Bỏ chấm điểm tiểu học: Học sinh tiến bộ hay sa sút ?
Thay chấm điểm bằng nhận xét học sinh tiểu học dù là một chủ trương đúng, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn vẫn cần có sự điều chỉnh hợp lý - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Giáo viên lo ghi sổ sách, chểnh mảng việc dạy
Báo cáo sơ kết học kỳ 1 của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, tỷ lệ học sinh (HS) đạt yêu cầu đều ở gần mức 100%. Cụ thể, lớp 1 tỷ lệ HS được đánh giá đạt về năng lực và phẩm chất ở mức 99,31% và 99,76%; lớp 2 lần lượt là 99,48% và 99,55%; lớp 3 là 99,35% và 99,91%; lớp 4 là 99,25% và 99,89%; lớp 5 là 99,27% và 99,78%; tỷ lệ chưa đạt chỉ ở mức từ 0,09 - 0,75%.
Tỷ lệ HS hoàn thành các môn học từ lớp 1 đến lớp 5 đối với môn toán và tiếng Việt đạt gần 98% trở lên.
Nhìn vào những con số trên, báo cáo của sở này đã cho rằng: “HS tiến bộ hơn khi thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về đánh giá HS tiểu học”. Tuy nhiên, chính các giáo viên (GV) trực tiếp đứng lớp cho rằng quá vội vàng và thiếu cơ sở khoa học để nói rằng HS tiến bộ hơn nhờ cách đánh giá mới.
Cuối tuần vừa qua, hàng loạt trường tiểu học họp phụ huynh sau khi kết thúc học kỳ 1. Những tâm tư băn khoăn, bức xúc của phụ huynh tập trung vào cách thức đánh giá mới.
Một phụ huynh ở Q.Hai Bà Trưng cho biết trong buổi họp, khi phụ huynh phản ánh các con học hành sa sút hơn vì không có chấm điểm. Chính cô giáo cũng thừa nhận điều này và lý giải rằng cách đánh giá mới khiến GV mất rất nhiều thời gian ghi chép sổ sách, hồ sơ của HS nên không thể tránh khỏi lơ là việc theo dõi học tập HS.
Không ít trường ở Hà Nội, sĩ số lên tới 60 HS/lớp, GV quá vất vả để nhận xét cho từng HS.
Một GV ở Q.Ba Đình cho rằng theo quy định mới, GV phải đánh giá, ghi chép vào 4 loại hồ sơ, sổ sách. Điều đáng nói là cả 4 loại này đều có nội dung không khác gì nhau: sổ theo dõi chất lượng giáo dục, sổ liên lạc, học bạ, phần mềm nhận xét của sổ theo dõi chất lượng giáo dục.
Học sinh thờ ơ, xao nhãng học tập
Trao đổi với chúng tôi, nhiều GV và phụ huynh tại TP.HCM đều cùng nhận xét HS có phần thờ ơ, thiếu ý thức phấn đấu.
“Năm học trước, mỗi khi bài làm trong vở nhận điểm 7, con tôi vô cùng lo lắng, tối đến hối ba mẹ hướng dẫn lại cách làm bài. Còn năm nay, tôi thấy cháu có phần thờ ơ, nếu không có bài tập về nhà thì cháu chuẩn bị bài cho ngày hôm sau chứ không chuyên tâm học hành như trước”, một phụ huynh tại P.6, Q.5 tâm sự.
Còn một phụ huynh HS tại Q.Gò Vấp đã tranh thủ thời gian đón con giờ tan trường để tìm hiểu và tỏ ra lo lắng vì lời nhận xét của cô giáo rất chung chung, cứ na ná nhau “con làm bài tốt”, “bài con đạt yêu cầu”... “Nếu cứ như vậy tôi e dần dần các cháu sẽ mất ý thức học tập vì nhận xét của GV không tạo cho trẻ có ý thức cố gắng”, phụ huynh này cho biết.
Ông Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1), cũng cho rằng kiểm tra thấy vở của HS không có điểm nhấn nào thể hiện việc phấn đấu trong học tập. Khá nhiều GV tiểu học Q.Bình Thạnh cũng nhận xét như thế về lứa HS năm nay.
Không chỉ vậy, nhiều phụ huynh băn khoăn giữa lời nhận xét đánh giá và kết quả điểm số không có sự tương thích. GV Lê Phương Trí, Trường tiểu học Đống Đa (Q.4) kể: “Sau khi biết kết quả bài kiểm tra học kỳ, một phụ huynh tâm tư rằng nhìn lời phê của thầy cô, chúng tôi rất an tâm về con em mình. Nhưng kết quả bằng điểm số cuối học kỳ làm tôi lo lắng vì cháu chỉ có 5 điểm toán. Sao GV không phê rõ là cháu học yếu, trung bình, khá hay giỏi để chúng tôi dễ kèm cặp, răn đe cho cháu học tốt hơn”.
“Bội thực” lời khen
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.4 (TP.HCM) cho biết hầu như những đánh giá của GV hiện nay đều mang tính động viên. Thực tế đã có HS không giỏi về học tập nhưng lại có năng khiếu, hăng hái tham gia các hoạt động phong trào vẫn được khen hoặc ngược lại nên năm nay có hiện tượng “bội thực lời khen”. Một hiệu trưởng khác dẫn chứng, trường có hơn 1.000 HS, năm học trước có khoảng 92% được khen thì năm nay tăng thêm 6%.
Theo Thông tư 30, lời phê của GV phải nêu rõ điểm cần khắc phục, biện pháp hỗ trợ, điểm đáng khen và phải luôn có câu động viên, khích lệ HS... Vì thế thường xuất hiện nhiều lời nhận xét “có cánh” trong bài của HS như “Con biết chia nhưng con cần chú ý dấu phẩy trong chia số thập phân. Cố gắng lên con nhé!”. Trong khi thực tế khi chia số thập phân mà quên dấu phẩy hay đặt dấu phẩy không đúng là bài sai hết. Hay trong bài viết của HS có chi tiết không đúng như “Sau cơn mưa, con gà mái gáy ò ó o dẫn đàn con đi săn mồi...” nhưng GV vẫn phê “Con cần quan sát thực tế nhiều hơn để có ý chính xác và dùng từ đúng hơn. Mong con tiến bộ hơn trong bài viết sau nha!”.
Một GV cho biết, mặc dù khi sửa bài GV sửa rất kỹ nhưng khi ghi vào bài làm HS, GV phải ghi “nhẹ nhàng” theo quy định. Như vậy, khi đọc những lời phê nhẹ nhàng như thế, phụ huynh sẽ rất an tâm về việc học của con em mình.
Trước thực tế này, ông Trương Văn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Âu Cơ (Q.Tân Phú, TP.HCM ), nhận xét: “Nếu phụ huynh không quan tâm sâu sát đến bài làm của con em thì dễ có nhận định chủ quan về lực học của các em”.
Theo thanhnien