Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 08/12/2014

Dạy tích hợp nhưng chưa hiểu về tích hợp

Những phân tích, số liệu tại hội thảo “Dạy học tích hợp, dạy học phân hóa ở trường trung học” chứng minh rằng nhiều giáo viên chưa hiểu đúng dạy học tích hợp
Những phân tích, số liệu tại hội thảo “Dạy học tích hợp, dạy học phân hóa ở trường trung học” chứng minh rằng nhiều giáo viên chưa hiểu đúng dạy học tích hợp - Ảnh: Minh Luân

Tham gia hội thảo “Dạy học tích hợp, dạy học phân hóa ở trường trung học” do Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) tổ chức sáng 5.12, các chuyên gia cho rằng do không hiểu đúng, hiểu nhầm khái niệm này nên việc dạy học tích hợp ở phổ thông hiện nay chưa phát huy hiệu quả.

Đưa số liệu vào bài giảng là tích hợp môn toán!

Phát biểu tại hội thảo, nghiên cứu sinh Trương Thị Thanh Mai, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, thông tin: “Đề tài nghiên cứu Xây dựng một số chủ đề tích hợp trong dạy học kiến thức khoa học tự nhiên - chương trình THCS mà chúng tôi vừa thực hiện ở Đà Nẵng, có 9% giáo viên chưa biết nhiều về dạy học tích hợp, chủ yếu giáo viên mới ra trường. Nhưng có 40% giáo viên nhầm lẫn khái niệm tích hợp liên môn với tích hợp đa môn. Hơn 46% cho rằng để hiểu nhiều hơn về tích hợp, phải tìm hiểu thêm từ nhiều nguồn thông tin khác nhau”.

 
 

Hơn 800 tiến sĩ, thạc sĩ nhưng chỉ có 5 người giao tiếp được bằng tiếng Anh

Theo ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, tỉnh có hơn 70 giáo sư, tiến sĩ và 796 thạc sĩ nhưng chỉ có 5 người giao tiếp được bằng tiếng Anh. Quảng Ngãi có 600 giáo viên tiếng Anh từ tiểu học đến THPT nhưng qua khảo sát bậc tiểu học có 13% giáo viên đạt chuẩn, THCS có 11%, THPT chưa đến 5%. Trường THPT chuyên Lê Khiết nhiều năm không có học sinh đoạt giải quốc gia môn tiếng Anh dù có giải các môn toán, lý, hóa... “Hiện nay có tình trạng giáo viên tiếng Anh chỉ dạy văn phạm chứ không thể giao tiếp được”, ông Dụng thông tin thêm.

 

Một khảo sát của tiến sĩ Phạm Thị Lan Phượng (Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) và các cộng sự cũng đưa ra kết luận 2,4% giáo viên ở 6 trường THPT tại TP.HCM không hiểu dạy học tích hợp là gì. Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho biết: “Chúng tôi cũng đã phổ biến đến các cụm chuyên môn, trường THPT, các phòng giáo dục. Nhưng thật tình để giáo viên hiểu được cũng còn nhiều khó khăn”.

Bà Trương Thị Thanh Mai đưa dẫn chứng cụ thể việc nhiều giáo viên lạm dụng hoặc chưa hiểu rõ về dạy học tích hợp. Một giáo viên thực hiện bài giảng về chủ đề ảnh hưởng của thuốc lá đối với hệ hô hấp cho rằng đã vận dụng gần cả chục môn. Chẳng hạn khi đưa ra số liệu, giáo viên này nói đã tích hợp được môn toán, trình chiếu bài giảng trên máy tính là tích hợp tin học, dùng các từ khóa tiếng Anh là tích hợp ngoại ngữ, thông tin cảnh báo là tích hợp giáo dục công dân…

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Dung, Viện phó Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), dạy tích hợp là sự lồng ghép các nội dung cần thiết vào những nội dung vốn có của một môn học. Thí dụ: lồng ghép nội dung giáo dục dân số, giáo dục môi trường... vào nội dung các môn học: địa lý, sinh học, giáo dục công dân... xây dựng môn học tích hợp từ các môn học truyền thống. Cùng quan điểm, nghiên cứu sinh Trương Thị Thanh Mai cho biết thêm người giáo viên có thể tích hợp các nội dung ở các môn học khác nhau, hoặc các kiến thức khác liên quan đến bài giảng để chuyển tải đến học sinh (thông qua các hình thức truyền đạt bằng trình chiếu, giảng dạy, thảo luận...).

Thay đổi từ trường sư phạm

Nguyên nhân chính của tình trạng này, theo bà Mai, do hiện nay chưa có sách giáo khoa cụ thể mang tính tích hợp, giáo viên hầu hết không được đào tạo các phương pháp dạy học tích hợp nên không làm được hoặc làm nhưng đạt hiệu quả không cao.

Trong khi đó, theo tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN (thành viên Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT), đến giữa năm 2016 Bộ sẽ thống nhất được chương trình. “Giáo viên là điều cốt lõi nhất. Sách giáo khoa dù hay đến đâu mà không có đội ngũ giáo viên giỏi thì cũng rất khó”, ông Dũng đúc kết. 

Các chuyên gia cũng nhìn nhận một thực tế là các trường đào tạo khối ngành sư phạm chưa mạnh dạn đột phá, đổi mới, sáng tạo trong đào tạo giáo viên. Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Trường sư phạm cần sáng tạo trong đào tạo giáo viên chứ không phải chờ thực tế cần thì mới làm chương trình để đào tạo sau”.

Đưa ra một giải pháp cấp thiết, tiến sĩ Dương Thị Hồng Hiếu, Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đề nghị trong giai đoạn hiện nay, các sở giáo dục cần ra hướng dẫn cho giáo viên những nội dung tích hợp. Ví dụ một bài văn nào đó thì có thể tích hợp ở liên môn hay ở các môn khác, để giáo viên chọn lựa. Đồng thời, các giáo viên phải ngồi lại với nhau lọc ra những nội dung tích hợp để không dạy ở các phần sau. “Chứ nếu bài văn giảng 2 tiết (có tích hợp các môn sử, địa), học sinh học xong, rồi sau đó học lại ở môn sử hoặc địa nữa thì tích hợp không hiệu quả. Tình trạng này sẽ dẫn đến chuyện ôm đồm, phá vỡ chương trình về mặt thời lượng”, tiến sĩ Hồng Hiếu đặt vấn đề.

Những bài giảng hiệu quả

Tại hội thảo, nhiều giáo viên trình bày những bài giảng tích hợp được đánh giá hiệu quả.

Giáo viên Đoàn Thị Hải Lý (Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1, TP.HCM) nêu ra phương pháp dạy tích hợp ở môn văn bằng cách dạy theo dự án. Ví dụ: dự án Xuân Quỳnh (cho học sinh làm phóng sự về cuộc đời và thơ Xuân Quỳnh, thực hiện đêm thơ Xuân Quỳnh...), dự án Quang Dũng (yêu cầu học sinh tìm hiểu về sách của Quang Dũng, tìm hiểu về nhạc của Quang Dũng)...

Giáo viên Nguyễn Thị Kim Ngân (Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Q.Tân Bình, TP.HCM) trình bày bài giảng về phản ứng dây chuyền trong môn vật lý tích hợp thêm các thông tin khác, như: tác hại của vũ khí hạt nhân (với con người, hệ sinh thái, môi trường); vũ khí hạt nhân hủy diệt sự sống và môi trường...

Theo thanhnien

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready