Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
Cập nhật lúc: 07/01/2015

Đào tạo nghề gắn với thực tiễn nghề nghiệp

Khoảng trống khác biệt giữa cung - cầu

Theo thống kê của Bộ LĐ-TBXH, cả nước có đến 162.000 người có trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp, các trình độ khác là trên 500.000 người. Trong lúc ấy, tại nhiều xí nghiệp, khu công nghiệp lại thiếu trầm trọng công nhân, kỹ thuật viên, kỹ sư có tay nghề. Đã có nhiều nguyên nhân được các nhà khoa học, quản lý chỉ ra, trong đó một nguyên nhân cơ bản mà Bộ GD-ĐT cũng đã thừa nhận đó là “còn tồn tại những khoảng trống khác biệt giữa cung-cầu”, thạc sĩ Nguyễn Đình Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dak Lak phát biểu mở đầu buổi Hội thảo. Từ thực tế này, những năm gần đây, các trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đã “tự đổi mới” bằng cách tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo nhằm từng bước xóa bỏ nghịch lý trên. Suy cho cùng chất lượng đào tạo chính là đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, hiệu quả đào tạo là tỷ lệ người học tốt nghiệp có việc làm phù hợp. Như vậy, giữa nhà trường và doanh nghiệp luôn là khách hàng của nhau.

Học viên Trường  Cao đẳng Nghề Dak Lak thực tập cắt gọt kim loại.
Học viên Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak thực tập cắt gọt kim loại.

 Mặc dù khá non trẻ trong đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp nhưng Trường Trung cấp Dak Lak đã sớm nhận ra lợi ích của việc hợp tác, liên kết này và xem đây là yếu tố sống còn để mở rộng quy mô và ngành nghề đào tạo. Nhà trường đã ghi nhớ, liên kết hợp tác và tổ chức cho học sinh đi thực tập nghề nghiệp tại hơn 30 đơn vị, doanh nghiệp; thường xuyên giữ mối liên hệ với trên 60 đơn vị, doanh nghiệp nhằm tiếp nhận sinh viên thực tập tốt nghiệp. Thạc sĩ Nguyễn Đình Thịnh chia sẻ thêm: “Ngoài phát triển chương trình đào tạo theo năng lực thực hiện, đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá người học theo định hướng phát triển năng lực, nhà trường đặc biệt chú trọng liên kết đào tạo thực tập nghề nghiệp tại doanh nghiệp. Cụ thể đối với mỗi học phần thực tập nghề nghiệp theo chuẩn đầu ra của các ngành học đã công bố, nhà trường tổ chức đào tạo thành 2 giai đoạn: thực hành cơ bản tại trường (học sinh hình thành kỹ năng thực hành nghề cơ bản theo mục tiêu cơ bản) và thực hành tại doanh nghiệp (học sinh phát triển kỹ năng thực hành trên thực tiễn nghề nghiệp, rèn luyện ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp)”.

Việc liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp tuy mới ở giai đoạn khởi đầu, nhưng đã giúp học sinh nâng cao năng lực, thái độ đúng đắn hơn về nghề khi tiếp cận với môi trường thực tiễn, không những vậy học sinh có thêm thông tin và thêm thông tin và cơ hội tìm kiếm việc làm. Kết thúc năm học 2013-2014, khoảng 45% học sinh khóa 3 của trường đã tìm được việc làm trong thời gian 6 tháng (sau khi tốt nghiệp ra trường), cao hơn 18% so với khóa 2, trong đó làm việc tại các đơn vị liên kết với nhà trường là 12%. Đặc biệt đánh giá của học sinh đã có việc làm về mức độ đáp ứng được yêu cầu công việc đang đảm nhận được tăng lên so với khóa học trước. Cụ thể chỉ 26,3% học sinh khóa 2 đáp ứng yêu cầu, trong khi đó tỷ lệ này của học sinh khóa 3 là 58,6%; cơ bản đáp ứng nhưng phải đào tạo thêm của khóa 2 là 56,1% còn khóa 3 là 34,9%.

Ông Nguyễn Văn Phan, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí Dak Lak phát biểu tham luận tại Hội thảo “Giải pháp liên kết đào tạo giữa nhà trường và đơn vị, doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Văn Phan, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí Dak Lak phát biểu tham luận tại Hội thảo “Giải pháp liên kết đào tạo giữa nhà trường và đơn vị, doanh nghiệp”.

Học đi đôi với hành

Không thể phủ nhận những nỗ lực của các nhà trường trong việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Nhưng rõ ràng vẫn còn một khoảng cách khá xa giữa đào tạo và thực tiễn, bằng chứng là nhiều học sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp không đủ tự tin khi  phỏng vấn tuyển dụng; không đáp ứng được các yêu cầu nhà tuyển dụng; thậm chí được tuyển dụng nhưng chỉ làm việc vài tháng sau đã bỏ việc vì “ngợp”. Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Công ty Xây dựng cầu đường Hoàng Vũ (TP. Buôn Ma Thuột) thẳng thắn lý giải: “Các em đi thực tập thực tế hầu như chỉ để được ký vào giấy Chứng nhận về nộp cho trường. Trong khi đó, doanh nghiệp rất muốn các em  tích cực tham gia “khóa thử lửa” này để có cơ hội được trải nghiệm và thử sức trong môi trường làm việc thực sự. Các em phải nghĩ rằng, thực tập là rèn luyện tay nghề cho mình, đừng nghĩ làm không công cho doanh nghiệp, do đó tự mình phát huy khả năng, kiến thức để thâm nhập, tiếp cận công việc. Không ít học sinh đã trở thành nhân viên chính thức của công ty sau khi hoàn thành chương trình học do có kiến thức tốt, lại biết giao tiếp”. Tương tự, ông Dương Giang Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần viễn thông Chi nhánh Dak Lak cho rằng: “Công ty chúng tôi thường xuyên phỏng vấn tuyển dụng học sinh trung cấp chuyên nghiệp, kể cả sinh viên đại học, nhưng hầu hết các em khó đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Qua công tác tuyển dụng cho thấy, kỹ năng giao tiếp của các em rất yếu, đi xin việc làm nhưng nhút nhát, khi tuyển dụng Công ty FPT chú trọng các kỹ năng này hơn là bằng cấp, hoặc điểm thi các em đạt được”. Lãnh đạo Công ty này chia sẻ thêm: “Trong khi một số đơn vị đòi hỏi học sinh, sinh viên mới ra trường có kinh nghiệm, thì FPT  “rất chuộng” sự năng động, nhanh nhẹn, “máu lửa” của các em. Những điều này chỉ có được khi sinh viên có ý thức trong học tập, tích cực, nghiêm túc trong thực tập nghề nghiệp. Vì vậy, đơn vị đào tạo nên bổ sung thêm vào chương trình đào tạo một môn học “thực tế doanh nghiệp” nhằm rèn luyện ý thức nghề nghiệp, kỷ luật lao động cho học sinh. Thực tế cho thấy, nhiều học sinh khi tham gia thực tập nhưng ý thức không cao. Các em chỉ đến doanh nghiệp thực tập vài ngày đầu, thực sự nghiêm túc khi có sự giám sát của thầy, cô giáo, sau đó hầu như vắng luôn. Đồng quan điểm trên, anh Trần Nhật Quốc Thanh, Giám đốc Công ty lắp ráp linh kiện 47 (TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng: “Mặc dù đơn vị, doanh nghiệp không cầm tay chỉ việc, nhưng các em phải biết quan sát cán bộ, nhân viên công ty làm để thực hành theo. Nhiều em chỉ đến xin giấy chứng nhận thực tập xong, chúng tôi sẵn sàng ký, thương kiểu này lại là hại các em. Theo tôi, trước tiên phải thay đổi điều này, học đi đôi với hành thì khi đứng trước nhà tuyển dụng chúng ta có thể tự tin nói: “Tôi đã có kinh nghiệm, sẵn sàng làm việc”. 

Chọn trung cấp nghề thường là con em nhà nghèo, ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy cần giáo dục ý thức nghề nghiệp cho các em song song với dạy nghề. Một so sánh hơi khập khiễng, nhưng thế hệ chúng tôi học nghề, hầu hết đều thành đạt, hoặc chí ít là có thể sống được với nghề, còn hiện nay thì  rất nhiều em bỏ học giữa chừng, hoặc nếu có theo học hết cũng chỉ để cho có tấm bằng. Theo tôi trong chương trình đào tạo chúng ta nên có thêm môn học để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, rèn luyện bản lĩnh, ý chí để vừa giảm chi phí, thời gian của bản thân, gia đình, đồng thời tránh lãng phí nguồn nhân lực có tay nghề”, ông Nguyễn Văn Phan, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí  Dak Lak trăn trở.

Theo baodaklak (CN)

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready