Thầy giáo trẻ đam mê sáng tạo
Với tâm niệm: người thầy không chỉ chuyển tải cho học sinh kiến thức mà còn khơi dậy tiềm năng và tư duy sáng tạo của học trò, trong quá trình giảng dạy, thầy Tuấn không ngừng tìm tòi, học hỏi phương pháp giảng dạy tích cực nhằm tạo hứng thú, sự tương tác giữa thầy và trò. Thầy luôn đưa ra những tình huống gắn với thực tiễn giúp học sinh dễ dàng nắm bắt và vận dụng kiến thức được học để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, thầy Tuấn còn hướng dẫn học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật. Trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức và không ít lần thất bại nhưng thầy Tuấn không nản lòng mà động viên học trò xem mỗi lần thất bại là một lần trải nghiệm thú vị, giúp bản thân có thêm động lực. Nhờ được thầy Tuấn “truyền lửa”, nhiều học sinh cũng say mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học.
Thầy Phạm Văn Tuấn (bìa phải) và học sinh nhận giải Ba Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Đắk Lắk lần thứ V, năm 2017. |
Những sản phẩm do thầy và học sinh nghiên cứu, chế tạo đều phát huy tốt hiệu quả trong giảng dạy giúp nhà trường tiết kiệm hàng chục triệu đồng đầu tư mua sắm thiết bị. Có thể kể đến các nghiên cứu, sáng chế như: Máy hút bụi siêu lốc xoáy; dụng cụ chiết xuất tinh dầu thiên nhiên trong phòng thí nghiệm; Dự án phòng chống sốt xuất huyết cho học sinh trên địa bàn xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin)… Trong đó, một số sản phẩm đã đoạt giải trong các cuộc thi sáng tạo, được đánh giá cao về khả năng ứng dụng thực tiễn. Đơn cử như máy hút bụi siêu lốc xoáy dù có kết cấu khá đơn giản, được tận dụng từ các vật dụng phế thải như thùng sơn cũ, các ống PVC, lắp thêm động cơ, bộ phận lọc… nhưng có hiệu suất hoạt động rất cao khoảng 300 m2/h và chứa được 10 kg rác mỗi lần thay túi lọc. Sản phẩm này đã giành giải Nhất Cuộc thi “Sáng tạo vật dụng vệ sinh trường học cấp tỉnh”; giải Ba Cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lần thứ V, năm 2017” và giải Ba Cuộc thi “Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh Trung học tỉnh, năm học 2017-2018”.
Thầy Phạm Văn Tuấn (giữa) chụp hình lưu niệm tại vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk. |
Năm học 2018-2019, thầy Tuấn cùng học sinh của mình nghiên cứu Dự án Phân bón hữu cơ từ phụ phẩm cây hồ tiêu. Nhận thấy sau mỗi đợt thu hoạch, các phụ phẩm từ cây tiêu rất nhiều nhưng thường bị người dân đốt bỏ, hoặc đổ vương vãi quanh vườn nhà gây ô nhiễm môi trường, với kinh nghiệm của giáo viên môn Hóa học và những kiến thức tìm hiểu được, thầy Tuấn cho rằng các phụ phẩm nông nghiệp là một nguồn tài nguyên, việc sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân compost là giải pháp tối ưu bởi vừa giảm thiểu chất thải lại vừa tận dụng làm phân hữu cơ.
Sau một thời gian nghiên cứu và tiến hành các thí nghiệm ủ phụ phẩm hồ tiêu bằng chế phẩm sinh học Bima Trichoderma và các hỗn hợp khác như men rượu, tro và nước, thầy Tuấn và học trò đã tạo ra sản phẩm phân hữu cơ có thành phần dinh dưỡng như N, P, K; mẫu ủ bằng Bima Trichoderma bón cho cây trồng làm tăng hàm lượng dinh dưỡng, cung cấp chất mùn cho đất, cân bằng vi sinh vật và tăng tính ổn định của kết cấu đất… Nhận thấy hiệu quả của loại phân bón này, thầy Tuấn mạnh dạn mang sản phẩm nghiên cứu tham dự Cuộc thi Khởi nghiệp, Khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk lần thứ I năm 2018 với mong muốn sẽ gặp được các nhà khoa học để hoàn thiện quy trình sản xuất phân bón hữu cơ. Sản phẩm nghiên cứu của thầy trò Trường THCS Cư Êwi đã xuất sắc lọt vào vòng Chung kết và được trao giải Khuyến khích tại cuộc thi này.
Với những nỗ lực ấy, thầy Phạm Văn Tuấn đã được công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở; năm 2018, được Huyện Đoàn tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Thầy Tuấn xứng đáng là tấm gương sáng trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” của ngành Giáo dục tỉnh.
Theo baodaklak