Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
Cập nhật lúc: 12/08/2024

Cần quan tâm nâng cao nhận thức chính trị của sinh viên

Tổng kết kinh nghiệm “diễn biến hòa bình” - cuộc “chiến tranh không có khói súng” ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch cho rằng: muốn đánh đổ chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa thì không chỉ tấn công vào hệ tư tưởng, cường điệu các sai lầm, khuyết điểm của đảng cộng sản, của cán bộ đảng viên mà còn phải “hạ bệ thần tượng”, đánh đổ “huyền thoại” - những người tiêu biểu nhất cho ý chí cách mạng, khát vọng của nhân dân, trí tuệ của dân tộc, làm sụp đổ tận gốc niềm tin của quần chúng đối với con đường cách mạng do đảng cộng sản dẫn dắt.

Vì vậy, các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào, tận dụng tất cả mọi diễn đàn trong thời đại công nghệ thông tin hiện đại để bôi xấu, xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các bài viết xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện nhiều trên mạng Internet mà các cơ quan chức năng không thể nào kiểm soát được hết. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến tình cảm, thái độ của thế hệ trẻ mà đặc biệt là sinh viên đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm lung lay bản lĩnh chính trị của sinh viên.

c8cbc36a9131356f6c20_20240809113243

Sinh viên tình nguyện Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk tham gia ôn tập hè cho thiếu nhi xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc. Ảnh: Vân Anh

Để nâng cao nhận thức chính trị cho sinh viên, giúp sinh viên có được hiểu biết đúng đắn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người, bên cạnh việc giảng dạy các nội dung kiến thức theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thiết nghĩ cần chú ý những công việc sau:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền phổ biến những quan điểm đúng đắn, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc

Điều này có ý nghĩa quan trọng vì nếu không những quan điểm đúng đắn sẽ không được nhiều người biết đến trong khi các luận điệu xuyên tạc lại được lan truyền rộng rãi. Cần phổ biến các quan điểm đúng đắn trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên Internet, vì đây chính là nơi có lượng người truy cập, theo dõi đông đảo. Đây cũng chính là môi trường lan truyền của những luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong một cuộc khảo sát tôi thực hiện với 300 sinh viên của Trường Đại học Tây Nguyên, có 97,67% sinh viên chọn giải pháp chủ động tuyên truyền, làm rõ sự đúng sai của các thông tin liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và chỉ có 1,33% sinh viên cho rằng cứ lờ đi, không đề cập, xem như không biết những luận điệu xuyên tạc đó.

Thứ hai, kiểm soát tốt các thông tin sai lệch, phản động trên mạng Internet

Có một thực tế là các luận điệu xuyên tạc, thông tin phản động chủ yếu được lan truyền trên mạng Internet, trong khi đó sinh viên lại là người thường xuyên sử dụng Internet nhất. Các thế lực thiếu thiện chí với Việt Nam nhận thức rất rõ vấn đề này và ngay lập tức, họ tập trung lôi kéo thanh niên, sinh viên, trí thức trẻ vào “ma trận” mới. Đặc điểm tâm lý khao khát cái mới là một nguyên nhân để tuổi trẻ tự nguyện trở thành “tín đồ” của cộng đồng mạng. Làm thế nào để thanh niên có đủ bản lĩnh nhận ra đâu là cái đúng, đâu là cái sai giữa muôn vàn thông tin đúng sai lẫn lộn? Chỉ có thể bằng cách sử dụng những trang mạng điện tử chính thống, có uy tín, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, đúng sự thật về các sự việc trong nước và quốc tế cho thanh niên. Sau mỗi sự kiện được dư luận chú ý, rất cần có các hình thức diễn đàn, tranh luận trên mạng để giúp thanh niên tìm ra chân lý. Bằng con đường này, các trang báo mạng sẽ khuyến khích thế hệ trẻ nhận thức đúng cái mới, có sức đề kháng trước những trang web “đen”, những thông tin “nhân danh cái mới” xuất hiện đầy rẫy trên mạng mà không “tường lửa” nào có thể ngăn chặn được hết.

Thứ ba, nâng cao ý thức và năng lực tự học cho sinh viên

Sinh viên cần nâng cao tinh thần và năng lực tự học, tính sáng tạo, tích cực, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu. Ngoài những giờ học trên lớp, sinh viên cần chủ động tìm kiếm các tài liệu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; quan tâm tìm hiểu những sự kiện chính trị của đất nước… Tất cả những loại tài liệu này, sinh viên có thể tìm kiếm một cách dễ dàng trên mạng Internet hoặc thư viện của trường. Tri thức không thể tự nhiên mà có, không khổ công học hành mà nên. Không giảng viên nào có thể truyền đạt trên lớp tất cả kiến thức cần thiết, phân tích tất cả những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước đang diễn ra… mà tự bản thân mỗi sinh viên phải thường xuyên, tự giác tìm hiểu, nghiên cứu. Những sự kiện chính trị xã hội của Việt Nam và thế giới thường xuyên được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, thay vì mỗi ngày thường xuyên vào mạng chỉ để lướt Facebook, chơi game, sinh viên cần dành thời gian để đọc những báo mạng chính thống chuyên phân tích các vấn đề chính trị xã hội trong và ngoài nước.

Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Tuyên truyền, phổ biến những quan điểm đúng đắn, đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm có ý nghĩa cấp thiết hiện nay, góp phần bảo vệ giá trị di sản Hồ Chí Minh, giữ gìn hình ảnh cao đẹp vốn có của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dân tộc ta và toàn thể nhân loại, giúp thế hệ trẻ Việt Nam mà đặc biệt là sinh viên không bị “lạc lối” trên Internet.

TS. Lại Thị Ngọc Hạnh - Trường Đại học Tây Nguyên

Nguồn: Báo Đắk Lắk

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready