Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
Cập nhật lúc: 01/04/2021

“TIẾP SỨC” THANH NIÊN DÂN TỘC THIỂU SỐ KHỞI NGHIỆP

Gặt hái quả ngọt

Nung nấu khởi nghiệp với nghề làm rượu cần truyền thống của người M'nông, năm 2018 sau khi lập gia đình ra ở riêng, anh Y Knáp (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) quyết định thực hiện kế hoạch. Sau 6 tháng học nghề từ những người có kinh nghiệm làm rượu cần ở các buôn làng, anh bắt đầu nấu rượu cần bán và đặt tên là rượu cần “A Tâm”.

Sau hơn 2 năm khởi nghiệp, hiện mỗi tháng anh bán ra thị trường từ 30 - 50 chóe rượu cần. Riêng dịp Tết vừa qua, anh đã nhận được đơn hàng lên đến gần 200 chóe. Anh Y Náp chia sẻ: “Trong quá trình khởi nghiệp, ngoài sự nỗ lực của bản thân, sự đồng hành, động viên của gia đình, tôi còn nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ tổ chức Đoàn, Hội trên địa bàn về kết nối đầu ra cho sản phẩm. Hy vọng thời gian tới, sản phẩm rượu cần “A Tâm” sẽ được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến”.

Mô hình trồng nấm của anh Y Chinh Bkrông

Anh Y Chinh Bkrông (buôn Kala, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) là một trong những thanh niên DTTS tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương.

Năm 2016, sau khi được Đoàn xã giới thiệu học nghề trồng nấm tại Trung tâm Dạy nghề huyện, anh quyết định mượn gần 30 triệu đồng để xây dựng nhà trồng nấm với tổng diện tích gần 100 m2. Sau 4 năm làm nấm, hiện anh đã mở thêm được 3 nhà trồng nấm và một nhà làm phôi nấm với diện tích gần 1.000 m2. Mỗi năm, cơ sở của anh xuất bán ra thị trường hơn 5 tấn nấm bào ngư và nấm sò, cho lợi nhuận hơn 150 triệu đồng.

Theo anh Y Chinh, lợi thế của nghề trồng nấm là dễ làm, dễ kiếm nguyên liệu, đầu ra ổn định lại không đòi hỏi nhiều công lao động mà có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi. “Hiện tại, tôi đang thực hiện các bước để đăng ký kinh doanh cho sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và dự định đăng ký tem truy xuất nguồn gốc để khi người dùng tiếp cận và sử dụng sản phẩm của gia đình sẽ biết được nguồn gốc, xuất xứ và thành phần, cách sử dụng để có thể liên hệ trực tiếp với cơ sở. Hy vọng thời gian tới, gia đình có thể mở rộng thêm cơ sở sản xuất nấm, tạo được việc làm cho nhiều thanh niên tại địa phương”, anh Y Chinh tâm sự.


“Tiếp lửa” cho thanh niên

Toàn tỉnh có gần 120.000 đoàn viên, trong đó đoàn viên DTTS trên 26.400 người (chiếm 22%). Xác định rõ vai trò đồng hành cùng đoàn viên thanh niên nói chung, thanh niên DTTS nói riêng trong khởi nghiệp, Tỉnh Đoàn, Hội LHTN tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung hỗ trợ thanh niên DTTS khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực, với những việc làm cụ thể như hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên; hỗ trợ thanh niên nông thôn xây dựng các mô hình kinh tế, kinh doanh…

Trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều thanh niên DTTS đã và đang ấp ủ những khát vọng, hoài bão, mong muốn được giúp đỡ, hỗ trợ để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế hành trình khởi nghiệp của các bạn trẻ còn gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật, liên kết đầu tư…

Cán bộ đoàn các đơn vị tham quan mô hình chăn nuôi dê của thanh niên tại huyện Cư M'gar

Trước thách thức ấy, Tỉnh Đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đang phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, có những định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên, đặc biệt là thanh niên DTTS để họ có hướng phát triển kinh tế phù hợp, nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả.

Hiện nay, bên cạnh nguồn vay Quỹ Quốc gia về việc làm cho thanh niên, Quỹ Khởi nghiệp còn có nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp. Trong năm 2020, Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức ra mắt Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với tổng nguồn vốn ban đầu là 1,9 tỷ đồng. Trong quá trình hoạt động, quỹ không chỉ hỗ trợ vốn cho các dự án, ý tưởng khởi nghiệp mà còn giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao khả năng quản lý, quản trị và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Theo baodaklak.vn

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready