Các ngành Cao đẳng không đủ điều kiện tiếp tục tuyển sinh: Cần có dự báo nhu cầu nguồn nhân lực
°Ông có thể nói rõ hơn về 18 ngành của Trường không bảo đảm điều kiện tuyển sinh?
Việc rà soát này được Bộ GD-ĐT thực hiện theo lộ trình. Năm 2013, Bộ GD-ĐT đã tiến hành rà soát một số điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của các ĐH, học viện, trường ĐH; năm 2014 rà soát các trường CĐ. Các ngành của Trường không bảo đảm điều kiện tuyển sinh chủ yếu là do không đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 4 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký hoặc ngành mà không tuyển được sinh viên trong ba năm liên tiếp (tính đến năm 2014).
°Nguồn nhân lực “bão hòa” ở một số ngành khá rõ, tại sao trong thời gian dài Trường không đề xuất Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh đối với các ngành trên?
Trong số những ngành vi phạm, có một số ngành bất khả kháng đối với Trường. Đơn cử như ngành Sư phạm Mỹ thuật, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Kinh tế gia đình… trường thông báo tuyển sinh 3-4 năm liên tục nhưng không có học sinh đăng ký dự tuyển. Đặc biệt, ngành Sư phạm Giáo dục Công dân, 5-6 năm qua không có học sinh dự tuyển. Nguyên nhân là do phụ huynh và học sinh không nhìn thấy cơ hội việc làm của những ngành học này nên không mặn mà. Sở dĩ, Trường không đề xuất Bộ GD-ĐT dừng tuyển sinh các ngành đào tạo trên vì một khi địa phương cần nguồn nhân lực liên quan đến những ngành này thì không đáp ứng được nhu cầu, mà một khi đã dừng tuyển sinh đào tạo một ngành nào đó, khi đề xuất mở lại rất khó. Ngoài nguyên nhân một số ngành khó tuyển sinh, thậm chí không tuyển sinh được thì có 10 ngành do thiếu đội ngũ giảng viên có trình độ thạc sĩ. Như chúng ta đã biết, những năm sau ngày đất nước giải phóng, nhu cầu giáo viên ở địa phương thiếu, do đó tỉnh tuyển dụng cùng lúc nhiều giáo viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Số giáo viên này hiện nay đã đến tuổi nghỉ hưu dẫn đến một vài năm trở lại đây, nhà trường thiếu hụt giáo viên trầm trọng. Xin nói rõ thêm, kết quả Bộ GD-ĐT công bố là thống kê của trường năm 2013, vì vậy sau khi có thông báo của Bộ, Trường đã rà soát, đối chiếu lại và bổ sung các minh chứng về đội ngũ giảng viên và tình hình tuyển sinh. Cụ thể cuối năm 2013 và 2014, Trường đã tuyển dụng và hợp đồng dài hạn gần 40 giảng viên các ngành để bù vào số lượng giáo viên nghỉ hưu. Như vậy, hiện toàn trường có 135 giảng viên cơ hữu, 10 giảng viên hợp đồng dài hạn có đóng Bảo hiểm xã hội, trong đó có 2 tiến sĩ, 4 nghiên cứu sinh, 83 thạc sĩ. Năm 2015, trường đang tiếp tục tuyển dụng, bảo đảm khi sinh viên khóa 41 (năm học 2015-2016) nhập học thì sẽ bảo đảm số giảng viên cơ hữu cho từng ngành theo quy định. Trước mắt, khi chưa tuyển dụng đủ, Trường đã hợp đồng với một số giảng viên có trình độ thạc sĩ bảo đảm đúng số lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 4 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký.
°Qua sự việc này, rõ ràng có một “lỗ hổng” trong công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thị trường lao động, thưa ông?
Đúng vậy! Các trường CĐ, ĐH bị động trong công tác xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm do không có điều tra xã hội học về nguồn nhân lực quy mô toàn quốc cũng như ở địa phương. Ví dụ như năm nay ngành Sư phạm cần bao nhiêu chỉ tiêu, gồm những môn học, loại hình giáo viên nào... Điều tra xã hội học này cần làm thêm một bước là số lượng giáo viên nghỉ hưu từng năm, trên cơ sở đó để các trường xây dựng định mức, chỉ tiêu tuyển sinh. Đây là vấn đề lớn đối với các trường, thiết nghĩ cần có cơ quan điều tiết vĩ mô đứng ra thực hiện, các trường căn cứ vào đó tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, Bộ GD-ĐT xây dựng chỉ tiêu đào tạo hợp lý, hạn chế tình trạng đào tạo cung vượt quá cầu gây bức xúc dư luận xã hội.
°Xin cảm ơn ông!
Theo baodaklak