Bao nhiêu nguyện vọng là đủ?
Nguyễn Thị Ngọc Lan, đang là học sinh lớp 12 tại một trường THPT thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết thời gian đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển ĐH sắp đến, nhưng em vẫn đang không biết chọn ngành, trường như thế nào. “Được đăng ký không hạn chế chưa chắc đã là một thuận lợi. Vì đăng ký trường này lại phân vân trường kia” – Ngọc Lan chia sẻ. Đứng trước nhiều ngã rẽ, Lan cho rằng thật không dễ để chọn được ngả nào phù hợp nhất với mình.
Đồng quan điểm này, em Nguyễn Văn Đông, học sinh lớp 12 tại Thái Bình cho biết em thích hai ngành là kinh tế và ngoại ngữ. Năm nay, Đông chọn bài thi tổ hợp xã hội và chọn khối D1 để xét tuyển. “Em dự định sẽ chọn 4 NV cho khối ngành kinh tế và 4 NV cho khối ngành ngoại ngữ. Kết quả kiểm tra ở lớp cũng như của trường em thường đạt 21 điểm 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Với mức điểm này, em chưa biết sẽ sắp xếp NV như thế nào. Các thầy cô cứ tư vấn là tham khảo điểm trúng tuyển của các trường những năm trước. Nhưng những năm trước, Toán không thi trắc nghiệm khách quan, ngoại ngữ có phần tự luận. Đổi mới của năm nay như thế, chắc gì điểm chuẩn của các trường đã ổn định như các năm vừa qua?” – Đông đặt câu hỏi.
Nên đăng ký 5 nguyện vọng là đủ
Theo ông Chử Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, phụ huynh và học sinh cần giữ vững quan điểm từ ban đầu. “Phụ huynh nên tham khảo kỹ lưỡng tư vấn của các thầy cô giáo cũng như có định hướng cho con em. Theo tôi, cần tránh chạy theo phong trào, tạo thành áp lực cho học sinh. Phụ huynh cũng nên tôn trọng NV của cá nhân của con em mình” – ông Dũng cho chia sẻ.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội cũng cho rằng năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được lựa chọn một trong hai bài thi tổ hợp hoặc cả hai bài thi tổ hợp (Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội) để thi. “Nhưng theo quan điểm và bằng kinh nghiệm của chính mình, tôi nghĩ các em học sinh không nên lựa chọn thi cả hai bài tổ hợp. Các em nên tập trung vào môn có năng lực nhất, gần với khối xét tuyển ĐH nhất. Làm sao tận dụng được sở trường của mình để lựa chọn. Không nên quá mở rộng môn thi” – thầy Bình nói.
Còn về lựa chọn trường để đăng ký xét tuyển ĐH, thầy Bình cũng cho rằng dù có vô vàn cơ hội để đăng ký xét tuyển nhưng thí sinh nên lựa chọn phù hợp với năng lực của bản thân, sở thích, điều kiện kinh tế gia đình, cơ hội có việc làm.
Đứng dưới góc độ chuyên gia nhiều năm làm tuyển sinh ĐH, ông Nguyễn Phong Điền, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khuyên thí sinh năm nay nên đặt NV mình yêu thích nhất lên trên. Mức độ yêu thích giảm dần. “Nếu theo như những gì mà Bộ GD&ĐT đang triển khai, thì năm nay, những thí sinh trên điểm sàn đều có cơ hội đỗ ít nhất vào một trường ĐH nào đó từ đợt xét tuyển đầu tiên. Các trường cũng sẽ cơ bản tuyển sinh xong ngay từ đợt 1. Vì vậy, thí sinh đừng bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển từ đợt xét tuyển đầu tiên. Nếu bỏ lỡ, các em sẽ khó có cơ hội trúng tuyển đợt bổ sung” – ông Điền cho biết.
Cũng theo ông Điền, dù được đăng ký không giới hạn NV, nhưng thí sinh chỉ nên đăng ký tối đa 5 NV là đủ. NV cuối nên đăng ký vào trường có cơ hội đỗ nhất.
Tạm dừng tuyển sinh ngành quân sự cơ sở
Theo Đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng ban Thư ký Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng (TSQSBQP), năm 2017, do yêu cầu nhiệm vụ, các trường thuộc Bộ Quốc phòng tạm dừng tuyển sinh ngành quân sự cơ sở. Ông Tiến cũng cho biết, năm nay, hệ dân sự trong các trường quân sự cũng giảm chỉ tiêu còn hệ quân sự tương đương năm 2016. Đại tá Vũ Xuân Tiến cũng lưu ý một số điểm mới trong công tác tuyển sinh năm nay vào các trường ĐH, CĐ quân sự. Trong đó, đáng chú ý là cũng như các trường khối công an, các trường quân sự chỉ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 của thí sinh. Năm nay, Bộ Quốc phòng cũng quyết định xét tiêu chí phụ dựa vào kết quả thi của thí sinh, không dựa vào kết quả học tập THPT như mọi năm.
Theo tienphong