Chủ nhật, ngày 10 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 24/03/2015

Các tôn giáo tích cực tham gia việc phát triển giáo dục mầm non

Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của nhà nước, hệ thống giáo dục mầm non tư thục, trong đó do các cá nhân, tổ chức tôn giáo thành lập trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ tới trường, góp phần giảm bớt gánh nặng cho các trường mầm non công lập. Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 7 trường mầm non, 19 điểm tư thục, với 21 nhóm trẻ và 86 lớp mẫu giáo do các cá nhân, tổ chức tôn giáo thành lập, chiếm gần 20% tổng số nhóm, lớp mầm non ngoài công lập và chiếm 3,65% so với số nhóm, lớp mầm non trên địa bàn. Các địa phương có tỷ lệ trường mầm non do tổ chức, cá nhân tôn giáo thành lập khá cao như: TP. Buôn Ma Thuột (66 nhóm, lớp), huyện Cư Kuin (25 nhóm, lớp), huyện Krông Buk, huyện Cư Kuin. Các cơ sở này huy động hơn 4.037 trẻ đến trường (chiếm 24,3% tổng số trẻ đến trường mầm non).

Giờ thể dục của các bé Trường Mầm non Họa Mi  (TP. Buôn  Ma Thuột).
Giờ thể dục của các bé Trường Mầm non Họa Mi (TP. Buôn Ma Thuột).

Xuất phát từ thực tế, trường mầm non công lập trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố không đủ đáp ứng nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân, các cá nhân, tổ chức tôn giáo đã tự nguyện hiến đất, kinh phí để xây dựng trường học, nhóm trẻ với nguồn kinh phí lớn. Đơn cử như Tu viện Nữ vương Hòa Bình (TP. Buôn Ma Thuột) đầu tư trên 20 tỷ đồng xây dựng trường Mẫu giáo Họa Mi; Tu viện Vinh Sơn đầu tư gần 20 tỷ đồng  xây dựng Trường Mẫu giáo Hoa Cúc; các giáo xứ ở huyện Cư Kuin đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng các trường: Mẫu giáo tư thục Mai Hòa, Mẫu giáo dân lập Trung Hòa, Mẫu giáo dân lập Kim Châu… Với sự đầu tư trên, nhiều trường mầm non do cá nhân, tổ chức tôn giáo thành lập có phòng học, sân chơi rộng rãi, thoáng mát, có bếp ăn, công trình vệ sinh, nguồn nước sạch, có phòng y tế, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định của Bộ GD-ĐT; 100% số trường được trang bị máy tính, nối mạng Internet phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ; hầu hết đều có phòng học nhạc… Nhiều nữ tu là những tấm gương sáng về lòng nhân hậu, đức hy sinh, sự cống hiến âm thầm vì sự nghiệp giáo dục mầm non, được phụ huynh tin yêu, quý trọng. Chị Nguyễn Thị Vân, phụ huynh cháu Trần Thu Loan, Trường Mầm non Họa Mi (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Mỗi sáng đưa con tới trường, các sơ niềm nở đón bé với nụ cười làm tôi yên tâm. Ở đây, chúng tôi có cảm giác như một gia đình”.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục mầm non do các cá nhân, tổ chức tôn giáo thành lập đều thực hiện nghiêm túc chương trình của Bộ GD-ĐT. Trẻ được khám sức khỏe định kỳ hằng năm, theo dõi biểu đồ phát triển. Đặc biệt 100% trẻ được ăn bán trú tại trường, lớp. Để nâng cao chất lượng ở các cơ sở mầm non ngoài công lập nói chung, ngoài kiểm tra định kỳ (điều kiện thành lập trường, cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên, chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ…), hỗ trợ chuyên môn, ngành Giáo dục còn thường xuyên tổ chức các lớp chuyên môn hè, hội thi, phong trào thi đua… giúp nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Đến nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non do các cá nhân, tổ chức tôn giáo thành lập đạt chuẩn trình độ, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. “Các cá nhân, tổ chức tôn giáo đã góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh và phát triển giáo dục mầm non ở nhiều địa phương trong tỉnh, thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tinh thần, thái độ phục vụ hòa nhã, chăm sóc trẻ tận tình, chu đáo, tự nguyện của các nữ tu, tăng ni giúp phụ huynh tin tưởng, đưa trẻ đến học các trường của tôn giáo nhiều hơn, bà H’Yim Kđoh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.

Theo Báo Đắk Lắk (CN)

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready