Điểm liệt: nhìn từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2016
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh có 17.707 thí sinh (TS) đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2015-2016, đạt tỷ lệ 84,06% (chưa tính sau phúc khảo), giảm 9,38% so với năm học 2014-2015; trong đó hệ THPT là 89,3%, hệ GDTX 54,17%, TS tự do 44,8%. Đáng nói là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ GDTX năm nay giảm 7,17% so với năm so với năm học trước. Ông Nguyễn Hữu Quát, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT) cho biết, rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm 2015, các trường THPT, trung tâm GDTX đã có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo dạy học. Cụ thể chú trọng tổ chức giảng dạy và ôn tập cho HS lớp 12 theo chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình giáo dục phổ thông và định hướng của Bộ GD-ĐT. Bố trí giáo viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập; quan tâm giúp đỡ HS có học lực yếu; tăng thời gian phụ đạo… Tuy nhiên, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chưa mỹ mãn, Đắk Lắk nằm ở tốp dưới các tỉnh, thành phố có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp. Đặc biệt tỷ lệ HS bị điểm liệt cao. Theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), toàn quốc có khoảng 19.000 bài thi bị điểm liệt, thì tỉnh Đắk Lắk có khoảng 1.600 bài (kể cả HS tự do), trong đó môn Toán gần 1.400 bài.
Thí sinh tham dự thi THPT quốc gia năm 2016 tại cụm thi Đại học Tây Nguyên. |
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT thẳng thắn trao đổi: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm học 2015-2016 thấp có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn do “dính điểm liệt” môn Toán. Điều này đã được cảnh báo từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm học trước khi toàn tỉnh có khoảng 2.200 bài thi bị điểm liệt, trong đó môn Toán chiếm đa số. Sau khi có kết quả thi, Sở đã chỉ đạo Phòng Khảo thí - Kiểm định chất lượng, Công nghệ - Thông tin “lọc” toàn bộ số HS bị điểm liệt của từng bộ môn, từng trường để tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 8 tới, toàn ngành nghiêm túc đánh giá, phân tích, rút kinh nghiệm, từ đó đề ra biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, “chống điểm liệt”. Cùng với đó, Sở cũng sẽ tổ chức học tập, chia sẻ kinh nghiệm công tác dạy học, tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp đạt tỷ lệ cao của một số trường trong tỉnh, đơn cử như Trường THPT Đông Du (là một trong 4 trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%), hay như Trung tâm GDTX Krông Năng (đỗ 88,17%)… Còn ông Nguyễn Hữu Quát, Trưởng Phòng Giáo dục trung học cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo, nhất thiết phải nâng cao chất lượng tuyển sinh vào lớp 10. Nếu như trước đây, các trường THPT, trung tâm GDTX thường đến lớp 12 mới phân loại trình độ học sinh để tổ chức dạy học, tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp thì từ năm học mới này cần phân loại đối tượng học sinh ngay từ lớp 10, nhất là HS hệ GDTX.