"Đã là chương trình quốc tế thì phải hiểu là tiếng Anh không phải đào tạo thêm. Không phải cứ mang về đi rồi đào tạo trong quá trình học. Đó cũng là 1 cách nhưng khi mời giáo viên nước ngoài đến dạy mà năng lực nghe bài giảng của học viên yếu quá thì chẳng khác gì vịt nghe sấm"- Ông Nhạ nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn nhìn nhận, vẫn có những môi trường chưa thực sự tiên tiến, từ người đứng đầu trường tới người chủ nhiệm CTTT chưa nhận thức đúng, chưa chuyên nghiệp, quy trình chưa đồng bộ... dẫn tới hiệu quả chưa cao trong quá trình triển khai.
Cũng theo Bộ trưởng, khi chọn chương trình chúng ta cũng chưa dành nhiều thời gian để phân tích dự đoán chọn ra những ngành cần thiết cho nền kinh tế mà chủ yếu dựa vào ngành chúng ta đã có thế mạnh, dẫn tới một số ngành xã hội không quan tâm, quy mô nhỏ, sinh viên đầu vào chất lượng chưa tương xứng với mục tiêu của chương trình.
"Trong đó, cái khó nhất là tiếng Anh. Chúng ta chưa có thời gian chuẩn bị cho cả thầy và trò. Có gì dùng nấy. Dẫn tới chất lượng trong một số chương trình chưa đạt được mục tiêu của CTTT"- Bộ trưởng chỉ rõ.
Bộ trưởng Giáo dục cũng chỉ ra một bất cập nữa của một số cơ sở đào tạo khi tham gia các CTTT, sau khi sinh viên ra trường không theo dõi, sát sao, thu nhận phản hồi của nhà tuyển dụng từ đó có những đánh giá chất lượng hiệu quả đầu ra chính xác để có những điều chỉnh lại với chương trình giảng dạy cho sát thực và hiệu quả hơn. Độ gắn kết của chương trình với nghiên cứu khoa học và với doanh nghiệp chưa cao, một số trường có tâm lý "buông ", hết tiền tài trợ là hết CTTT.
"Xét một cách tổng thể, CTTT thành công cả ở kết quả trực tiếp và tác động gián tiếp và sự lan tỏa, và trên nền này chúng ta phát triển lên. Chúng ta như đã có nền móng để nâng cao chất lượng đào tạo ĐH theo hướng tinh hoa, nếu chúng ta không tiếp tục một cách chủ động thì hiệu quả của 10 năm CTTT sẽ lãng phí"- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
"Buông" hay đi tiếp?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Bộ tới đây chỉ làm đường hướng, chủ trương tập hợp để trình còn thực hiện là các trường, các đơn vị theo hướng cạnh tranh.
"Thà ít cũng được nhưng ngành nào ra ngành ấy. Tránh tình trạng chọn ngành chưa chuẩn, lãnh đạo đơn vị chưa thực sự sẵn sàng. Cạnh tranh phải rất quyết liệt"- Bộ trưởng nhấn mạnh. Sau khi có bản đồ về số lượng, sẽ tính tới xây dựng bản đồ về chất lượng. Trong số những ngành cần thiết đó, sẽ xác định những ngành nào cần chú trọng đầu tư.
Bộ trưởng gợi ý, tốt nhất các trường nên chọn các ngành đầu tư trọng điểm từ 35 chương trình đào tạo của CTTT để chọn, tuy nhiên nhiều ngành khác không nằm trong 35 ngành này mà vẫn đáp ứng yêu cầu về sự cần thiết được vẫn đưa vào. Đối tượng các cơ sở tham gia gồm cả các trường ĐH công lập và tư thục.
Sau khi có một bản đồ tổng quan về các ngành đào tạo chiều ngang chiều dọc về cơ cấu, mục tiêu đào tạo… các trường xác định mục tiêu phát triển nhà trường, năng lực đào tạo để chọn chương trình nào mà trường thấy là quan trọng nhất. Mỗi trường chỉ nên chọn tối đa 5 ngành tham gia Đề án, thực hiện được 2-3 chương trình thành công là rất tốt, không phát triển dàn hàng ngang ; và phải xác định rõ đó là việc của nhà trường không phải việc của Bộ.
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú, muốn CTTT thành công cần khắc phục 3 khó khăn lớn nhất là năng lực người thầy, khả năng tổ chức và năng lực tiếng Anh của sinh viên.
Ông Tú chia sẻ, về phía Trường ĐH Y Hà Nội, hoàn toàn có thể tiếp tục chương trình này từ những thành công trong triển khai những năm vừa qua.
"Tôi cũng đề nghị cần rà soát lại chương tình, xem rà soát nội lực của từng trường để đầu tư hiệu quả và đúng chỗ. Bên cạnh đó, nên đầu tư mới cho chương trình mới, vì chương trình cũ đã thực hiện xong sứ mệnh” - Ông Nguyễn Hữu Tú đề nghị.
Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, ông Bùi Anh Tuấn cho rằng, vấn đề lớn nhất là phát triển được đội ngũ, làm sao làm chủ được chương trình, nội dung đào tạo, đây là vấn đề khó khăn cần đầu tư lâu dài, bền bỉ. Cũng theo ông Tuấn, đến giờ nhà trường chưa thể làm chủ hoàn toàn mà vẫn cần sự giúp đỡ của các giảng viên quốc tế.
"Giải pháp được chúng tôi đưa ra là yêu cầu giảng viên phấn đấu đạt chuẩn một trường quốc tế, yêu cầu các thầy cô đào tạo ở nước ngoài để làm chủ được chương trình. Đội ngũ này sẽ dần thay thế giảng viên nước ngoài. Về phía Trường ĐH Ngoại thương vẫn quyết tâm, duy trì chương trình” - Hiệu trưởng Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo tienphong