Báo động tình trạng học sinh vô cảm trước nạn bạo lực học đường
Nhiều vụ bạo lực được ghi hình, phát tán trên mạng xã hội, tác động tiêu cực tới nhà trường, gia đình và các nạn nhân trong vụ việc, gây dư luận xấu trong xã hội. Đáng chú ý nhiều học sinh chứng kiến sự việc không can ngăn mà còn reo hò, cổ vũ cho thấy sự vô cảm của một bộ phận trong các em trước nạn bạo lực học đường (BLHĐ).
Cuối tháng 3-2017 trên trang Facebook “Diễn đàn Tây Nguyên” xuất hiện đoạn clip dài khoảng 40 giây quay lại cảnh đánh nhau giữa 2 nữ sinh cùng học lớp 9, Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (huyện Krông Pắc). Nguyên nhân xuất phát từ việc cho mượn tiền, người bảo trả rồi, người nói chưa dẫn đến ẩu đả, cả hai dùng tay, chân liên tục đấm, đá, vật nhau xuống đường trong khi nhiều học sinh khác đứng xung quanh cổ vũ một hồi lâu rồi mới vào can ngăn.
Trước đó, tháng 10-2016, trên mạng Internet cũng phát tán video dài gần 2 phút ghi lại cảnh 3 nữ sinh lớp 9, Trường THCS Lê Lợi (huyện Ea H’leo) đánh nhau vì lý do một nữ sinh có cái nhìn “vênh váo” nên hai nữ sinh xông vào đánh để dạy cho bạn một bài học. Điều đáng buồn là xung quanh có nhiều học sinh đứng xung quanh quay clip nhưng không ai can ngăn ngược lại còn có những phát ngôn thô tục. Các đoạn clip trên sau khi đăng tải đã thu hút hàng nghìn lượt xem, lượt thích, chia sẻ và bình luận.
2 nữ sinh đánh nhau. Ảnh cắt từ clip
Hay mới đây, sự việc 2 nhóm học sinh nam Trường THPT huyện Lắk gây gổ, đánh nhau vào tháng 5-2017 làm một em bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu khiến nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng. Xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân giữa Y Thắng Tơr và Châu Hùng Tuấn, 2 bên đã đánh nhau trong trường, sau đó cả hai về nhà gọi thêm bạn để hỗ trợ. Thay vì khuyên ngăn giúp bạn giải quyết mâu thuẫn thì nhóm bạn của Y thắng và Tuấn vào hùa đánh nhau dẫn đến sự việc Y Hạnh Tơr (nhóm Y Thắng) dùng dao đâm vào vai, lưng khiến Tuấn phải nhập viện cấp cứu.
Theo Thạc sĩ Mai Quang Sơn, Trưởng bộ môn Tâm lý – Giáo dục, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, vấn đề BLHĐ hiện nay đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Trước sự gia tăng cả về số lượng vụ việc, mức độ, tính chất nguy hiểm càng cao như hiện nay cùng với sự thờ ơ, vô tư đến “vô cảm” của một bộ phận học sinh cho ta thấy cần phải có biện pháp cấp thiết để ngăn chặn vấn nạn này. Để làm được điều này, giữa gia đình – nhà trường – xã hội cần có sự gắn kết, tập trung giáo dục lòng nhân ái, tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau cho trẻ để đẩy lùi sự vô cảm, từ đó góp phần ngăn chặn nạn BLHĐ…
Theo baodaklak