Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 11/10/2013

TUỔI TRẺ VỚI VĂN HÓA GIAO THÔNG

TUỔI TRẺ VỚI VĂN HÓA GIAO THÔNG

Do đặc thù công việc, tôi thường xuyên phải đi công tác từ TP. Buôn Ma Thuột đến các huyện trên địa bàn tỉnh. Mỗi chuyến hành trình tôi lại được chứng kiến những câu chuyện về “văn hóa giao thông”.
Có người bạn bảo tôi rằng, muốn xem một đất nước văn minh đến đâu, hãy nhìn vào cách cư xử của người với người khi đi trên đường phố. Bạn tôi có tính cực đoan nên hay kể chuyện tài xế đánh đấm nhau náo loạn đường phố, câu chuyện về “hôi của”, tài xế gây tai nạn rồi bỏ mặc nạn nhân, về chuyện tranh giành chỗ ngồi trên xe khách, rồi thì cô nhân viên bán vé nói trống không với những hành khách đáng tuổi cha, mẹ mình, hay một người đàn ông vừa chạy xe máy vừa hút thuốc, lại có người ngồi oai vệ trên ô tô, thò ngón tay kẹp điếu thuốc ra cửa xe, để bao người khác hít phải chất độc, chuyện về người có thói quen nhổ nước bọt khi đang phóng xe, tội nghiệp cho những ai đi phía đằng sau vô tình đúng vào hướng gió… Bạn tôi bảo, đã đến lúc gióng lên hồi chuông "báo động" về  “văn hóa giao thông” rồi. Nhưng tôi thì lại nghĩ khác, bởi đã có lần tôi thấy một người thanh niên nhường chỗ cho cụ già trên xe buýt và lần khác thì chứng kiến cảnh một chị phụ nữ bị tai nạn sau vụ va chạm xe máy được mọi người qua đường nhiệt tình giúp đỡ, rồi cả việc người qua đường nhắc nhở nhau tắt đèn xi-nhan, gạt chân chống, hỏi thăm xe bị hỏng hóc thế nào mà phải dắt bộ…

 

 Thanh niên  tình  nguyện tham gia hướng dẫn,  tuyên truyền  Luật  An toàn  giao thông tại huyện  Cư M'gar.  Ảnh: Hoàng Gia
Thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn, tuyên truyền Luật An toàn giao thông tại huyện Cư M'gar. Ảnh: Hoàng Gia

Những lần ngồi trên xe buýt, tôi lại miên man nghĩ về những câu chuyện của bạn tôi và những câu chuyện tôi được chứng kiến, về những thanh niên tình nguyện đứng tại các chốt giao thông mặc cho khói bụi và cái nắng nóng của Tây Nguyên giữa giờ tan tầm để hướng dẫn mọi người điều khiển phương tiện đúng quy định của pháp luật, hay chỉ đơn giản là sẵn sàng giúp đỡ một cụ già, em nhỏ, người tàn tật qua đường... Tôi cũng là một người trẻ, có lần khoác trên mình chiếc áo xanh thanh niên tình nguyện, người thợ sửa xe đã lấy rẻ tiền vá lốp, chị nói rằng, vì thanh niên tình nguyện thì chắc là cũng không có nhiều tiền. Mặc dù không nỡ nhận số tiền trả lại từ lòng tốt của chị, nhưng tôi vẫn thấy vô cùng ấm lòng và nghĩ tới những thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn giao thông kia, chắc hẳn họ cũng thấy vinh dự và tự hào khi góp phần xây dựng một xã hội tham gia giao thông có văn hóa - tuy rằng đã có người nhìn họ như những người vô công rồi nghề, cố tình không theo sự chỉ dẫn và còn buông những lời thách thức. Ừ thì ở đâu cũng vậy, có người tốt và người chưa thể hiện được đức tính tốt, có người tham gia giao thông chưa có văn hóa và người tham gia giao thông có văn hóa ở mức độ nhất định. Quan trọng là mỗi bạn trẻ chúng ta đã làm gì để tuyên truyền mọi người thay đổi nhận thức và hành vi ứng xử khi tham gia giao thông và hơn hết chúng ta gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật, trở thành người có “văn hóa giao thông”. Như vậy, “văn hóa giao thông” không chỉ được hiểu là chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, có thái độ và hành vi đúng mực khi tham gia giao thông mà còn phải đấu tranh với những hành vi vi phạm giao thông. Nếu làm được điều đó, hình ảnh của những người trẻ trong xã hội sẽ được tôn vinh, tôn vinh vì những nghĩa cử cao đẹp, lối sống có ích và khi du khách nước ngoài đến Việt Nam, họ sẽ cảm nhận được một Việt Nam thân thiện, văn minh, lịch sự trải qua hàng nghìn năm văn hiến ngay từ khi họ đặt chân đến Việt Nam mà chưa cần nghe lời giới thiệu từ hướng dẫn viên.

Thiết nghĩ, xây dựng văn hóa giao thông là trách nhiệm của tất cả mọi người trong xã hội. Vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với giới trẻ vì nó không chỉ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông một cách bền vững mà còn hình thành nên một thế hệ - những người chủ tương lai của đất nước - có lối ứng xử văn hóa, văn minh, thấm đẫm tính nhân văn của người Việt.

Xuân Giang

 

 

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready