi mở.

Thứ ba, là vai trò phản biện lại, bởi có sự thông thoáng về thông tin, rất nhiều cơ hội để trao đổi, ngay cả chúng tôi trong quá trình, trong lộ trình đổi mới đã nhận được nhiều phản biện có giá trị, tích cực của người trong cuộc để tiếp tục điều chỉnh chính sách.

Trong khi đó, theo GS, TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, cách đây hơn 1 tháng tôi có trình bày rất rõ về giá trị của người thầy trong giáo dục. Nhìn ra giá trị này là một quá trình vừa dễ, vừa khó. Dễ ở việc nhìn thấy giá trị của họ, khó ở chỗ là hoạch định chính sách để làm cho giá trị ấy được phát huy một cách đầy đủ. Theo ông, như nước Anh, Mỹ, Đức... rất thành công trong chính sách với giáo viên. Thế nhưng, đến giai đoạn này còn nhận ra thất bại, đó là chất lượng giáo dục phổ thông thua một số nước. Và khi đó họ tìm ra nguyên nhân là thua về chính sách giáo viên. Và vì thua về chính sách giáo viên thì thua về chất lượng giáo dục so với nước nghèo hơn. Người ta nhìn thấy thất bại và sửa chữa ngay để từ đó học sinh nhìn ra được giá trị của người thầy, phụ huynh nhìn ra được giá trị của người thầy.

“Chúng ta luôn nói “không thầy đố mày làm nên”. Vì vậy, đã đến lúc cần phải rà soát những bất cập, vướng mắc và có chính sách đột biến về đãi ngộ vật chất cho nhà giáo phù hợp thực tiễn”, GS, TS Đinh Quang Báo nêu quan điểm.

Theo nhandan

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready