Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
Cập nhật lúc: 15/12/2014

Tìm nguyên nhân cử nhân tốt nghiệp lại... thất nghiệp

     Chật vật tìm việc

     Cầm tấm bằng tốt nghiệp ngành Tiếng Anh thương mại (Đại học Kinh tế Quốc dân), Thanh Vân (Từ Liêm, Hà Nội) đã gõ cửa 5 công ty để xin việc, nhưng chỗ thì quá xa, cách nhà đến hơn 30km, chỗ thì yêu cầu kinh nghiệm, có công ty thì đòi hỏi khắt khe về mặt thời gian trong khi lương khởi điểm chỉ đủ xăng xe và ăn sáng, ăn trưa, vướng sinh nhật, cưới hỏi của bạn bè là phải xin tiền bố mẹ, nên Vân chưa thể gật đầu.

     “Mất gần một năm tìm kiếm trên mạng, nghe bạn bè chỉ chỗ nọ, mách chỗ kia, giờ em mới kiếm được một công việc phù hợp với mức lương hơn 4 triệu đồng đủ để trang trải cuộc sống” - Vân tâm sự.

Lao động đăng ký tìm việc tại Ngày hội việc làm

     Theo Vân, cô vẫn không chịu áp lực nhiều vì sẵn có nhà để ở và bố mẹ vẫn có điều kiện để nuôi. Nhiều người bạn cùng khóa với Vân giờ vẫn chưa kiếm được việc nên khá hoang mang. Có bạn tranh thủ học lên cao học, bạn do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đành kiếm một công việc... chả cần đến tấm bằng đại học.

    Với Vân Thiềm (Gia Viễn, Ninh Bình), tốt nghiệp ngành Kế toán (Đại học Nha Trang), Thiềm đã trang bị lưng vốn tiếng Anh kha khá để tăng khả năng cạnh tranh với các bạn đồng trang lứa, tạo cơ hội cho bản thân kiếm được công việc phù hợp. Tuy nhiên, con đường trở thành kế toán với Thiềm đến lúc này vẫn còn gian nan. Cô đành chấp nhận làm công việc thời vụ cho một resort ở quê nhà với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng.

    Hai cử nhân này vẫn còn may mắn vì dù sao vẫn không rơi vào cảnh thất nghiệp quá lâu. Như chị Lê Thị Nga (Thanh Liêm, Hà Nam), tấm bằng kỹ sư Lâm nghiệp của chị đã cất trong tủ từ 4 năm nay và chưa có tia hy vọng được đem ra sử dụng. Giờ nguồn thu nhập của chị dựa cả vào ao cá, vườn rau, vậy mà vẫn “đỡ hơn cô em họ tốt nghiệp Đại học Sư phạm 2 giờ ở nhà làm giá bán cho cửa hàng rau trên thành phố, thu nhập cũng phập phù, bấp bênh lắm” - chị Nga nói.

     Còn với Thúy Quỳnh, tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị kinh doanh của Đại học Ngoại thương, 2 năm nay, Quỳnh vẫn chưa tìm được công việc ưng ý nên đành ở nhà giúp việc kinh doanh của gia đình. “Tuy nhiên, cứ kinh doanh tại nhà thế này thì sẽ rất lãng phí tấm bằng Thạc sỹ, chưa kể thỉnh thoảng có người dè bỉu, học lắm vẫn chả có việc để làm” - Quỳnh tâm sự.

     Vì đâu cử nhân thất nghiệp?

     Cử nhân tốt nghiệp đại học và sau đại học không kiếm được việc làm đang là vấn đề cả xã hội quan tâm. Tính đến ngày 1/7, vẫn có tới 147.000 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp theo số liệu Bản tin thị trường lao động Việt Nam số 3/2014 được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố đầu tháng 9 vừa qua.

     Dù số cử nhân có trình độ đại học trở lên thất nghiệp đã giảm 15.400 người so với quý 1/2014 là 162.000 người, nhưng con số này vẫn còn ở mức cao.

     Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Hoàng Ngọc Vinh, cử nhân ra trường không có việc làm có nhiều nguyên nhân: Thứ nhất, do nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc làm mới được tạo ra trên thị trường lao động; thứ hai, do chất lượng đào tạo của các trường chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế; thứ ba, do công tác dự báo, quy hoạch và điều hành vĩ mô để đảm bảo cân đối trong cơ cấu trình độ đào tạo chưa tốt.

     Ông Hoàng Ngọc Vinh khuyên cử nhân chưa có việc làm có thể học thêm các kỹ năng nghề nghiệp để cải thiện cơ hội tìm việc. “Thực chất học cao đẳng, đại học là học để làm việc chứ không phải chỉ học để lấy kiến thức. Để được tuyển dụng thì người học phải có năng lực làm việc. Vì vậy, có bằng đại học không có nghĩa là đương nhiên phải có việc làm mà đòi hỏi bản thân người học phải rèn luyện nhiều kỹ năng khác như: Kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giải quyết vấn đề..., đặc biệt là phải có năng lực thực hành. Việc học thêm các kỹ năng này là cần thiết và có thể học ở bất cứ cơ sở đào tạo nào để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng” - ông Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ.

     Bên cạnh đó, lý giải về tình trạng này, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội - TS. Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, hiện đang có hiện tượng lao động trình độ cao đẳng, đại học chủ động rơi vào tình trạng thất nghiệp tự nguyện; chẳng hạn như: Nhiều em tốt nghiệp đại học ngành Y thì chỉ muốn làm ở bệnh viện lớn, không muốn về các tỉnh, huyện xa. Một số nói chưa có việc, đang tìm việc, nhưng thực ra là đang chọn việc.

     Còn theo Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Tri Quang, đại học không phải là con đường duy nhất để bước vào đời như suy nghĩ của các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh. Hiện có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng không có việc làm, ngược lại, nhiều bạn chỉ học hệ trung cấp nhưng lại có khả năng tìm việc cao, thậm chí có thu nhập cao mà xuất phát điểm bắt đầu từ học nghề. Nếu có nhu cầu, sau khi ra trường, có việc làm, các bạn ấy vẫn có thể liên thông lên đại học.

     Ông Nguyễn Tri Quang cũng cung cấp phương thức "5 vừa" để các bạn trẻ tham khảo, chọn được nghề nghiệp phù hợp, đó là: “Vừa trình độ; vừa khả năng; vừa sức khỏe; vừa sở thích và vừa với điều kiện kinh tế”./.

TheoDangcongsan (NM)

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready