Hội thảo trực tuyến "Đối mới công tác thanh tra đáp ứng yêu cầu Đổi mới căn bản, 
toàn diện GD&ĐT". Ảnh: VA

Đánh giá việc đổi mới công tác thanh tra của các Sở GD&ĐT từ năm học 2013-2014 đến nay, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Tống Duy Hiến cho hay, số đơn vị được thanh tra mỗi năm học ít hơn so với trước đây. Các cuộc thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành đã tác động vào hệ thống, góp phần thúc đẩy hoạt động quản lý giáo dục của ngành. Việc thanh tra đối với các vấn đề bức xúc được xã hội quan tâm như: các khoản thu đầu năm học (TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…); dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, xây dựng và củng cố trường đạt chuẩn quốc gia đã tác động vào hệ thống giáo dục và xã hội.

Tính từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015, Thanh tra hành chính được 612 cuộc. Nội dung thanh tra chủ yếu là việc thực hiện quy định về tổ chức, biên chế của các cơ sở giáo dục trực thuộc; trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trực thuộc; việc thực hiện quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh…

Thanh tra chuyên ngành được 1030 cuộc. Nội dung chủ yếu là thanh tra việc quản lý dạy thêm, học thêm, các khoản thu, chi đầu năm học, việc thực hiện quy định về mặc đồng phục; việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; việc thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi…

Một số Sở GD&ĐT đã thanh tra việc thực hiện cam kết thành lập trường, mở mã ngành đào tạo, liên kết đào tạo, việc thực hiện quy định công khai chất lượng giáo dục, việc thực hiện quy định về chỉ tiêu tuyển sinh; phối hợp thanh tra thi truyển sinh đối với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý như: Sở GD&ĐT Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hải Dương, Bình Dương, Quảng Bình.

Đối với vấn đề Thanh tra đột xuất, ông Tống Duy Hiến cho biết thêm: Căn cứ vào đơn thư phản ánh về những vấn đề giáo dục đang được dư luận xã hội quan tâm, các Sở GD&ĐT đã tiến hành thanh tra đột xuất được 105 cuộc. Nội dung thanh tra chủ yếu tập trung vào việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng các khoản thu thỏa thuận đầu năm học, thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo, công tác quản lý dạy thêm học thêm, mua sắm tài sản công; công tác quản lý tài chính…

“Các cuộc thanh tra đột xuất đã thực hiện đúng quy trình theo quy định, đã phát hiện những sai phạm, hạn chế, thiếu sót trong quản lý như Sở GD&ĐT Đắk Nông, Gia Lai, Hà Nội… góp phần chấn chỉnh, duy trì kỷ cương trong hoạt động giáo dục” – ông Tống Duy Hiến nhấn mạnh.

Tại Hội thảo trực tuyến, các đại biểu đóng góp ý kiến nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thanh tra; đồng thời cho rằng không nên quá chú trọng thanh tra theo số lượng mà tăng cường hiệu quả và khả năng tác động vào hệ thống; phối hợp chặt chẽ thanh tra giáo dục với thanh tra nhà nước ở địa phương; chuyên nghiệp hóa hoạt động thanh tra, nâng cao chất lượng cộng tác viên thanh tra, chú trọng việc xử lý sau thanh tra.

Phát biểu tổng kết, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã nhấn mạnh: Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, thanh tra giáo dục cần phải đẩy mạnh đổi mới quản lý, tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra.

Thứ trưởng đề nghị, kế hoạch thanh tra theo hướng giảm số đơn vị được thanh tra nhưng bao quát được các nội dung cơ bản trong hoạt động của các đơn vị; hoạt động thanh tra chuyển trọng tâm từ thanh tra chuyên môn sang thanh tra trách nhiệm quản lý của thủ trưởng đơn vị, như thế sẽ phát huy được năng lực quản lý cũng như sáng kiến, năng lực của đội ngũ giáo viên; đồng thời tập trung thanh tra vào một số nội dung gây bức xúc dư luận xã hội thay vì thanh tra toàn diện nhà trường và thanh tra hoạt động sư phạm nhà giáo.

Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu, Thanh tra Bộ sớm hoàn thiện trình lãnh đạo Bộ, ban hành Đề án “Tăng cường năng lực thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT giai đoạn 2015-2020, nhằm hoàn thiện công tác thanh tra, phục vụ công tác quản lý giáo dục.

Theo dangcongsan