Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 29/12/2016

Bài thi tổ hợp 3 môn: Học sinh căng thẳng, không kịp trở tay

120 câu - 150 phút - 3 môn: “Tra tấn” học sinh

Một cô giáo dạy Địa lý một trung tâm giáo dục thường xuyên tại TP Hồ Chí Minh cho biết, trong bài kiểm tra học kỳ I vừa qua, giáo viên đã được yêu cầu đổi mới cách ra đề từ tự luận sang trắc nghiệm hoàn toàn. 

Với 40 câu hỏi, học sinh chỉ được làm bài trong thời gian 50 phút. Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả học kỳ I, giáo viên vẫn phải có hướng dẫn ôn tập và khoanh vùng các bài thi để học sinh ôn mới đạt kết quả cao. 

Còn nếu không không khoanh vùng kiến thức chỉ có khoảng 20-30% học sinh đạt trên 5 điểm, chưa kể thực hiện các bài thi liên tiếp khiến học sinh rất rối trí”. "Hiện cả cô và trò đang rất bối rối trong cách ôn luyện cũng như sợ kết quả thi năm nay sẽ không ổn như mọi năm", cô giáo này cho hay.

Bài thi tổ hợp 3 môn: Học sinh căng thẳng, không kịp trở tay ảnh 1
Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2016. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội chia sẻ, vì lo lắng ảnh hưởng đến kết quả học kỳ I của học sinh không tốt nên sau khi kết thúc đợt kiểm tra học kỳ ông mới cho học sinh tập dượt ba bài thi trong tổ hợp KHTN và KHXH. Học sinh được xếp 24 em/phòng và mỗi đề thi có 8 mã đề khác nhau.

Hiệu trưởng này cũng thông tin, hiện giáo viên đang chấm bài kiểm tra cả hai đợt nên chưa thể so sánh được kết quả tuy nhiên, việc thi 3 môn cùng lúc khiến học sinh căng thẳng, lo lắng hơn rất nhiều. “Nếu không được thi độc lập mỗi buổi một môn như trước thì bộ nên kéo dài thời gian nghỉ giữa các môn”, ông nói.

Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh - ông Đào Tuấn Đạt cũng cho rằng, việc thi 3 môn liên tiếp trong một buổi là “tra tấn” học sinh, không có cơ sở khoa học nào để áp dụng. Vì thế, cả giáo viên và học sinh đều hoang mang, lo lắng khi chọn một trong hai tổ hợp.

“Việc thi 3 môn liên tiếp trong một buổi là “tra tấn” học sinh, không có cơ sở khoa học nào để áp dụng. Vì thế, cả giáo viên và học sinh đều hoang mang, lo lắng khi chọn một trong hai tổ hợp”. 

Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh ông Đào Tuấn Đạt 

Theo ông Đạt, năm 2015 ví dụ đề thi môn Vật lý có 50 câu hỏi với thời gian làm bài là 90 phút nay bỗng rút xuống còn 50 phút với 40 câu hỏi là một sự vô lý. 

Chưa kể, các em phải làm ba bài thi liên tiếp với 120 câu hỏi trong thời gian 150 phút chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả thi năm nay. Ông Đạt cho rằng, lãnh đạo bộ nên có thí điểm hoặc tự ngồi thực hiện 3 bài thi liên tiếp, kiến thức thuộc ba lĩnh vực khác nhau xem kết quả thế nào mới có quyết định. Hoặc chí ít cũng nên có thời gian nghỉ giữa các môn từ 30 phút đến ít nhất là 1 giờ để học sinh có thời gian nộp bài, trao đổi bài và chuẩn bị tâm lý cho môn thi tiếp theo.   

Còn thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cũng chia sẻ, với cách thi 3 môn trong tổ hợp như năm nay, học sinh trường chuyên có năng lực tốt, kiến thức vững nên không gặp nhiều khó khăn còn học sinh các trường không chuyên sẽ vô cùng vất vả. 

Bởi năm nay là năm đầu tiên thi trắc nghiệm các môn trong tổ hợp KHXH, thầy trò đã phải xoay chuyển 180 độ cả về cách dạy lẫn cách học để thi. Trong khi đó, các em phải thi 3 bài thi liên tiếp sẽ dễ “rối, loạn” kiến thức giữa môn này và môn khác. Nếu làm bài không tốt ở môn thi trước học sinh cũng không có tâm lý tốt để làm bài thi sau. Như vậy, việc ảnh hưởng đến kết quả thi là điều không tránh khỏi”, thầy Hiếu nói.

Còn nhiều lo lắng

Trong khi đó, trên trang Facebook cá nhân, một cô giáo ở Thừa Thiên Huế cho biết, chứng kiến học sinh  “xoay mòng mòng” với tổ hợp 3 môn Lý – Hóa - Sinh theo kiểu vừa “buông tay chầm lại cầm ngay tay chèo” khiến cô không khỏi lo lắng. “Làm sao có thể huy động được một lượng kiến thức mênh mông ở cả 3 môn khác nhau trong một quãng thời gian ngắn thế” – cô giáo này viết.

Cô giáo này cũng lo lắng về việc thi trắc nghiệm môn Toán sẽ được tổ chức lần đầu tiên trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Với một đề thi môn Toán 50 câu trắc nghiệm, thực chất là bài toán làm trong 90 phút, chỉ nói đến việc đọc đề đã hoa cả mắt. 

GS. Đỗ Đức Thái, Khoa Toán Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, “với bài thi trắc nghiệm môn Toán, 90 phút với 50 câu có phản ánh được năng lực của thí sinh không thì tôi chưa có thời gian nghiên cứu được thật thấu đáo. Bao nhiêu thì là đủ, dựa trên thống kê tâm lý như thế nào thì tôi cần thời gian để tìm hiểu” – GS. Đỗ Đức Thái khẳng định.

Một thầy giáo ở Nam Định chia sẻ, tại sao Bộ không tổ chức mỗi môn thi thành một bài thi như ngày xưa. “Nếu nói để giảm thời gian, tiết kiệm thời gian thì Bộ cho mỗi môn thi chỉ còn 10 phút. Bộ sợ các trường  ĐH không tuyển được thí sinh, nhưng có thi đến cả tiếng đồng hồ, không tuyển được vẫn cứ là không tuyển được. Với bài thi tổ hợp 3 môn thi, tôi cứ thấy có gì đó không ổn” – thầy giáo này chia sẻ.

Hoàng Văn Đông, học sinh lớp 12 ở Nam Định cho biết kiểm tra học kỳ I vừa qua, trường em không tổ chức thi theo bài, mà là thi ba môn trong mỗi bài thi trong một buổi. Hết môn, các thầy cô thu bài, sau đó làm bài tiếp theo. “Em thi bài thi khoa học  xã hội, không thấy đề thi khó nhưng thấy khá căng thời gian làm bài. Nếu làm môn trước không tốt, bọn em chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tâm lý môn sau” – Đông nói.

Theo tienphong

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready