Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 11/04/2018

Điểm sàn Đại học: Đã hết vai trò lịch sử

Từ mùa tuyển sinh 2018, các trường Đại học chính thức không còn chung điểm sàn.

Từ mùa tuyển sinh 2018, các trường Đại học chính thức không còn chung điểm sàn.

Năm 2002, kỳ thi 3 chung (chung đợt, chung đề, chung điểm) đầu tiên được tổ chức. Đến năm 2004, Bộ GD&ĐT bắt đầu có điểm sàn chung cho các trường ĐH khi tuyển sinh bằng kết quả thi 3 chung. Điểm sàn này chính là ngưỡng đảm bảo tối thiểu cho các trường khi xét tuyển, điểm chuẩn sẽ không được thấp hơn điểm sàn.
Cũng từ năm 2002, sau khi triển khai thi theo phương thức “3 chung” trên cả nước, chênh lệch điểm thi và điểm chuẩn trúng tuyển vẫn còn nhưng là do trình độ của thí sinh chứ không phải đề thi. Tuy nhiên, trong những năm đầu tuyển sinh “3 chung”, do chưa có quy định điểm sàn, nhiều trường đã xét tuyển đến điểm chuẩn rất thấp để đủ chỉ tiêu và chính điều này đã hạn chế rất nhiều đến mục tiêu dùng chung kết quả để xét tuyển.
Chỉ khi điểm sàn ra đời từ năm 2004, dòng “lưu chuyển” TS đến nay đã khá ổn định với khoảng 70% tổng TS trúng tuyển theo nguyện vọng (NV) 1, còn 30% là cơ hội cho các TS tuy không trúng tuyển nhưng điểm thi còn cao sẽ được xét tuyển vào các trường còn thiếu chỉ tiêu. Chính điểm sàn cũng đóng vai trò phân luồng, điều tiết sau THPT.
Cũng chính điểm sàn đã cho thấy “thương hiệu” của từng trường được thể hiện rõ như thế nào. 
Tuy nhiên, sau 10 năm, điểm sàn bắt đầu mất “tác dụng” khi Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH có thể xét tuyển bằng học bạ THPT. Điểm sàn đối với những trường này không còn ý nghĩa.
Hơn nữa, từ năm 2014, Chính phủ có chủ trương giao tự chủ cho các trường ĐH, trong đó có tự chủ về tuyển sinh. Các trường được phép quyết định phương án tuyển sinh . Do đó, điểm sàn đã lạc hậu.
Trả lời báo chí năm 2017, khi đó, GS. Bùi Văn Ga đang là thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết việc qui định điểm sàn chung không phát huy được tính năng động, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường trong việc xác định điểm sàn phù hợp với điều kiện của từng trường và yêu cầu của từng ngành đào tạo cũng như đồng bộ với chính sách chất lượng của trường.
Thực tế cũng cho thấy, thí sinh đã không còn có nhu cầu vào ĐH bằng mọi giá. Bằng chứng là từ khi Bộ GD&ĐT cho phép các trường có thể tuyển sinh riêng bằng cách xét học bạ trung học phổ thông, nhưng các trường cũng không tuyển được nhiều thí sinh theo phương thức này. 
Năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, song có hơn 100.000 thí sinh trên ngưỡng này không nộp đăng ký xét tuyển, nhiều trường tuyển sinh không đủ chỉ tiêu.
Điều này cho thấy thí sinh ngày nay đã có sự tính toán, lựa chọn trường, không cố gắng vào đại học bằng mọi giá. Vì thế, không phải các trường cứ hạ điểm chuẩn là có thể tuyển đủ chỉ tiêu. Trái lại, việc hạ thấp điểm chuẩn làm cho uy tín của trường bị ảnh hưởng, càng khiến cho thí sinh “quay lưng”.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít ý kiến băn khoăn. Nhiều chuyên gia lo ngại khi không còn điểm sàn, các trường sẽ được “tháo khoán”, tuyển sinh bằng mọi giá. Như thế, chất lượng đầu vào không đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. GS. Vũ Văn Hóa, phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho rằng việc bỏ điểm sàn từ năm nay là hơi vội.
Cần có một ngưỡng tối thiểu để thí sinh có thể học được ĐH chứ không thể thế nào cũng được. Ông cũng cho biết, quy định mức điểm sàn như hàng năm của Bộ GD&ĐT là hợp lý, là ngưỡng để thí sinh có thể tiếp thu được kiến thức khi vào học ĐH.
Theo tienphong
In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready