Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 29/03/2015

Vững Tin ở Trường Sa - Kỳ cuối: Những pháo đài thép trên biển Đông

Để giữ vững toàn vẹn chủ quyền biển đảo, nhất là trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ ra năm biện pháp đấu tranh rõ ràng, lâu dài và xuyên suốt: Đó là đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, dư luận và cả đấu tranh trên thực địa. Vì thế việc quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cho 21 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa thường xuyên được chú trọng, xem đó là một trong những vấn đề quan trọng, cấp thiết nhằm tăng cường khả năng bảo vệ và phòng vệ trước mọi khả năng uy hiếp, xâm phạm chủ quyền của các thế lực ngoại bang.
Một góc đảo  Sinh Tồn.
Một góc đảo Sinh Tồn.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đảo Trường Sa - Thượng tá Trần Trung Hưng điểm qua như thế trước khi ra thăm các đảo rồi chia sẻ với mọi người: “Cứ ra đó khắc biết sự quan tâm của đất liền đối với đời sống tinh thần, cũng như vật chất của cán bộ, chiến sĩ nơi hải đảo như thế nào. Nhà báo cứ tìm hiểu, phản ánh chân thực cho đồng bào cả nước và thế giới biết được Trường Sa hôm nay đã đổi thay ra sao, để ai cũng có quyền tự hào và tin rằng mỗi một vuông đất, thước biển của ta đều đã có chủ quyền - và chủ quyền ấy, sự thật đã được thừa nhận trên các mặt lịch sử, pháp lý và thực địa qua các thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc…”. Quả đúng như vậy, Trường Sa của Việt Nam hôm nay đã trở nên vững vàng, kiêu hãnh trên biển Đông. Số liệu từ Vùng 4 Hải quân cho thấy trên tất cả 21 điểm đảo mà Việt Nam đang đứng chân (gồm Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca, Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, An Bang, Thuyền Chài, Đá Tây, Đá Đông, Đá Lớn, Tốc Tan, Mũi Le, Đá Nam, Đá Thị, Đá Lát, Cô Lin, Len Đao và Tiên Nữ) đã được đầu tư xây dựng đàng hoàng, to đẹp hơn. Dự án điện gió trên tất cả các đảo được đánh giá là một thay đổi lớn lao. Từ nguồn năng lượng này, cuộc sống sinh hoạt cũng như việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo ở đây đã được cải thiện đáng kể. Điện thắp sáng trên 21 điểm đảo đủ phục vụ 24/24 giờ, nhờ đó ở các đảo nổi, mạng Internet do Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đầu tư xây dựng đã kết nối toàn cầu. Nhờ vậy, nói như Thượng tá Trần Trung Hưng - việc liên lạc, điều hành và chỉ đạo giữa các đảo, các cấp trong Quân chủng Hải quân nói riêng cũng như cả hệ thống chính trị trong nước nói chung trở nên thuận lợi, cơ động hơn trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Cây xanh được trồng trên đảo Sinh Tồn.
Cây xanh được trồng trên đảo Sinh Tồn.

Điều đáng nói hơn là trong bối cảnh tranh chấp trên biển Đông đang xảy ra ngày một gay gắt và phức tạp như hiện nay thì vấn đề xây dựng, mở rộng các bãi cạn, đảo chìm của 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có liên quan đến “vùng nước lịch sử” này (gồm Philipin, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam) nhằm mục đích riêng của mình đang được các bên đặc biệt quan tâm. Đại úy Trương Hồng Phượng - Chỉ huy trưởng đảo Cô Lin cho biết: Chẳng hạn như đảo Gạc Ma mà Trung Quốc xâm chiếm của Việt Nam từ năm 1998, đến nay họ đã xây dựng đảo chìm này trở thành Trung tâm dịch vụ hỗ trợ quân sự và hàng hải nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng trên biển Đông. Theo Đại úy Phượng, hiện Trung Quốc đang xây dựng một âu tàu tại đảo Gạc Ma với quy mô lớn gồm 2 cầu cảng, đài quan sát 4 tầng và hàng chục công trình phục vụ cho mục đích quân sự khác. Thực tế đó đang được phía Trung Quốc ồ ạt đẩy mạnh từ tháng 3-2014 đến nay. Đứng trên đảo Cô Lin nhìn sang Gạc Ma (cách nhau gần 4 hải lý), qua ống kính viễn vọng, chúng tôi thấy các công trình được xây dựng tại đảo Gạc Ma rõ mồn một, toàn bộ mặt rạn san hô rộng hơn 4 km2 đã được kè đất, đá trở thành các ta luy dương bảo vệ. Các công trình được xây dựng ở đây đều cao hơn so với mặt san hô khi thấp nhất là 5m. Phục vụ cho quá trình “bê tông hóa” đảo chìm này, các chiến sĩ ở đảo Cô Lin cho biết lúc cao điểm có đến 15 tàu lớn chở vật liệu xây dựng, kèm theo 2 tàu hộ vệ tên lửa theo sau.

Thượng tá Bùi Đình Dương-Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 cho rằng: trước tình trạng “leo thang” của Trung Quốc ở biển Đông, mà cụ thể là ở Trường Sa, chúng ta cũng đã huy động mọi nguồn lực để xây dựng các điểm đảo vững chắc hơn. Đảo Đá Lớn (một trong 4 điểm đảo) mà đoàn chúng tôi ra thăm đã cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực đó. Hiện nay, các công trình như nhà điều hành, làm việc, hội trường, bờ kè đá được xây dựng mới và kiên cố. Đặc biệt là đảo nổi Sinh Tồn, nhờ sự quan tâm của đất liền, đến nay đã có nhiều công trình được dựng nên: Nhà văn hóa 2 tầng khang trang và bề thế do Tập đoàn Cao su Việt Nam xây tặng, Trường Tiểu học Sinh Tồn của Quỹ học bổng Vừ A Dính, Trụ sở HĐND, UBND xã đảo Sinh tồn mới hoàn thành và đưa vào sử dụng từ nguồn chi ngân sách của tỉnh Khánh Hòa… Đáng kể nhất là công trình xây dựng âu tàu tại đây được khởi công vào tháng 3-2014 và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Theo Trung tá Trịnh Công Lý - Chỉ huy đảo Sinh Tồn, độ sâu trung bình của âu tàu khoảng 4,5m, đủ rộng cho hàng chục tàu thuyền của ngư dân vào tránh trú bão. Ngoài ra còn có hệ thống bơm dẫn xăng dầu ra tận nơi để phục vụ nhu cầu vận tải hàng hải, đánh bắt thủy sản trên vùng biển này.

Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho rằng chúng ta xây dựng thực địa là để biến những điểm đảo trên trở thành những “pháo đài thép”, là chốt tiền tiêu của Tổ quốc, đồng thời cứu hộ-cứu nạn cho ngư dân và quan trọng nhất là để khẳng định, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo với phương châm “8K”: kiên trì, khôn khéo, kiềm chế, không khiêu khích, không để nước ngoài lấn chiếm và không để xảy ra xung đột… như quyết sách của Đảng, Nhà nước ta đã đề ra. Còn việc Trung Quốc mở rộng và xây dựng các đảo nhân tạo trên biển này, được coi là hành động khiêu khích nhằm thôn tính biển Đông hiện đang bị dư luận trong nước cũng như quốc tế lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Nguồn baodaklak.vn (VN)

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready