Truyền thống quân thủy của cha ông trong lịch sử dân tộc
Thời Âu Lạc, khi xây dựng thành Cổ Loa, An Dương Vương đã dựa vào sông Hoàng Giang làm hào thiên nhiên che chở mặt nam thành. Thế kỷ VI, Lý Nam Đế tổ chức quân thủy đánh quân Lương ở sông Tô Lịch, hồ Điển Triệt , rồi Triệu Quang Phục đánh địch ở đầm Dạ Trạch. Thế kỷ thứ X, đội quân của Khúc Thừa Dụ ở Hồng Châu, của Dương Đình Nhệ ở Ái Châu và tiếp đó là quân đội của Ngô Quyền đều được huy động và tuyển mộ từ những dân chài ven sông biển, lập nên những đạo quân thủy thông thạo thuyền bè và chiến đấu trên sông nước.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 |
Ngô Quyền – vị tướng tài giỏi của dân tộc lần đầu tiên đã nắm vững quy luật của thủy triều huy động quân dân dùng cọc gỗ cắm ở sông Bạch Đằng, lập chiến công hiển hách, đánh tan đoàn chiến thuyền hùng mạnh của quân đội xâm lược Nam Hán (năm 938), chấm dứt ách đô hộ gần một nghìn năm của phong kiến phương Bắc, mở đầu thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc ta.
Năm 981, quân dân ta dưới sự thống lĩnh của tướng quân Lê Hoàn, phát huy tài thủy chiến của dân tộc, lập nên trận thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng lần thứ hai, tiêu diệt hoàn toàn đạo quân xâm lược Tống.
Thời Lý, thế kỷ thứ XI, vấn đề xây dựng căn cứ, chốt quân thủy phòng thủ đường biển chính thức được đặt ra, trong đó Vân Đồn giữ vai trò quan trọng bảo vệ đất nước trên hướng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Thường xuyên theo dõi và nắm chắc âm mưu của quân Tống chuẩn bị xâm lược nước ta, năm 1075, Lý Thường Kiệt, nhà chính trị và quân sự kiệt xuất của nhà nước Đại Việt, đã thống lĩnh 10 vạn quân thủy, bộ chủ động hành quân tập kích đánh tan các căn cứ xuất phát xâm lược của địch ngay trên đất địch, tạo điều kiện thuận lợi để ta chuẩn bị lực lượng, xây dựng và củng cố thế trận phòng thủ vững chắc trên tuyến sông Như Nguyệt, đánh thắng cuộc tiến quân xâm lược quy mô lớn của chúng vào năm 1077.
Sang thời Trần, thế kỷ thứ XIII, quân thủy ta càng được coi trọng phát triển về tổ chức, trang bị và huấn luyện. Trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, quân dân thời Trần đã phát huy truyền thống thủy chiến của dân tộc, lập chiến công oanh liệt trên chiến trường sông biển, tiêu biểu là các trận Chương Dương, Hàm Tử, Vân Đồn, Vạn Kiếp. Đặc biệt là trong cuộc kháng chiến lần thứ ba (năm 1288), dưới sự chỉ huy thiên tài của Trần Quốc Tuấn, quân và dân ta lại lập nên chiến công vang dội nhất trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, tiêu diệt toàn bộ đạo quân thủy sáu vạn tên, bắt các tướng Ô Mã Phi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ, buộc Thoát Hoan phải rút quân chạy trốn về nước. Những nhân vật tài giỏi về hoạt động trên sông biển như Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái… đã lập công xuất sắc, làm rạng rỡ nghệ thuật đánh giặc trên sông biển thời Trần.
Thế kỷ thứ XVI, thế kỷ XVII và những năm đầu thế kỷ thứ XVIII, quân thủy Việt Nam cũng đã chiến thắng các đội thủy quân xâm lược của chủ nghĩa tư bản châu Âu (đánh thắn hạm đội của thực dân Tây Ban Nha năm 1595, hai lần đánh thắng hạm đội của thực dân Hà Lan các năm 1642, 1643 và đánh thắng hạm đội của thực dân Anh năm 1702).
Sang thế kỷ XVIII, nghệ thuật chiến đấu trên sông biển Việt Nam đã phát triển tới một trình độ khá cao. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ - người anh hùng dân tộc, một lực lượng quân thủy hùng hậu đã được xây dựng. Với hàng nghìn chiến thuyền các loại được trang bị vũ khí mạnh, chở theo cả voi chiến, quân thủy Tây Sơn đã nhiều lần vượt biển vào Nam, ra Bắc đánh đổ hai tập đoàn phong kiến Trịnh (Đàng Ngoài), Nguyễn (Đàng Trong), chấm dứt cảnh đất nước bị chia cắt hơn 200 năm. Đặc biệt, năm 1785, Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy quân thủy tiến công đánh thắng quân Xiêm ở Rạch Gầm – Xoài Mút. Đây là một trong nhữn trận đánh trên chiến trường sông biển tiêu biểu của dân tộc ta.
Đến giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều Nguyễn không kiên quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, sau đó đầu hàng giặc, nhân dân ta ở khắp nơi đã đứng lên chống quân xâm lược. Trên các kênh rạch ở Nam Bộ, lực lượng khán chiến của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã nhiều lần đánh vào lực lượng quân thủy giặc, gây cho chúng những thiệt hại đáng kể. Trận đánh nổi tiếng nhất do Nguyễn Trung Trực trực tiếp chỉ huy, đốt cháy tàu chiến lướn Ê-xpê-răng-xơ (Hy vọng) trên sông Nhật Tảo (1861). Lần đầu tiên, pháo hạm – một ưu thế quân sự của Pháp trong chiến tranh xâm lược Việt Nam bị đánh bại.
Như vậy, cùng với những lực lượng bộ binh, kỵ binh, tượng binh hùng mạnh, dân tộc ta đã sớm xây dựng được những lực lượng quân thủy thiện chiến, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng trên mặt nước với lực lượng trên bờ, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ nền độc lập, tự chủ của dân tộc, giữ gìn giang sơn gấm vóc của Tổ quốc.
(Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam)
Nguồn hq.qdnd.vn (VN)