Xin nước thải về nghiên cứu khoa học
3 thành viên của nhóm: Bùi Phú Sơn, Nguyễn Vũ Phong, Lâm Thành Đạt ( từ trái qua) - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nguyễn Vũ Phong là sinh viên năm 4 trường Đại học Công nghệ TP.HCM (ĐH Hutech). Anh và hai người bạn là Bùi Phú Sơn, Lâm Thành Đạt đều có chung sở thích nghiên cứu về chế phẩm vi sinh.
Dưới sự hướng dẫn của thầy cô trong trường, cả ba lập nhóm để thực hiện công trình Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học bùn hoạt tính xử lý nước thải thủy sản có độ mặn cao. Công trình này được trao giải 3 tại giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2018.
Thí nghiệm cả chục lần
Từ tháng 9-2017, nhóm lên ý tưởng thực hiện nghiên cứu. Với sự giúp đỡ của thầy giáo hướng dẫn - Th.s Lâm Vĩnh Sơn (giảng viên ĐH Hutech), các bạn đi tìm nước thải ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Bình Tân, TP.HCM, cách trường gần 50km) suốt hơn 2 tháng.
"Tụi mình tranh thủ đi lấy nước vào buổi trưa, nhiều khi nắng nóng, rất cực nhưng lại thấy rất vui", Phong (nhóm trưởng nhóm nghiên cứu) chia sẻ.
Nguyễn Vũ Phong, nhóm trưởng nhóm nghiên cứu - Ảnh: Ý NHUNG
Nhóm được nhà trường hỗ trợ đầy đủ về mặt cơ sở vật chất, phòng thí nghiêm, hóa chất và một phần chi phí trong quá trình nghiên cứu. Phần còn lại do ba thành viên tự góp.
Sau khi lấy nước thải về, nhóm chạy thích nghi cho nước thải và bùn hoạt tính trong 2 tuần. Hệ thống thí nghiệm gồm chuỗi các bể bùn hoạt tính có bổ sung chế phẩm sinh học, thiết bị phân tích chỉ số trong nước thải và đối chiếu liên tục với số liệu nhiễm mặn ban đầu.
Nhóm cũng kiểm chứng trên nhiều độ mặn, bằng cách cho thêm muối để xác định chế phẩm có xử lí được những độ mặn lớn hay không.
Mô hình thí nghiệm xử lí nước thải của nhóm được lắp đặt tại trường - Ảnh do nhân vật cung cấp
Lần đầu tiên, kết quả thí nghiệm cho ra những con số không như nhóm mong muốn, cả nhóm phải chạy lại từ đầu. Cứ như thế, suốt quá trình làm, các bạn phải thử đi thử lại nhiều lần để cho ra những con số mỹ mãn.
Kết quả, công trình của nhóm Phong đã xác định được lượng chế phẩm sinh học cần dùng đối với mỗi thể tích nước thải tương ứng. Công trình này đã được hội đồng khoa học đánh giá cao tại vòng chung khảo giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ 2018.
Giá trị thực tiễn cao
Việt Nam có đường bờ biển dài, ngành chế biến thủy sản ngày càng phát triển. Nhưng cũng từ đó, nước thải chế biến thủy sản từ các nhà máy càng nhiều hơn.
Ngoài chất ô nhiễm từ thịt cá, nước thải từ chế biến thủy sản nhiễm mặn rất cao. Nguyên nhân là do độ mặn từ thịt cá có sẵn, cộng với độ mặn từ muối để ướp khi chế biến. Một số tỉnh miền Trung giáp biển, thiếu nước ngọt, thường sử dụng nước biển để sục rửa hệ thống băng chuyền, máy móc.
Đánh giá về đề tài này, Th.s Lâm Vĩnh Sơn (người hướng dẫn nhóm) nói: "Xử lí nước thải có độ mặn cao đang là bài toán đau đầu của nhiều doanh nghiệp. Nước thải có độ mặn cao ảnh hưởng rất nhiều và gây ức chế sự phát triển của vi sinh vật trong phương pháp sinh học. Ý tưởng này của các bạn xuất phát từ thực tiễn, có tính khả thi cao và có thể ứng dụng vào thực tế".
Công trình là cơ hội để ba chàng trai thỏa mãn sở thích nghiên cứu, đồng thời là cơ hội ứng dụng lý thuyết đã học trên giảng đường vào thực tế. Xa hơn là tâm huyết của ba con người trẻ tuổi muốn góp phần vào việc giảm thải ô nhiễm, bảo vệ môi trường nước.
"Không chỉ nước thải trong nhà máy bị ô nhiễm, loại nước này đổ ra sông biển sẽ làm ô nhiễm bị lan rộng. Tụi mình hi vọng rằng, nghiên cứu này sẽ được áp dụng đến các công ty xử lí nước thải, góp phần làm sạch cho môi trường" .
Hiện nay cũng có nhiều phương pháp xử lí nước thải theo công nghệ vi sinh hoặc phương pháp truyền thống, tuy nhiên, chưa đạt hiệu quả cao. Nghiên cứu của Phong, Đạt, Sơn được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng giải quyết bài toán này cho môi trường.
Theo tuoitre