Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 12/12/2014

Bộ Giáo dục - Đào tạo lý giải việc bỏ chấm điểm học sinh

Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, việc đánh giá thường xuyên và định kỳ học sinh tiểu học còn nặng nề, thông qua việc dùng điểm số đã gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và giáo viên. Việc đánh giá này cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học trước chương trình, dạy thêm học thêm tràn lan, tạo ra những bức xúc cho phụ huynh, học sinh và xã hội.

Việc đánh giá học sinh chưa theo kịp xu hướng của thế giới. Ở các nước tiên tiến, việc đánh giá học sinh được thực hiện ngay trong quá trình học để giúp học sinh rèn luyện và từng bước có kết quả học tập tốt hơn đối với từng học sinh, trên cơ sở đặc điểm riêng của từng em, để em nào cũng cố gắng và tiến bộ so với chính mình.

Doi-moi-giao-duc
Học sinh tiểu học không còn áp lực với việc chấm điểm - Ảnh: Ngọc Thắng

Bộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng, về đánh giá các môn học đã được Bộ quy định, ngoài những môn đánh giá về nhận xét, các môn Toán, tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, ngoại ngữ, tiếng dân tộc, Tin học được đánh giá bằng điểm kết hợp với nhận xét. Tuy nhiên, trong quá trình chấm điểm, giáo viên chủ yếu dùng điểm số, ít nhận xét, nên chưa giúp học sinh biết mình cần phát huy những ưu điểm nào hoặc cần khắc phục những hạn chế nào để tiếp tục vươn lên; chưa giúp phụ huynh học sinh trong việc hỗ trợ con em mình học tập và rèn luyện.

Bên cạnh đó, cách đánh giá chưa thật phù hợp với tâm sinh lý học sinh tiểu học. Các em học sinh tiểu học vốn rất hồn nhiên, vô tư và luôn mong nhận được những lời động viên, khen ngợi, hướng dẫn, chỉ bảo ân cần của thầy, cô giáo để các em vui, thích học và học được, hơn là những điểm số, nhất là với những em có kết quả học tập chưa tốt sẽ dễ mặc cảm, tự ti. Việc chỉ căn cứ vào điểm số của bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ và cuối năm học để xếp loại học sinh, không coi trọng đánh giá quá trình học của học sinh cũng tạo áp lực cho các em và nảy sinh bệnh thành tích.

Nhằm khắc phục những hạn chế trên và thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã triển khai quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học từ năm học 2014 - 2015.

Bộ cũng cho biết, trước khi ban hành quy định mới này, Bộ đã dựa trên cơ sở thực tiễn khi triển khai thực nghiệm ở các trường tham gia mô hình trường học mới từ năm học 2012 - 2013 và đối với học sinh lớp 1 trên toàn quốc từ năm học 2013 - 2014.

Qua thực tế triển khai thực hiện tại các trường tiểu học, đã ghi nhận những tác động tích cực đối với giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh cũng như cán bộ quản lý.

Đối với giáo viên, đã thay đổi được quan điểm đánh giá của giáo viên, chuyển từ việc đánh giá nặng về kiến thức sang đánh giá toàn diện học sinh về cả năng lực và phẩm chất, chuyển từ đánh giá kết quả chú trọng về điểm số, sang nhận xét đánh giá quá trình học tập của học sinh… Cách đánh giá này đã góp phần thay đổi căn bản cách dạy học trong trường tiểu học, góp phần tích cực giúp giáo viên đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học.

Bộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng, đối với học sinh, do được giáo viên quan tâm, nhận xét động viên, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các em đã biết cách học, học được và có hứng thú học tập hơn.

Theo thanhnien

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready