Bộ GD&ĐT giải đáp những vấn đề 'nóng' về tuyển sinh ĐH - CĐ 2017
Thi trắc nghiệm sẽ công bằng cho tất cả thí sinh
Thi trắc nghiệm, đặc biệt là trắc nghiệm môn Toán có kiểm tra được tư duy logic, sáng tạo của thí sinh không?
Bộ GD&ĐT: Thi trắc nghiệm ở nước ta không phải là hình thức mới. Việc thi Toán bằng hình thức TNKQ có thể là mới với chúng ta nhưng nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Trắc nghiệm môn Toán được áp dụng ở các bài thi SAT và ACT của Hoa Kỳ là một ví dụ.
Mỗi bài thi này có khoảng trên 50 câu hỏi Toán hoàn toàn thi bằng hình thức TNKQ. Hằng năm mỗi bài thi này thu hút hàng triệu lượt thí sinh tham gia dự thi để ứng tuyển vào khoảng 1800 trường đại học của Hoa Kỳ.
Trắc nghiệm khách quan có nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự khách quan và công bằng cho tất cả thí sinh. Đề thi TNKQ được thiết kế tốt sẽ đánh giá được nhiều khả năng tư duy, năng lực ở các mức độ khác nhau của người học.
Cho dù có nhiều cách giải khác nhau trong bài toán cũng cùng đến một kết quả do vậy khi thiết kế câu hỏi thi các chuyên gia đã tính toán tối thiểu phải qua bao nhiêu bước tư duy mới giải được và mất tối thiểu bao nhiêu thời gian, nếu có những cách giải sáng tạo để thu ngắn các bước tư duy và thời gian thì các thí sinh này thực sự có năng lực bậc cao để giải quyết hết các câu hỏi trong bài thi.
Thực tế, trong các các câu hỏi TNKQ, trong số 4 phương án trả lời thường có 2-3 phương án rất gần nhau, đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ kỹ lưỡng và có lập luận chặt chẽ để chọn câu trả lời chính xác nhất. Do vậy, hình thức thi TNKQ hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy logic và sự sáng tạo của thí sinh.
Bài thi Khoa học tự nhiên và bài thi Khoa học xã hội là bài thi tích hợp hay bài thi tổ hợp? Việc làm và chấm điểm các môn thi thành phần như thế nào? Thí sinh có phải làm cả hai bài thi này không?
Bộ GD&ĐT: Các bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH) là bài thi tổ hợp, mỗi bài thi gồm các môn thi riêng rẽ, các môn được bố trí tuần tự hết môn này đến môn khác. Kết quả chấm thi sẽ đưa ra điểm từng môn thành phần và điểm của cả bài thi tổ hợp phục vụ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Nhằm hạn chế việc thí sinh có thể chỉ làm bài thi đối với một số môn thành phần, bỏ qua một số môn khác trong bài thi, Quy chế thi THPT quốc gia sẽ quy định cụ thể cách thức tổ chức thi và mức điểm tối thiểu đối với mỗi bài thi, môn thi (điểm liệt) để làm điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Để được xét tốt nghiệp THPT, ngoài 3 môn bắt buộc, thí sinh chọn thi thêm bài thi KHTN hoặc bài thi KHXH. Nếu có nguyện vọng, thí sinh có thể thi cả 2 bài thi này để tăng cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ nhiều ngành khác nhau. Khác với các năm trước, năm nay thí sinh biết trước các môn thi ngay từ đầu năm, do đó giúp thí sinh chủ động hơn trong ôn tập.
Bài làm của thí sinh được chấm bằng máy quét
Thay đổi cấu trúc bài thi TNKQ có thể dẫn đến thay đổi mẫu Phiếu trả lời trắc nghiệm. Điều này có gây khó khăn cho thí sinh khi làm bài? Việc chấm thi bằng máy sẽ thực hiện như thế nào?
Bộ GD&ĐT: Mặc dù cấu trúc bài thi TNKQ có thay đổi so với các năm trước (với các bài Toán, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội) nhưng hình thức câu hỏi TNKQ và phương án trả lời sẽ không thay đổi so với trước đây.
Vì vậy, sẽ không gây khó khăn gì cho thí sinh khi làm bài thi TNKQ. Về cơ bản mẫu Phiếu trả lời trắc nghiệm của các môn thi độc lập sẽ giữ như năm 2015, 2016. Phiếu trả lời trắc nghiệm của các bài thi Khoa học tự nhiên và bài thi Khoa học xã hội sẽ bố trí phù hợp với yêu cầu thi các môn thành phần.
Việc chấm thi bằng máy sẽ thực hiện tương tự như những năm trước: bài thi của thí sinh với mã đề thi xác định sẽ được quét vào máy tính, phần mềm chấm sẽ nhận dạng phương án trả lời của thí sinh, đối chiếu với đáp án để quy điểm.
Bộ sẽ cung cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm và yêu cầu các Hội đồng thi thống nhất sử dụng phần mềm chấm thi này để đảm bảo an toàn trong chấm thi và độ tin cậy của kết quả thi.
Việc giao cho các Sở GDĐT chủ trì cụm thi có đảm bảo tính khách quan để sử dụng kết quả kỳ thi?
Bộ GD&ĐT: Năm 2017, Bộ chỉ tổ chức 1 loại cụm thi ở tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước do Sở GDĐT chủ trì. Để đảm bảo tính trung thực, khách quan của kỳ thi, hạn chế tối đa tiêu cực phát sinh trong quá trình coi thi, chấm thi, trong kỳ thi sắp tới, mỗi thi sinh trong phòng thi có một đề thi trắc nghiệm riêng với các câu hỏi khác nhau và có độ khó tương đương. Bài làm của thí sinh được chấm bằng máy quét.
Với điều kiện kỹ thuật đó, cùng với sự phối hợp, hỗ trợ và giám sát của các trường đại học trong công tác tổ chức thi, coi thi và chấm thi, kết quả của kỳ thi sẽ đảm bảo được độ tin cậy.
Theo tienphong