Đề thi quá an toàn !
Nhiều học sinh “trúng tủ” môn văn
Bà Phạm Thị Hà Thanh, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng đề văn ra theo hướng an toàn từ đầu đến cuối. Cụ thể, phần đọc hiểu rất dễ làm và chắc chắn sẽ rõ ràng về đáp án. Phần nghị luận xã hội, đề thi đã chọn một chủ đề an toàn, đơn giản và không gây ra những ý kiến trái chiều trong cách hiểu và cách nghĩ của TS.
Cũng theo bà Hà Thanh, đề không hề khó và việc phân loại học sinh (HS) với mục đích tuyển sinh ĐH chưa đạt như mong muốn. Trong khi đó, bà Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng đề đã phân loại được TS.
Ông Lê Minh Tân, Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), cho rằng đề thi có tính giáo dục nhưng đề tài quen thuộc, nhiều năm nay đã đề cập đến. So với đề minh họa, đề thi chính thức dễ hơn khoảng hơn 30% và TS dễ dàng đạt 6 điểm. Tương tự, ông Nguyễn Văn Cải, Hiệu phó Trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi), nhận xét: “Cho văn bản ngoài sách giáo khoa là điểm mới của chủ trương đổi mới ra đề. Phần 1 đề thi đã chẻ nhỏ thành 2 câu lớn với tổng cộng 8 câu hỏi nhỏ để kiểm tra toàn diện cả kỹ năng - kiến thức đọc hiểu của TS về tiếng Việt, làm văn là cần thiết. Phần làm văn không mới nhưng cũng có thể phân loại được TS”.
Trong buổi thi môn văn, nhiều TS ở Quảng Nam rời phòng thi rất sớm, chỉ 2/3 thời gian so với quy định, dù tất cả đều học khối B. “Đề về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu từng xuất hiện trong đề thi thử môn văn của Quảng Nam, nên khi nhận đề, tụi em đều cảm thấy rất thoải mái để làm bài. Trước khi thi, bọn em đều rất lo lắng cho phần thi câu 4 điểm, nhưng là đề quen nên mọi chuyện khá suôn sẻ. Từ khi nhận đề đến khi kết thúc buổi làm bài, tụi em gần như chỉ sử dụng 1/2 thời gian so với quy định”, TS Tố Uyên cho hay.
Tại Bình Định, hầu hết các TS ra về khi mới hết 2/3 thời gian làm bài môn văn. Các TS đều nhận định đề dễ, sát thực tế, TS trung bình có thể đạt 6 - 7 điểm. Nguyễn Hữu Thắng (ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) cho biết: “Em không học văn nhiều như các môn khác nhưng đề này cũng không quá khó với em”.
Nhiều TS dự thi tại TP.HCM nhận định đề văn dễ hiểu, vừa sức. Trần Văn Nam, HS Trường THPT Thanh Đa (TP.HCM), cho biết: “Với đề thi này, không cần phải thuộc bài cũng có thể làm được, vì nguyên đoạn thơ, đoạn văn đã được đưa vào đề thi”. Chủ đề trong nghị luận văn học và xã hội đều quen thuộc. Phạm Đức Thắng (HS Trường THPT Thanh Bình) hào hứng cho biết đã “trúng tủ” ôn tập, trong đó câu hỏi liên quan đến vấn đề vô cảm đã được nhắc đến trong đề thi thử TP.HCM.
Môn lý khá nhẹ nhàng
Chiều 2.7, hầu hết TS tại Bình Định sau khi thi xong môn vật lý đều có chung nhận định đề khá vừa sức. TS Nguyễn Minh Toàn cho biết: “Từ câu 1 đến câu 25 là dễ, kiếm 5 điểm như chơi. Từ câu 26 trở đi là câu khó hơn, đòi hỏi phải nắm chắc các kiến thức về điện thì mới làm được”. Dự thi tại điểm Trường THPT An Nhơn 2, Phan Ngọc Thủy Tâm (ở H.Phù Mỹ, Bình Định), nói: “Em chỉ dự thi để đủ xét tốt nghiệp nên làm bài không áp lực nhiều lắm. Với em, đề lý năm nay vậy là vừa sức”.
Phạm Vũ Thành, thi tại Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng, cho hay với đề này các bạn học lực trung bình cũng có thể kiếm được điểm 5. Hồng Nga, thi tại Trường CĐ Đức Trí (Đà Nẵng), cho rằng đề tuy dài nhưng so với đề minh họa trước đây thì dễ hơn nhiều và hoàn toàn nằm trong chương trình học 12, nên làm bài khá nhẹ nhõm.
Học văn hay xã hội học ?
Ông Trần Hinh, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho rằng cấu trúc đề thi năm nay so với các đề năm trước thực ra có thay đổi lớn. Từ chỗ đề thi cũ (cũng 3 câu) chỉ có 3 thành phần điểm, nhưng nay với đề thi mới, trong quá trình chấm với mỗi bài thi các thầy cô sẽ phải cộng tất cả 10 thành phần điểm “Một bài chấm văn mà có tới 10 thành phần điểm thì có khác gì một bài chấm toán không? Vấn đề tính toàn vẹn của một bài văn liệu có còn không?”, ông Hinh nói.
Cũng theo ông Hinh, dù kiến thức học và thi cần gắn với cuộc sống nhưng đừng biến HS thành những nhà “chính trị học” hay “xã hội học” trong một đề thi môn văn. Việc một đề thi văn mà có tới 60% câu hỏi “mở” theo hướng cuộc sống. Vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa; vô cảm, bạo lực, thiện ác; vấn đề kỹ năng, kiến thức trong cuộc sống... cảm giác đề thi như “một nồi lẩu” là điều cần phải cân nhắc.
T.Nguyễn - Tú Anh
|
Phân loại rõ
Đề thi không khó nhưng có tính phân loại khá rõ, TS cảm thấy thoải mái sau khi làm bài, giáo viên vui vì ôn luyện đúng hướng. Về nội dung, đề có tính phân loại TS khá rõ. Với đề này, TS trung bình khá sẽ dễ có điểm 5 - 6 nhưng sẽ rất hiếm điểm 9 - 10.
Thạc sĩ Đào Tấn Trực
(Trường THPT Lê Thành Phương, Phú Yên) Đề văn chưa làm người ta phấn khởi
Đề thi ngữ văn năm nay tương đối dễ, không có nhiều bất ngờ. Vấn đề vô cảm và bạo lực cũng không có nhiều mới mẻ vì phần lớn các HS đều được làm bài về vấn đề này trong quá trình học tập từ nhiều năm nay.
Với câu hỏi 4 và câu hỏi 8, đề thi hướng tới đáp án mở để TS trình bày suy nghĩ của mình một cách chân thành về hình ảnh người lính biển và vấn đề “vun đắp cho tâm hồn” trong một xã hội mà người ta ngày càng chạy theo vật chất.
Với đề này, một HS trung bình cũng có thể đạt điểm 6 trở lên. Tuy nhiên đề thi chỉ dừng lại ở mức hài lòng, dễ thở chứ chưa làm người ta phấn khởi.
Đỗ Đức Anh
(Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM) Cấu trúc lạ
Điểm rất khác biệt trong cấu trúc đề thi môn văn năm nay là phần đọc hiểu với 2 văn bản: văn bản nhật dụng và văn bản nghệ thuật. Đặc biệt, cả 2 văn bản này đều nằm ngoài chương trình. Phần nghị luận xã hội nêu vấn đề tích lũy kỹ năng sống, là cách ra đề quen thuộc. Dù vậy vấn đề phù hợp và có ý nghĩa với TS. Phần nghị luận văn học năm nay giảm xuống còn 4 điểm (thay vì 5 như các năm trước).
Nguyễn Thị Hoàng Mai
(Trường Phổ thông năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM) 3 "điểm nhấn" trong 1 đề thi
Nhìn tổng thể, đề thi môn ngữ văn hợp lý về bố cục, thang điểm; đúng trọng tâm chương trình, không có bất ngờ so với đề thi minh họa, không đánh đố; và đảm bảo phân loại TS. Sức hấp dẫn của đề là ở sự kết hợp 3 đặc điểm: mang tính giáo dục và có tính thời sự (về chủ đề người lính biển đảo; về bệnh vô cảm và mầm mống của nạn bạo hành; về kỹ năng sống của giới trẻ, vốn là vấn đề "nóng" trong tình hình hiện nay) và thấm đẫm triết lý hơi thở của cuộc sống...
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Lý Tự Trọng, TP.HCM) H.Ánh - X.Phương (ghi)
|
Dễ vô cùng !
Theo phiên bản mà tôi được tiếp cận thì đề vật lý năm nay dễ vô cùng. Hầu hết câu hỏi chỉ ở mức độ nhận biết chứ không đòi hỏi một mức độ vận dụng nào dù thấp hay cao. Nhiều câu hỏi dễ hơn cả câu trắc nghiệm trong phần bài tập của sách giáo khoa, do đó tôi cho rằng sẽ rất ít bài thi dưới điểm 5. Dự báo năm nay sẽ tràn lan điểm 7 đến 8,5. Thậm chí tỷ lệ bài đạt mức 7 đến 8,5 sẽ còn cao hơn cả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái.
GS Hà Huy Bằng
(Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội) Điểm 9 đến 9,5 sẽ không ít
Số câu dành cho HS giỏi thực sự chỉ khoảng 6 - 7 câu. Với đề năm nay, điểm 10 không quá nhiều, nhưng điểm 9 đến 9,5 sẽ không ít. Đề thi năm nay nhẹ nhàng hơn nhiều so với đề thi ĐH một số năm trước, nhẹ về cả nội dung kiến thức và giảm hẳn các tính toán dài dòng vốn mang ít ý nghĩa Vật lý.
Nguyễn Xuân Quang
(Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) Không nhận biết HS khá - giỏi
Đề thi này chỉ phân hóa được HS trung bình - trung bình khá chứ còn rất khó để nhận biết HS khá - giỏi. điều này sẽ là một khó khăn cho mục đích xét tuyển ĐH.
Đặng Minh Tuấn
(Phó giám đốc Khối phổ thông FPT) Quá nhẹ nhàng
So với năm 2014 và các năm trở về trước thì đề thi môn lý nhẹ hơn rất nhiều. Số câu dễ trong đề thi chiếm khoảng 60 - 65%, với những câu này, TS chỉ cần có kiến thức cơ bản sách giáo khoa và cẩn thận là đạt được 6 điểm rất dễ dàng. Số câu hỏi trung bình chiếm khoảng 25 - 30% nhưng rất quen thuộc khi các TS ôn thi. Số câu hỏi khó, mang tính thực tiễn trong đề thi khoảng 4 đến 5 câu, đa phần rơi vào mảng điện xoay chiều, dao động cơ và bài toán liên quan thực nghiệm, đồ thị.
Đặng Việt Hùng
(Trung tâm luyện thi trực tuyến hocmai.vn) Q.Hiên - X.Phương (ghi)
|
Theo thanhnien