Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 08/05/2020

Cần ưu tiên hơn tàu bám Hoàng Sa

Một phiên đánh cá đêm của ngư dân xóm Ghành Cả tại đảo Xà Cừ, quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Văn Chương

Một phiên đánh cá đêm của ngư dân xóm Ghành Cả tại đảo Xà Cừ, quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Văn Chương

Ngư dân không rời bỏ Hoàng Sa

Tại xóm Ghành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), ngư dân Nguyễn Thanh Đồng, người có thâm niên nhiều năm xuôi ngược ở quần đảo Hoàng Sa chia sẻ: “Tình hình là càng ngày càng khó, nói là ngư dân ra bám giữ Hoàng Sa thì bà con vẫn cứ bám, nhưng khó khăn hơn vì bị Trung Quốc rượt đuổi liên tục. Những năm trước đây, tàu cá bị Trung Quốc đập phá tài sản thì khi vào đất liền được nhiều tổ chức đến thăm hỏi, hỗ trợ, nhưng hiện nay ngư dân đều phải tự gánh chịu nhiều thiệt hại”.

Ngư dân ở Quảng Ngãi thường vào rất sát các đảo ở quần đảo Hoàng Sa, nên ngày nào cũng va chạm tàu Trung Quốc. Theo dõi trên thiết bị giám sát hành trình, tàu cá của các tỉnh Quảng Nam, Bình Định thì bán kính đánh bắt cách đảo xa hơn, hoặc vào gần các đảo Đá Bắc, Bom Bay, Bạch Quy. Đây là những hòn đảo ở quần đảo Hoàng Sa chưa có lính đồn trú, đảo đang bỏ hoang. Ngư dân thường nhanh chóng cho tàu rời đi, mỗi khi phát hiện tàu tuần tra từ xa.

Đến nhà của thuyền trưởng Đặng Dũng ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu  (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), vợ anh Dũng cho biết, tối ngày 2/4, thuyền trưởng Trần Hồng Thọ kêu cứu, rồi nghe tiếng thuyền trưởng Đặng Tự nói tới hỗ trợ người anh em bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Việc bỏ dở phiên biển để đi cứu người ở Hoàng Sa luôn đối mặt với rủi ro về việc Trung Quốc bắt giữ, thu hết đồ đạc, lấy cá. Khi cứu được bạn chài trở về thì lại bị đưa đi cách ly 14 ngày. Cá trên tàu phải chật vật lắm mới bán được. Sau đó ở nhà tự khắc phục thiệt hại chứ không nhận được hỗ trợ và cũng chưa thấy tỉnh Quảng Ngãi khen thưởng vì thành tích cứu giúp người.

Ông Phùng Bá Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, ngư dân địa phương không bao giờ rời bỏ Hoàng Sa, vì đây là ngư trường truyền thống của họ. Bên cạnh đó là tinh thần bà con bám giữ chủ quyền. Tuy nhiên thời gian gần đây thì ngư dân liên tục bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, uy hiếp, thậm chí là đâm chìm tàu, gây thiệt hại tài sản.

Cần hỗ trợ ngư dân lắp thiết bị giám sát hành trình

Theo quy định của Luật Thủy sản sửa đổi, tỉnh Quảng Ngãi có 3.351 tàu cá thuộc diện phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Hiện hơn 1.650 chiếc đã được lắp thiết bị. Các địa phương tại miền Trung thực hiện việc hỗ trợ lắp đặt mỗi nơi một khác. Thành phố Đà Nẵng hỗ trợ tiền mua sắm thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá (526 tàu).

Thiết bị giám sát hành trình có giá từ 19 đến 28 triệu đồng, đối với ngư dân số tiền đó cũng là một gánh nặng tài chính. Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng chi cục Thủy sản Bình Định cho biết cách làm của địa phương là huy động các doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh ủng hộ.

Thiết bị giám sát hành trình lắp đặt ở Quảng Ngãi chủ yếu là máy Thuraya SF 2500 của VNPT và Vifist  - 18 của Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam, do Đài Duyên hải miền Trung tại TP Đà Nẵng lắp đặt. Do thiết bị này hoạt động trong môi trường nước mặn, dễ bị hỏng hóc, nên ngư dân có thể phải tốn thêm kinh phí để mua mới. Ông Phan Điệp, cán bộ Đài Duyên hải miền Trung tại TP Đà Nẵng cho biết, ngư dân khi khởi động máy phải kiểm tra kết nối qua điện thoại. Nếu máy bị trục trặc và ngư dân cần tư vấn về bảo dưỡng, sửa chữa máy thì sẽ được hướng dẫn qua tin nhắn từ xa. Thiết bị phải đặt trong hộp gỗ kín để tránh nước mặn xâm nhập và không bị chuột cắn.

Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện tỉnh Quảng Ngãi có Quỹ Hỗ trợ ngư dân và nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là người có đóng góp rất lớn trong việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp vào quỹ. Tuy nhiên, điều lệ của quỹ hiện nay quy định thiên về việc hỗ trợ cho ngư dân để mua máy mới, đóng tàu mới trong trường hợp tàu của ngư dân bị phía Trung Quốc đâm chìm; hỗ trợ cho các ngư dân bị Trung Quốc tịch thu tài sản, ngư lưới cụ; Không có quy định đầu tư cho việc mua sắm thiết bị giám sát hành trình, nên ngư dân phải tự trang trải.

Nhiều ngư dân Hoàng Sa có ý kiến về việc nên hỗ trợ phân vùng. Ví dụ kiểm tra định kỳ thiết bị giám sát hành trình, nếu thấy tín hiệu nhóm tàu cá nào thường xuyên áp sát quần đảo, các đảo nổi ở Hoàng Sa thì nên hỗ trợ chi phí một phần thiết bị giám sát hành trình. Điều này thể hiện sự quan tâm, nắm bắt được tình hình, động viên kịp thời ngư dân bám sát các đảo Hoàng Sa. 

Theo tienphong.vn

 

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready