Thể lệ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII (2020-2021)
Ngày 09/6/2020 UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 1299/QĐ-UBND về việc ban hành thể lệ Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII (2020-2021).
Hội thi Sáng tạo tỉnh Đắk Lắk được tổ chức 02 năm một lần nhằm mục đích thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của toàn dân trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất đời sống, xã hội góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lĩnh vực dự thi:
Tất cả các giải pháp sáng tạo kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống, kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng đều có quyền tham dự Hội thi. Các giải pháp dự thi đăng ký theo 06 lĩnh vực:
1. Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông;
2. Cơ khí tự động hóa, xây dựng và giao thông vận tải;
3. Vật liệu, hóa chất, năng lượng;
4. Nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường;
5. Y dược;
6. Giáo dục và Đào tạo.
Đối tượng dự thi:
1. Mọi cá nhân, tổ chức sinh sống và hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không phân biệt lứa tuổi, thành phần, dân tộc, nghề nghiệp, …có các giải pháp kỹ thuật là kết quả của hoạt động sáng tạo, sáng kiến, cải tiến và ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động kinh tế-xã hội được tạo ra và áp dụng tại Việt Nam từ năm 2013 trở lại đây đều có quyền tham gia Hội thi.
2. Mọi tổ chức của Việt Nam đã đầu tư để tạo ra giải pháp kỹ thuật đều có quyền đứng tên tham gia Hội thi. Trong trường hợp này, những người trực tiếp tham gia sáng tạo ra giải pháp kỹ thuật được tổ chức đứng tên dự thi đăng ký là tác giả hoặc nhóm tác giả của giải pháp kỹ thuật dư thi đó.
3. Việc tham gia Hội thi không thay thế cho việc đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp.
Khi phát hiện thấy giải pháp cần được bảo hộ (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp…). Ban Tổ chức sẽ thông báo cho người dự thi lập hồ sơ yêu cầu được bảo hộ. Các giải pháp dự thi muốn được bảo hộ quyền sở hữu công ngiệp phải tiến hành đăng ký Cục Sở hữu Trí tuệ.
4. Các cá nhân, tổ chức có các giải pháp, công trình đã đoạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (Giải thưởng Khoa học-Công nghệ VIFOTEC) thì không được tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh.
Tiêu chuẩn đánh giá giải pháp dự thi
1. Tính mới, tính sáng tạo so với các giải pháp đã có ở Việt Nam
2. Khả năng áp dụng rộng rãi trong điều kiện của Việt Nam
3. Hiệu quả kinh tế-kỹ thuật-xã hội
Hồ sơ dự thi
Hồ sơ dự thi gồm 2 bộ, bao gồm phiếu đăng ký dự thi, bản mô tả giải pháp dự thi và toàn văn giải pháp dự thi thuộc các lĩnh vực khoa học-kỹ thuật nêu trên.
1. Phiếu dự thi: theo mẫu, gồm các nội dung sau:
- Họ và tên người dự thi hoặc tên tổ chức dự thi;
- Địa chỉ nơi làm việc hoặc nơi cư trú, điện thoại liên hệ (nếu có);
- Nghề nghiệp của tác giả hoặc nhóm tác giả (ghi riêng từng cá nhân);
- Tên giải pháp dự thi;
- Lĩnh vực dự thi;
- Thời điểm tạo ra giải pháp (ghi ngày tháng năm);
- Văn bản thỏa thuận giữa các đồng tác giả về phần trăm đóng góp ủy quyền cho 01 người đứng ra làm đại diện dự thi nếu giải pháp do nhóm tác giả tạo ra;
- Cam đoan của người dự thi về những điều ghi trong hồ sơ dự thi là đúng sự thật;
- Xác nhận của tổ chức cho phép dự thi nếu tác giả dự thi với tư cách cá nhân hoặc tập thể, hoặc xác nhận của địa phương nơi tác giả cư trú.
2. Bản mô tả các giải pháp dự thi: theo mẫu, gồm các nội dung sau:
- Tên giải pháp dự thi (ghi như trong phiếu dự thi):
- Mô tả giải pháp kỹ thuật đã biết (nếu có), mô tả ngắn gọn các giải pháp đã biết trước ngày tạo ra giải pháp dự thi, đặc biệt cần nêu rõ những nhược điểm cần khắc phục của các giải pháp đó;
- Mô tả giải pháp dự thi, thuyết minh tính mới, tính sáng tạo của giải pháp dự thi, mô tả ngắn gọn, nhưng đầy đủ và rõ ràng toàn bộ nội dung của giải pháp dự thi. Đặc biệt cần nêu rõ đã khắc phục những nhược điểm nào, sáng kiến cải tiến những chỉ tiêu nào của giải pháp kỹ thuật đã biết (nếu có) hoặc những sáng tạo hoàn toàn mới.
- Khả năng áp dụng được chứng minh thông qua hợp đồng chuyển giao công nghiệp, hợp đồng sản xuất thử, hợp đồng bán hàng hoặc hóa đơn bán hàng;
- Hiệu quả kinh tế của giải pháp dự thi là lợi ích trực tiếp có thể thu được do áp dụng giải pháp mới vào sản xuất và được đánh giá bằng cách so sánh với những giải pháp tương tự đã biết. Cần nêu rõ những chỉ tiêu kinh tế mà giải pháp dự thi mang lại cao hơn so với giải pháp đã biết;
- Hiệu quả kỹ thuật thể hiện bằng những chỉ tiêu kỹ thuật mới, tiến độ hơn so với kỹ thuật đã biết trước đó;
- Hiệu quả xã hội như cải tiến đời sống, nâng cao trình độ dân trí, bảo vệ sức khỏe, điều kiện làm việc, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
3. Bản nhận xét, đánh giá hoặc là biên bản ghi nhận kết quả ứng dụng, thử nghiệm…. có dấu xác nhận của cơ quan quản lý, cơ quan kiểm nghiệm, hội đồng khoa học, đơn vị sử dụng…(nếu có).
4. Sơ đồ, bản vẽ, hình ảnh, mô hình, sản phẩm chế thử và các tài liệu liên quan khác (nếu có).
Nộp và nhận hồ sơ dự thi
1. Hồ sơ dự thi nộp về Ban tổ chức Hội thi theo địa chỉ: Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk tại cơ quan thường trực là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk, số 103 Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, điện thoại: 0262 3816951; fax: 0262 3816953; Email: lhkhkt@daklak.gov.vn.
2. Thời hạn nhận, xét duyệt giải pháp và trao giải Hội thi:
- Thời gian nhận hồ sơ dự thi được bắt đầu từ khi công bố và pháp động Hội thi đến hết ngày 30/7/2021;
- Chấm giải pháp dự thi trong tháng 8/2021;
- Công bố và lễ trao giải thưởng trong tháng 12/2021.
3. Hồ sơ dự thi được tiếp nhận, xem xét, lưu trữ như tài liệu mật cho đến ngày công bố kết quả dự thi. Ban tổ chức không hoàn lại hồ sơ cho người dự thi, riêng sản phẩm hoặc mô hình được trả lại sau khi trao giải Hội thi nếu người dự thi yêu cầu.
Giải thưởng và hình thức khen thưởng
1. Cơ cấu giải thưởng: đwọc tính cho tất cả 06 lĩnh vực như sau:
A. Dưới 40 giải pháp dự thi được lựa chọn đưa vào tính điểm:
Tổng số tất cả giải thưởng là 16 giải: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 04 giải ba và 09 giải khuyến khích.
B. Từ 40-60 giải pháp dự thi được lựa chọn vào tính điểm:
Tổng số tất cả các giải thưởng là 20 giải: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 05 giải ba và 12 giải khuyến kích.
C. Từ 61-80 giải pháp dự thi được lựa chọn đưa vào tính điểm:
Tổng số tất cả giải thưởng là 26 giải: 02 giải nhất, 04 giải nhì, 06 giải ba, 14 giải khuyến khích.
D. Từ 81 giải pháp dự thi trớ lên được lựa chọn đưa vào tính điểm:
Tổng số tất cả giải thưởng là 30 giải: 03 giải nhất, 05 giải nhì, 07 giải ba và 15 giải khuyến khích.
2. Trị giá giải thưởng
Loại giải thưởng |
Đơn vị |
Trị giá |
Giải nhất |
Giải |
Tối đa 30.000.000 đồng |
Giải nhì |
Giải |
Tối đa 20.000.000 đồng |
Giải ba |
Giải |
Tối đa 10.000.000 đồng |
Giải khuyến khích |
Giải |
Tối đa 5.000.000 đồng |
Cúp lưu niệm |
Cúp |
Tối đa 800.000 đồng |
Ngoài ra còn có các phần thưởng khác như: Bằng khen của UBND tỉnh, Giấy khen, quà lưu niệm của Ban tổ chức.
3. Hình thực khen thưởng
Trong quá trình tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII (2020-2021) các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, vận động tổ chức Hội thi sẽ được Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam, UBND tỉnh tặng Bằng khen và Ban tổ chức tặng Giấy khen.