100% học sinh GDTX không đăng ký thi môn ngoại ngữ
|
Ông Nguyễn Hoa Nam, Trưởng phòng Khảo thí kiểm định chất lượng giáo dục- Công nghệ Thông tin (Sở GD-ĐT). |
+Xin ông cho biết bức tranh toàn cảnh về đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016 của tỉnh Đắk Lắk?
Đến hết ngày 30-4 (thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ đăng ký dự thi), toàn tỉnh có 24.111 học sinh (HS) đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2016; gồm: 18.589 HS hệ THPT, 1.433 HS hệ GDTX và 4.089 HS tự do. Số lượng HS đăng ký dự thi các môn bắt buộc và tự chọn như sau: Toán: 23.300 HS, Ngữ văn 22.312 HS, Vật lý 11.313 HS, Hóa học 13.172 HS, Sinh học 8.549 HS, Lịch sử 4.834 HS, Địa lý 9.943 HS và Ngoại ngữ là 4.302 HS.
Trong số hơn 24 nghìn TS đăng ký dự thi thì 7.303 HS chỉ đăng ký thi tốt nghiệp, 13.915 HS đăng ký thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH, CĐ và 2.893 HS chỉ thi để xét tuyển ĐH, CĐ.
+Vấn đề được ngành Giáo dục và dư luận quan tâm trong kỳ thi là tình hình đăng ký thi môn Ngoại ngữ của HS trên địa bàn tỉnh năm nay, thưa ông?
Toàn tỉnh có 4.302 HS đăng ký thi môn Ngoại ngữ (đạt tỷ lệ hơn 20% tổng số HS đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016), gồm: 3.775 HS hệ THPT, 527 HS tự do. Đáng nói là không có HS hệ GDTX đăng ký thi môn Ngoại ngữ. Điều này cũng dễ hiểu bởi chất lượng tuyển sinh đầu vào lớp 10 của các trung tâm GDTX thấp, trong đó có khá nhiều HS dân tộc thiểu số.
Đề án phát triển Ngoại ngữ giai đoạn 2016-2020 được Sở GD-ĐT triển khai trong những năm vừa qua, nhưng do đặc thù của tỉnh miền núi, có đông HS dân tộc thiểu số, nhiều thành phần dân tộc nên gặp nhiều khó khăn trong dạy- học ngoại ngữ. Thống kê trước khi cho HS đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 thì, hầu hết các trường THPT, trung tâm GDTX đều thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy học môn Ngoại ngữ; đặc biệt đội ngũ giáo viên dạy môn ngoại ngữ vừa thiếu, yếu. Qua báo cáo của 54 trường THPT, tỷ lệ giáo viên đạt bậc 5, bậc 6 (tức đạt trình độ C1, C2 của Khung tham chiếu châu Âu) chỉ đạt 15-25% số lượng giáo viên dạy ngoại ngữ hiện có do đó ảnh hưởng đến chất lượng dạy học ngoại ngữ. Thẳng thắn mà nói chất lượng dạy học ngoại ngữ hiện nay trên địa bàn tỉnh còn thấp.
|
Học sinh Trường THPT Hùynh Thúc Kháng, thị xã Buôn Hồ trao đổi bài môn Ngoại ngữ (Ảnh tư liệu) |
+Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016 Sở GD-ĐT cho phép HS các trường được thay thế môn Ngoại ngữ theo nguyện vọng, nhưng từ kỳ thi năm 2017, Sở sẽ “siết” việc thi môn thay thế này. Xin ông cho biết rõ hơn về điều này?
Ngành Giáo dục đang đẩy mạnh thực hiện Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Vì vậy, trong công văn số 449, ngày 13-4-2016 gửi các trường THPT cho phép HS thay thế môn thi Ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Sở GD-ĐT nêu rõ: “Yêu cầu tất cả các trường khắc phục mọi khó khăn về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ để trong những năm tới các thí sinh vừa xét tốt nghiệp và và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng đều tham gia thi ngoại ngữ. Điều này, không phải Sở GD-ĐT “ép” HS mà xác định rõ đây là yêu cầu cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong thời kỳ hội nhập.
+Liệu rằng, giải pháp này đã đủ mạnh để nâng cao chất lượng dạy học môn Ngoại ngữ, đáp yêu cầu nguồn nhân lực khi đất nước đang hội nhập nhanh, thị trường lao động mở rộng?
Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ thi môn Ngoại ngữ là yêu cầu tất yếu đòi hỏi toàn ngành và từng em HS đều phải quan tâm. Để nâng cao chất lượng dạy học môn ngoại ngữ và tăng tỷ lệ HS đăng ký thi môn Ngoại ngữ, ngoài bảo đảm về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ép dần lộ trình bắt buộc HS thi môn Ngoại ngữ, thì điều kiện quan trọng từng giáo viên là phải tự nâng cao trình độ để đạt chuẩn trình độ quy định của Bộ GD-ĐT. Nếu không làm tốt điều này, thì không thể đòi hỏi chất lượng môn Ngoại ngữ tăng. HS vẫn tiếp tục “sợ” thi môn Ngoại ngữ. Các giải pháp này phải được thực hiện đồng bộ.
+Xin cảm ơn ông!
Theo baodaklak