Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 02/01/2019

Định hướng dạy học tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông mới

Định hướng dạy học tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông mới

GS, TS Nguyễn Minh Thuyết (bên phải ảnh) giải đáp về chương trình GDPT mới

Việc dạy học tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được những nhà biên soạn kỳ vọng sẽ giúp cho học sinh có thể vận dụng kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực chuyên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn, giúp học sinh phát triển được các phẩm chất và năng lực mà chương trình hướng tới.

GS, TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới, cho biết: Những người biên soạn chương trình GDPT mới đã lựa chọn phương án tích hợp phù hợp với mỗi môn học để phát huy hiệu quả của dạy học tích hợp, đồng thời bảo đảm kiến thức cốt lõi của mỗi ngành khoa học và phù hợp với điều kiện thực tế trong bước đầu thực hiện dạy học tích hợp ở nước ta.

Theo đó,chương trình GDPT mới thực hiện dạy học tích hợp theo ba định hướng. Đó là, tích hợp giữa các mảng kiến thức khác nhau, giữa yêu cầu trang bị kiến thức với việc rèn luyện kỹ năng trong cùng một môn học. Thứ hai, tích hợp kiến thức của các môn học, khoa học có liên quan với nhau; ở mức thấp là liên hệ kiến thức được dạy với những kiến thức có liên quan trong dạy học; ở mức cao là xây dựng các môn học tích hợp. Thứ ba là tích hợp một số chủ đề quan trọng (thí dụ: các chủ đề về chủ quyền quốc gia, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, giáo dục tài chính,…) vào nội dung chương trình nhiều môn học.

GS, TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, trong việc triển khai ba định hướng trên, điều được dư luận quan tâm nhiều là các môn học tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý) ở cấp THCS. Quyết định 404/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý: “Ở các lớp học, cấp học dưới, thực hiện lồng ghép, kết hợp những nội dung liên quan với nhau ở mức độ hợp lý để tạo thành các môn học tích hợp.”

Chương trình môn Khoa học tự nhiên được thiết kế thành bốn mạch chủ đề chung: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời. Mỗi chủ đề nói trên vận dụng kiến thức của một ngành khoa học, tạo điều kiện cho giáo viên vốn được đào tạo đơn môn ở trường sư phạm có thể thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, chương trình còn có một số chủ đề đòi hỏi tính tích hợp cao như biến đổi khí hậu, giáo dục sức khoẻ, giáo dục STEM, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững,...

Chương trình môn Lịch sử và Địa lý gồm hai phân môn Lịch sử, Địa lý; nội dung của mỗi phân môn vừa bảo đảm tính độc lập tương đối vừa góp phần soi sáng, hỗ trợ cho nhau. Bên cạnh đó, chương trình còn tạo cơ hội cho học sinh tìm hiểu một số chủ đề đòi hỏi tính tích hợp cao như: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, Các cuộc đại phát kiến địa lý, Đô thị - Lịch sử và hiện tại, Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long…

“Phương thức và mức độ tích hợp như trên phù hợp với trình độ đào tạo, năng lực dạy học của giáo viên và khả năng tiếp nhận, vận dụng kiến thức của học sinh; đồng thời, cũng bảo đảm tính hệ thống của các kiến thức cốt lõi”, GS, TS Nguyễn Minh Thuyết lý giải.

Theo nhandan

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready