Cô giáo cắm bản trên đỉnh mù sương
Đặt chân đến nơi xa xôi nhất của Tổ quốc ở Tây Bắc vào những ngày mưa như trút nước mới thấm thía sự vất vả của các cô giáo trẻ cắm bản.
Cô Lường Thị Duyên (bên phải) và cô Sủng Thị Sua (bìa trái) vui chơi cùng các con trong lớp học - Ảnh: HÀ THANH
Trên đỉnh mù sương, chỉ có tình yêu thương của các cô mới đủ tiếp thêm niềm tin, động lực để phụ huynh mỗi ngày vượt núi băng đèo đưa trẻ đến lớp.
Dạy học ở vùng cao xa xôi có trăm vàn gian khó. Và vẫn còn đó những cô giáo trẻ chọn gieo chữ nơi vùng khó ấy, vẫn đang ngày đêm cần mẫn với sự nghiệp trồng người.
Kiên cường bám lớp, bám trường
Từ Hà Nội để đến được điểm trường mầm non Nà Sản A ở xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) phải vượt hơn 500km đường núi, đèo quanh co, uốn lượn.
Thời điểm này ở Xa Dung, những cơn mưa rào có thể ào đến bất chợt. Đã quen với cảnh mưa gió nhưng những đứa trẻ non nớt đôi khi cũng sợ tiếng sấm đì đoàng mỗi khi trời mưa gió như quăng quật.
Quá giờ trưa, cô Lường Thị Duyên (24 tuổi) và Sủng Thị Sua (23 tuổi) vẫn đang vỗ về các bạn nhỏ, ôm chúng vào lòng. Trong phòng, tiếng nhạc át tiếng mưa, ru con trẻ vào giấc ngủ ngon. "Những ngày mưa lớn, các con rất sợ nên các cô càng phải vỗ về, làm sao đảm bảo an toàn nhất cho các con" - cô Duyên chia sẻ.
Nơi bản vùng cao, cuộc sống còn khó khăn nhiều lắm nên đường đến trường của học sinh cũng rất gian nan. Bằng tình yêu thương, hai cô giáo trẻ ấy vẫn ngày ngày bám trường, bám lớp, vượt khó để cùng bà con chăm sóc cho các em học sinh vùng cao.
Cô giáo Lương Thị Duyên - Ảnh: HÀ THANH
Là người dân tộc Thái, những ngày đầu đến Nà Sản A, cô Duyên chưa giao tiếp được bằng tiếng Mông. Mỗi khi lên lớp, cô lúng túng vì không hiểu những đứa trẻ đang muốn biểu đạt điều gì. Vậy là cô quyết tâm học tiếng Mông cho bằng được.
Ngày chăm trẻ, tối Duyên nhờ một vài giáo viên người Mông dạy cho học tiếng của đồng bào. Mỗi ngày cô nỗ lực luyện nói, tập viết, luôn tìm cách nói chuyện với bà con địa phương. Kết quả là "đã biết gần hết tiếng Mông rồi, các con nói gì giờ cũng hiểu" như cô khoe.
Hơn hai năm cắm bản, hạnh phúc nhất với cô giáo trẻ khi mỗi ngày được nhìn thấy những gương mặt hào hứng của các con vì được đến trường "ăn no cái bụng".
"Nhiều lúc thấy biết ơn vì mình còn trẻ, còn được đi đến vùng sâu vùng xa để thấy tuổi trẻ của mình thật đẹp và đáng quý biết bao" - Duyên cười.