Tiếp tục nỗ lực vì một biển Đông hòa bình, hợp tác, cùng phát triển
Trên 30 diễn giả là các chuyên gia, học giả uy tín cùng khoảng 200 - 250 đại biểu là quan chức cấp cao, nhà quản lý kinh doanh, chuyên gia, học giả và nhà ngoại giao trong nước và quốc tế sẽ tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc những chuyển biến ở biển Đông trong suốt một thập kỷ qua trên nhiều khía cạnh từ địa chính trị, an ninh, quốc phòng, cho đến chính trị, ngoại giao, công nghệ và luật pháp quốc tế; những diễn biến mới, nhận diện các động lực đằng sau những căng thẳng hay hoà dịu, đồng thời tìm kiếm các giải pháp giúp quản lý và giải quyết xung đột hiệu quả trên biển Đông trên tinh thần thẳng thắn, khách quan, khoa học, và cầu thị.
Theo PGS. TS Nguyễn Vũ Tùng - Giám đốc Học viện Ngoại giao, Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông đã biến việc nghiên cứu biển Đông thành một lĩnh vực nghiên cứu đa ngành (lịch sử, khoa học chính trị, môi trường, năng lượng, chính sách đối ngoại…) với sự tham gia của các nước có liên quan cũng như các nước lớn; nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, phát triển các chuyên đề lớn, đa dạng dưới nhiều góc độ. Đồng thời, đây thực sự trở thành nơi gặp gỡ thường xuyên có uy tín, hình thành một mạng lưới nghiên cứu về biển Đông, bổ sung kiến thức đa ngành giữa các học giả.
Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế rằng biển Đông vẫn là một vấn đề phức tạp, mặc dù cộng đồng quốc tế đã nỗ lực trong việc giảm căng thẳng song chưa được như mong muốn, chưa xử lý dứt điểm các vấn đề mang tính cốt lõi, quan trọng.
Kể từ Hội thảo lần thứ nhất tháng 11/2009 tại Hà Nội, tới nay đã có trên 300 diễn giả và hơn 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế đến từ các viện/trung tâm nghiên cứu, trường đại học của Singapore, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Anh, Đức và ASEAN tham dự sự kiện./.
Theo dangcongsan