Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 07/10/2015

Cần có sự liên thông để đánh giá học sinh

 

Giáo viên dạy lớp 6 cần phải có tâm lý giúp học sinh mới bước vào cấp THCS vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu - Ảnh: Đào Ngọc ThạchGiáo viên dạy lớp 6 cần phải có tâm lý giúp học sinh mới bước vào cấp THCS vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tạo bước đệm từ lớp 4, lớp 5
Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Khoa Toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng hiện tượng nhiều học sinh (HS) từ tiểu học vào lớp 6 bị sốc diễn ra từ trước khi Bộ GD-ĐT thực hiện Thông tư 30 (thay chấm điểm bằng nhận xét cho HS tiểu học): “Khi chuyển cấp, HS và phụ huynh luôn luôn lo lắng, đó là trạng thái tâm lý đương nhiên. Ở mỗi cấp học, yêu cầu về năng lực đối với HS là khác nhau, từ đó dẫn tới cách đánh giá khác nhau. Đó là chưa kể do sự thay đổi về giai đoạn phát triển tâm sinh lý, HS cấp THCS bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, nên tâm lý lứa tuổi cũng khác nhau. Về phương diện khoa học giáo dục, điều này không có gì phải bàn luận. Vấn đề là các trường học giải quyết vấn đề này như thế nào? Nếu các trường tiểu học thiếu quan tâm, thiếu định hướng và thiếu sự chuẩn bị bước đệm cho các em trong quá trình dạy học thì các em sẽ hụt hẫng khi vào môi trường mới”.
Tiến sĩ Thơ cho biết ở Hà Nội có nhiều trường chuẩn bị cho vấn đề này khá tốt. Từ lớp 4 hoặc lớp 5 đã bố trí giáo viên dạy HS riêng theo môn chứ không theo mô hình một giáo viên dạy tất cả các môn nữa. Nếu HS đã được tiếp cận mô hình tổ chức dạy học này thì khi lên lớp 6 sẽ không bỡ ngỡ.
Còn ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng Giáo dục Q.Tân Phú, TP.HCM, đề nghị các trường tiểu học phải rà soát, siết chặt khối lớp 5 và không được buông lơi chất lượng. Phòng giáo dục phải kiểm tra gắt gao cách thức tổ chức các bài kiểm tra định kỳ do trường thực hiện, để các trường THCS cùng trường tiểu học tham gia vào quá trình coi và chấm thi. Hiệu trưởng một trường THCS cho rằng vẫn cần có một bài kiểm tra HS lớp 5 do phòng giáo dục ra đề chung cho tất cả trường tiểu học.
Làm quen môi trường học tập mới
Các trường THCS cũng cần tham gia vào việc giảm sốc cho HS. Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Q.Tây Hồ, Hà Nội, cho rằng ở cấp THCS có cho điểm trong quá trình thường xuyên, nhưng nếu giáo viên thực hiện đúng tinh thần đổi mới thì bản chất của hoạt động kiểm tra đánh giá cũng không khác gì so với ở tiểu học. “Theo yêu cầu hiện nay, việc kiểm tra đánh giá ở THCS rất nhẹ nhàng, HS được học như thế nào thì kiểm tra thế ấy. Giờ đặt ra mục đích kiểm tra nhẹ nhàng thôi, chỉ để đánh giá xem việc học hành hằng ngày của HS diễn biến đến đâu, có tiến bộ không chứ không tạo áp lực cho HS. Nếu thực hiện được như thế thì không việc gì phải lo lắng về sự chuyển đổi cấp học, cũng như chuyển đổi cách thức kiểm tra đánh giá”.
Cùng quan điểm, nhà giáo Vũ Hữu Bình, cựu giáo viên Trường THCS Trưng Vương, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng ủng hộ thay đổi về đánh giá ở tiểu học, không đánh giá thường xuyên bằng điểm số, nhưng cũng không hoàn toàn bỏ hẳn điểm số. Lên lớp 6, sang một giai đoạn học tập mới, HS đã lớn hơn, thích hợp hơn với việc đánh giá bằng điểm số trong việc học tập hằng ngày. Tuy nhiên, theo ông Bình, thực tế đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức về tâm lý giáo dục và kỹ năng sư phạm để giúp HS làm quen với môi trường học tập mới. “Các thầy cô giúp HS từ từ làm quen với điểm số bằng cách nương nhẹ hơn với những em chưa có kết quả học tập tốt ngay trong những ngày đầu. Chẳng hạn như không nên cho HS điểm thấp quá, nên theo dõi thái độ của HS để kịp thời động viên khích lệ. Không nên để HS cảm thấy hụt hẫng vì đang quen với những lời khen ở tiểu học, giờ đối mặt với những điểm số không như mong muốn”, ông Bình đề xuất.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho biết cần có lộ trình đánh giá có tính liên thông bậc tiểu học lên THCS. Chẳng hạn, học kỳ 1 lớp 6 sẽ là bước đệm, cho HS làm quen dần dần bằng cách đánh giá bằng điểm số một số môn như toán, tiếng Việt… những môn còn lại vẫn áp dụng đánh giá bằng nhận xét.
Ông Vũ Hữu Bình còn cho rằng các trường THCS thường đầu tư lực lượng giáo viên giỏi nhất cho các lớp 8, 9 thì cũng cần bố trí những giáo viên giàu kinh nghiệm sư phạm nhất cho khối 6. Nếu khối 9 cần kết quả học tập tốt nhất để vào được những trường THPT tốt thì lớp 6 cần thoải mái về mặt tâm lý để hòa nhập trong môi trường mới. Một hiệu trưởng tiểu học tại Q.7, TP.HCM cũng cho rằng cần chọn những giáo viên hiểu được tâm lý của HS phụ trách lớp 6.
Hỗ trợ từ gia đình
Về phía gia đình, vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Theo tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, phụ huynh nên có sự chuẩn bị cho các con về mặt tâm lý, chẳng hạn như trang bị những hiểu biết về cách thức dạy học - đánh giá ở cấp THCS, để các con sẵn sàng hơn trong việc đón nhận sự thay đổi.
Một phụ huynh có con học lớp 6 tại Q.Tân Bình, TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm: “Bởi thường xuyên theo dõi việc học cũng như thay đổi của ngành giáo dục nên tôi phần nào hiểu về những thay đổi trong đánh giá của từng bậc học. Vì vậy, khi con hết lớp 5, tôi đã phải làm công tác tư tưởng, nói cho con nghe về việc học ở THCS”. Phụ huynh này cho biết: “Thời gian đầu cháu có bộc lộ thái độ hoảng hốt khi phải trả bài kiểm tra miệng, làm bài kiểm tra 15 phút, một tiết liên tục... Do vậy hằng ngày, tôi đều dành thời gian học cùng bé và hướng dẫn các kỹ năng, cách thức các bài kiểm tra”.

Theo thanhnien

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready