Vững tin ở Trường Sa - Kỳ II: Đem Tết ra Trường Sa
Quà của đất liền gửi tặng cho điểm đảo Cô Lin. |
Thiếu tá Đinh Văn Diệu - Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn cùng các chiến sĩ ở đây hân hoan đón đoàn. Đêm đầu tiên ở lại trên điểm đảo này không ai ngủ được, chương trình liên hoan văn nghệ “Mừng Xuân, mừng Đảng năm 2015” được tổ chức trang trọng, ấm áp tại hội trường đảo Đá Lớn vừa khép lại, anh em chiến sĩ (mới và cũ) lại tiếp tục “Hát cho nhau nghe” bên cầu cảng ầm ào sóng vỗ. Thiếu tá Diệu tâm sự: Tết ở đây bao giờ cũng đến sớm hơn so với mọi nơi, vì tình cảm của đất liền dành cho chúng tôi luôn ưu ái và kịp thời. Như Xuân Ất Mùi này chẳng hạn, bánh mứt, mai vàng và cả gạo nếp, lá dong để gói bánh chưng nữa đã được anh em chiến sĩ đón nhận, sửa soạn bày biện đàng hoàng hệt như trong một gia đình thực sự. Bàn thờ và ảnh Bác được chăm chút, trang hoàng rực rỡ - cũng hoa quả, đèn đuốc, câu đối… chỉnh tề khiến cho bất cứ ai cũng có cảm nhận mỗi điểm đảo là mỗi gia đình đầm ấm, vui vầy.
Cảm nhận ấy càng rõ ràng hơn khi chúng tôi lên đảo Sinh Tồn, bởi đây là đảo nổi khá lớn nằm giữa vòng cung Đông - Nam (nếu nhìn từ đảo Nam Yết sang Trường Sa Lớn) nên đời sống, sinh hoạt của quân và dân nơi đây chẳng khác gì đất liền, cũng có trường học, trạm xá, nhà văn hóa, chùa chiền… với tiếng trẻ thơ ê a đọc bài và tiếng chuông ngân lên mỗi sớm. Dịp chúng tôi ra thăm đảo cũng là lúc công trình xây dựng âu tàu Sinh Tồn đang được đẩy nhanh tiến độ. Những người lính công binh thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam đang ngày đêm hối hả đào đắp đất, đá để hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng: cầu cảng, trạm tiếp nước, xăng dầu, bến neo đậu tàu thuyền… nhằm phục vụ chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo kết hợp với việc phát triển ngành kinh tế hàng hải trên biển Đông và đánh bắt thủy sản của người dân trên ngư trường Trường Sa.
Các chiến sĩ gói bánh chưng đón Tết trên Đảo Sinh Tồn. |
Mùa xuân này là mùa xuân thứ ba xã đảo tiền tiêu giữa vòng cung Đông - Nam này nhận được sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn của đất liền để khoác lên mình chiếc áo mới và sức sống mới. Trung tá Phan Văn Dũng-Bí thư kiêm Chủ tịch xã đảo Sinh Tồn phấn khởi nói: “Quân, dân ở đây cùng một ý chí và tình cảm như truyền thống quý báu của quân đội ta, dân tộc ta vốn xây dựng, đắp bồi. Vì thế trong mọi hoàn cảnh, hoạt động quân và dân trên đảo đều cùng nhau tham gia bàn bạc và thực hiện. Đặc biệt trong những dịp Tết đến, xuân về như thế này thì ý chí và tình cảm ấy càng được thể hiện cụ thể, sâu đậm hơn. Trong những gói quà Tết mà đất liền gửi ra cho đảo mỗi năm đều có phần cho các hộ dân sinh sống ở đây”. Gia đình anh Nguyễn Minh Châu cho biết, ngoài bánh, mứt, đường sữa được nhận trong dịp Tết Ất Mùi, lãnh đạo của xã đảo còn hỗ trợ thêm thịt (lợn, gà) và bánh chưng do các chiến sĩ trên đảo tự gói. Vì thế trong mấy ngày ở lại trên đảo Sinh Tồn, chúng tôi cứ thấy liên tục nhiều nồi bánh chưng sôi sùng sục, người gói kẻ nấu cứ thay nhau miệt mài không nghỉ. Hỏi Chỉ huy trưởng đảo-Trung tá Trịnh Công Lý mới biết tất cả vật phẩm nhận từ đất liền trong dịp Tết đều được phát cho quân và dân. Trung tá Lý nói rằng Tết này cả xã đảo đón Tết sớm vì đây là dịp thay, thu quân đầu năm 2015, anh em có người đi, kẻ ở nên việc tạo ra không khí xuân trong toàn đơn vị để cán bộ, chiến sĩ có điều kiện quây quần và chia sẻ với nhau là điều mà ai cũng cố gắng, quan tâm.
Địa điểm mà họ gặp gỡ nhau là Hội trường đảo Sinh Tồn. Ở đó quân và dân ngồi lại, có bánh mứt, cành mai vàng và biết bao tâm sự. Những ca khúc “Gần lắm Trường Sa”, “Mưa trên đảo Sinh Tồn”, “Biển nhớ”… được cất lên thay cho nỗi niềm muốn nói. Trung sĩ nhất Hoàng Bình Nam (quê Hà Tĩnh) gửi gắm tình cảm của mình cho đồng chí, đồng đội trước khi rời đảo bằng giọng hát (hay nói đúng hơn là tâm sự) chân thật, sâu kín:“Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về/ triều sương ướt đẫm cơn mê…” khiến cả hội trường lặng đi trong xúc động. Trình bày xong ca khúc “Biển nhớ”, Nam nói trong rơm rớm nước mắt: “Dù một ngày làm lính trên đảo, em cũng rất tự hào. Xuất ngũ trở về nhà, dù đi đâu và làm việc gì, Trường Sa luôn trong trái tim em”. Tình nghĩa, trách nhiệm ấy giống như bao người lính khác - là Binh nhì Nguyễn Văn Tín (đảo Đá Lớn), Thượng úy Nguyễn Văn Quế (đảo Len Đao), hay Trung úy Nguyễn Văn Thành (đảo Cô Lin)… mà tôi đã gặp đều dành cho biển đảo quê hương một niềm tin yêu cháy bỏng. Họ hoàn thành nhiệm vụ được Tổ quốc, Đảng và nhân dân giao phó, khi trở về vẫn canh cánh với Trường Sa. Qua những dòng thổ lộ của biết bao người lính thân thương và bình dị đó, tôi đã nhận ra một điều: Trường Sa, một phần ruột rà, máu thịt của đất Việt mến yêu luôn trong trái tim mỗi người. Tình cảm và niềm tin ấy là sức mạnh vô địch để quân và dân ta bảo vệ, gìn giữ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
(Còn nữa)
Nguồn baodaklak.vn (VN)