Đổi mới căn bản và toàn diện GD - ĐT, gắn với phát triển nguồn nhân lực
Trong 5 năm (2010-2015), toàn ngành Giáo dục đã phát triển thêm 75 trường học các cấp, nâng tổng số trường học trong toàn tỉnh lên 987 trường và tăng 1.326 lớp học góp phần giảm sĩ số học sinh (HS)/lớp theo hướng chuẩn hóa. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tăng, liên tục nhiều năm học liền, tỉnh Đắk Lắk luôn đứng vị thứ Nhất, Nhì trong 10 tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên về thành tích HS giỏi Quốc gia. Đáng nói, cơ cấu GD-ĐT của tỉnh phát triển đồng bộ giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự đồng thuận, quyết tâm của toàn ngành, một số chỉ tiêu GD-ĐT đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra. 100% huyện, thị xã, thành phố có trường phổ thông dân tộc nội trú; 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học (TH) đúng độ tuổi; 98,9% xã, phường đạt chuẩn phổ cập mầm non (MN) cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 84,2%; tỷ lệ trẻ đi học TH đúng độ tuổi đạt 99,6%. Về đội ngũ cán bộ, giáo viên phần lớn đạt chuẩn đào tạo theo quy định, trong đó gần 57% cán bộ, giáo viên đạt trình độ trên chuẩn, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy theo yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT.
Học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm (TP. Buôn Ma Thuột) tập thể dục giữa giờ. |
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác GD-ĐT của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, do đó một số chỉ tiêu chưa đạt theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra như tỷ lệ thôn, buôn có trường, lớp mẫu giáo, số phòng học kiên cố, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia… Mặt khác, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 3 xã, phường là: xã Cư Kroa (huyện M’Đrắk), xã Ea Sô (huyện Ea Kar) và phường An Bình (thị xã Buôn Hồ) chưa có trường THCS (chiếm tỷ lệ 1,63%); còn 262 phòng học tạm, nhờ, chủ yếu ở bậc học MN; trang thiết bị dạy học ở các cấp, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ MN còn thiếu, có nhiều nơi chưa đạt mức tối thiểu theo quy định, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; việc huy động người mù chữ ra các lớp xóa mù chữ và sau xóa mù chữ đạt tỷ lệ rất thấp.
Để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, gắn phát triển nguồn nhân lực bảo đảm các yêu cầu trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị, Sở GD-ĐT đã xây dựng 9 nhóm giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Đó là tăng cường công tác tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; hoàn thiện hệ thống mạng lưới trường lớp, các bậc học; thực hiện đổi mới chương trình giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ, công chức, viên chức quản lý giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa GD-ĐT; đổi mới công tác quản lý; tăng cường cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin trong GD-ĐT; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD-ĐT. Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Sở xác định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đóng vai trò quyết định hiệu quả công tác đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, vì vậy từ năm học 2014-2015 Sở GD-ĐT đã tăng cường bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên để theo kịp những thay đổi trong chương trình, tiến tới thay đổi sách giáo khoa, trong đó tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy hướng tới nâng cao năng lực, phẩm chất cho người học”.
Theo baodaklak