Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 05/01/2015

Cần đổi thay căn cơ dạy học ngữ văn

Đây thực sự là tín hiệu vui đối với đội ngũ thầy giáo, cô giáo dạy môn học này ở nhà trường phổ thông.

Điều kiện xét tuyển ĐH, ở nhiều ngành có thêm môn ngữ văn tham gia, tạo thêm động lực, chất xúc tác để thúc đẩy chất lượng dạy và học bộ môn này ở trường phổ thông sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, về lâu, về dài, cái căn cơ, cốt lõi không nằm ở mấy môn thi, cách lựa chọn xét tuyển mà phải xuất phát từ nội tại, có cuộc cải biến, cuộc “cách mạng” triệt để từ nhiều phương diện liên quan đến hoạt động dạy học môn ngữ văn.
Trước hết trong thiết kế, biên soạn nội dung, chương trình - sách giáo khoa mới cần toát lên được đặc trưng, chức năng của môn học giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, nhân văn. Nên cắt bỏ những kiến thức trùng lặp, hàn lâm, vô bổ, ít có tính ứng dụng, không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Chọn lọc, bổ sung những tác phẩm, văn bản hiện đại, tăng cường thời lượng thực hành cho phần làm văn và tiếng Việt.
Điều quan trọng nữa là cần có sự quan tâm, đầu tư đặc biệt tới đội ngũ giáo viên. Thời nay, nhiều học sinh chán, sợ học văn là do thầy cô giáo dạy văn nguội lạnh, không có lửa đam mê, thiếu phương pháp dạy học tích cực, đến lớp chỉ đọc - chép, truyền thụ một chiều. Nên bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu và tăng cường công tác thanh kiểm tra, dự giờ đột xuất để nắm bắt và chỉnh đốn lối dạy của giáo viên.
Về phía phụ huynh và học sinh cần có thái độ đúng đắn, tầm nhìn xa hơn về môn học này. Học văn không chỉ để có điểm, lên lớp, thi cử mà nó rất cần thiết cho hành trang bước vào công việc, cuộc sống sau này. Đặc biệt học sinh, trong bối cảnh hiện nay với sự lên ngôi của công nghệ giải trí, kéo theo công nghệ nghe nhìn, văn hóa nghe nhìn chiếm ưu thế, văn hóa đọc bị suy giảm, khiến nhiều học sinh xao lãng, không thích học văn. Đấy là sự thật, đấy cũng là nguyên nhân chính của suy giảm việc học văn.
Chất lượng dạy học môn ngữ văn chỉ đạt kết quả tốt khi có sự đồng bộ, đổi thay từ nội dung, chương trình, chất lượng, phương pháp người dạy và đặc biệt là thái độ, ý thức của học sinh.
Theo thanhnien
In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready