Bộ GD-ĐT khuyến khích mô hình trường học mới
Trong công văn Bộ GD-ĐT khẳng định, mô hình trường học mới (VNEN) là một trong những phương pháp, hình thức dạy học tiên tiến của thế giới hiện nay. Qua 3 năm triển khai thử nghiệm cho thấy, mô hình có nhiều điểm tích cực, tạo được môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được tăng cường.
Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình trường học mới này chưa thực sự phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương nên đã gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, trong những năm đầu triển khai, một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về mô hình và điều kiện áp dụng; cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc; việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đông... dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận.
Góc học tập theo mô hình trường học mới tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (TP. Buôn Ma Thuột). |
Nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, rút kinh nghiệm quá trình triển khai thực hiện vừa qua, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở GD-ĐT tiếp tục chủ động nghiên cứu, áp dụng các phương thức giáo dục tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tiễn để đảm bảo thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục; đồng thời chủ động nghiên cứu, lựa chọn các thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào phương thức giáo dục đang áp dụng.
Tại tỉnh Đắk Lắk, năm học 2016-2017, bậc tiểu học tiếp tục triển khai mô hình trường học mới; còn bậc THCS thực hiện theo nguyện vọng do điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên không bảo đảm.
Theo baodaklak